Tác động của lệnh trừng phạt Nga đối với thị trường vũ khí châu Phi

Các biện pháp trừng phạt Nga trên phạm vi rộng có thể tác động nghiêm trọng đối với châu Phi, cụ thể là khả năng mua sắm và duy trì khí tài quân sự từ Nga của lục địa này.
Tác động của lệnh trừng phạt Nga đối với thị trường vũ khí châu Phi ảnh 1Xe tăng T-14 Armata của Nga. (Nguồn: 21stcenturyasianarmsrace)

Trang mạng The Conversation có bài bình luận cho biết, sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát, các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã áp đặt các biện pháp trừng phạt toàn diện đối với Nga nhằm làm tê liệt khả năng tham gia nền kinh tế toàn cầu của nước này.

Trong những biện pháp đó, có cả việc cô lập một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống ngân hàng thanh toán quốc tế, trong đó có SWIFT - cơ chế thuận lợi cho việc chuyển tiền giữa các quốc gia.

Các biện pháp trừng phạt trên phạm vi rộng có thể tác động nghiêm trọng đối với châu Phi, cụ thể là khả năng mua sắm và duy trì khí tài quân sự từ Nga của lục địa này.

Gần một nửa lượng thiết bị quân sự nhập khẩu (49%) của khu vực châu Phi đến từ Nga, bao gồm vũ khí chính (xe tăng, tàu chiến, máy bay tiêm kích và trực thăng chiến đấu) và vũ khí hạng nhẹ (súng lục và súng trường tấn công như dòng Kalashnikov AK-200 mới). Trong khi đó, Trung Quốc chỉ chiếm 13% lượng vũ khí nhập khẩu của châu Phi.

Những khách hàng mua sắm vũ khí lớn nhất từ Nga - và hầu hết là các nước nhập khẩu lâu đời - là Algeria, Angola, Burkina Faso, Ai Cập, Ethiopia, Morocco và Uganda. Ai Cập và Algeria nằm trong danh sách 10 nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất trên thế giới, theo đó Ai Cập chiếm 5,8% lượng vũ khí nhập khẩu trên toàn cầu và Algeria chiếm 4,3%.

Theo niên giám năm 2021 của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, giá trị giao dịch vũ khí toàn cầu ước tính đạt 118 tỷ USD trong năm 2019.

[Nga sẵn sàng nối lại đàm phán với Mỹ về kiểm soát vũ khí]

Nga, cùng với 4 nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất - Mỹ, Pháp, Đức và Trung Quốc - chiếm 76% tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí chính trong giai đoạn 2016-2020.

Riêng tại châu Phi, Nga chiếm 20% thị phần, chỉ đứng sau Mỹ (37%). Trong khi đó, Pháp chiếm 8,2%, Đức 5,5% và Trung Quốc 5,2% thị phần.

Châu Phi không phải là thị trường nhập khẩu vũ khí lớn so với châu Á-châu Đại Dương (42%), Trung Đông (33%) và châu Âu (12%), châu Phi chiếm thị phần khiêm tốn 7,3%. Dựa trên mối liên hệ lịch sử từ thời Liên Xô cũ, Nga đã tận dụng mối quan hệ chặt chẽ của mình với nhiều quốc gia châu Phi, giúp đàm phán các hợp đồng mua bán vũ khí một cách tương đối dễ dàng. Ngoài ra, cơ cấu định giá và việc không kèm các điều kiện chính trị, khiến vũ khí của Nga trở nên hấp dẫn và giá cả phải chăng.

Trong bối cảnh đó, việc Nga bị ngăn chặn khỏi các hệ thống tài chính toàn cầu sẽ làm gián đoạn hoạt động thương mại này. Điều đó mang đến cả cơ hội và thách thức cho châu Phi.

Các thách thức gồm việc không đảm bảo nguồn cung cấp phụ tùng thiết yếu, gián đoạn kế hoạch hoạt động và huấn luyện cho các lực lượng đang sử dụng thiết bị của Nga và gia tăng chi phí duy trì thiết bị trong tác chiến.

Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay cũng tạo cơ hội cho các nước châu Phi chuyển sang phát triển năng lực công nghiệp quốc phòng của riêng mình để lấp đầy khoảng trống.

Ảnh hưởng đối với ngành công nghiệp quốc phòng châu Phi

Các biện pháp trừng phạt Nga có một số tác động đáng chú ý đến ngành công nghiệp quốc phòng của các nước châu Phi.

Thứ nhất là Nga không còn có thể đáp ứng được các đơn đặt hàng khí tài quân sự hiện tại nữa.

Thứ hai là việc sửa chữa, bảo trì hoặc đại tu phần cứng hiện có do Nga sản xuất gặp nhiều khó khăn, nếu không muốn nói là không thể. Điều này là do Nga không thể cung cấp phụ tùng, công cụ và chứng nhận thiết yếu. Các chuyên gia từ nhà sản xuất thiết bị gốc, những người thiết kế, phát triển và sản xuất thiết bị quân sự có liên quan, sẽ không thể bay đến từ Nga để hỗ trợ thiết bị.

Thứ ba, các nghĩa vụ theo hợp đồng, bao gồm nghĩa vụ tài chính và nghĩa vụ thực hiện, sẽ không thể được đảm bảo. Điều này có nghĩa là cả Nga và các quốc gia châu Phi đều không thể chịu trách nhiệm về việc vi phạm hợp đồng, vì điều đó là không thể thực hiện, ngay cả khi họ muốn.

Thứ tư, khoảng trống do Nga bị ngăn chặn khỏi thương mại toàn cầu sẽ phải được lấp đầy bởi các nhà cung cấp thay thế. Các nước châu Phi sẽ phải tìm kiếm những công ty có năng lực trong ngành công nghiệp quốc phòng có thể tiến hành các hoạt động bảo trì, sửa chữa và đại tu phần cứng hiện có của họ. Và cũng sẽ có các nhà sản xuất vũ khí tự cung cấp cho các nước châu Phi để trợ giúp về phần cứng mới và hiện có.

Trong quá khứ, Nga đã rất khôn ngoan khi lấp đầy khoảng trống thị trường mà các nước phương Tây để lại. Nga đã thành công vào năm 2013 khi Mỹ cắt viện trợ quân sự và vũ khí cho Ai Cập sau khi quân đội tổ chức đảo chính.

Các nhà cung cấp như Nga và Pháp đã lấp đầy khoảng trống này. Tương tự, vào năm 2014, khi Mỹ hủy hợp đồng cung cấp trực thăng chiến đấu cho Nigeria với lý do vi phạm nhân quyền, Nga đã cung cấp trực thăng chiến đấu Mi-35M cho quốc gia Tây Phi này.

Cuối cùng, sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng do các lệnh trừng phạt có thể tạo điều kiện và thúc đẩy thị trường vũ khí "chợ đen" khổng lồ. Tình trạng này có thể sẽ khó đảo ngược ngay cả sau khi Nga kết thúc cuộc chiến ở Ukraine.

Khi các nước châu Phi ngừng giao dịch cởi mở với Nga về phần cứng và dịch vụ quốc phòng, thị trường chợ đen có thể sẽ phát triển mạnh mẽ. Điều này sẽ đảo ngược những nỗ lực từ Chương trình Hành động của Văn phòng Các vấn đề Giải trừ Quân bị của Liên hợp quốc và chiến lược của Liên minh châu Phi về ngăn chặn chuyển giao vũ khí bất hợp pháp đã đạt được.

Sau khi Mỹ rút khỏi Iraq và Afghanistan, nhiều loại vũ khí hạng nhẹ như súng trường tấn công M16 và M4 tiêu chuẩn NATO, súng bắn tỉa, súng máy và súng lục đã tràn ngập thị trường chợ đen. Vì thế nguy cơ các giao dịch vũ khí chợ đen, liên quan đến cả các tổ chức nhà nước và phi nhà nước, trở nên rõ ràng tại lục địa này.

Châu Phi cần làm gì?

Nhu cầu về khí tài và dịch vụ quân sự vẫn hiện hữu bất chấp việc Nga rút lui hoặc bị ngừng tham gia. Đây là cơ hội lý tưởng để các nước châu Phi củng cố và sắp xếp năng lực công nghiệp quốc phòng của mình theo hướng bền vững.

Thông qua hợp tác, các công ty công nghiệp quốc phòng ở châu Phi có thể duy trì lực lượng lao động có tay nghề cao (kỹ sư và kỹ thuật viên), đầu tư vào nghiên cứu và phát triển và duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Các thiết bị do Nga sản xuất vẫn có thể được bảo trì và hỗ trợ bởi các chuyên gia công nghiệp quốc phòng châu Phi bản địa. Các quốc gia như Nam Phi, Ai Cập, Nigeria và Algeria có ngành công nghiệp quốc phòng mạnh có thể xoay sở để lấp đầy khoảng trống mà Nga để lại.

Ngoài ra, thông qua các kênh ngoại giao, các nước châu Phi có thể khuyến khích Nga chuyển giao các hợp đồng bảo trì cho các công ty công nghiệp quốc phòng tại châu lục.

Ví dụ, có ít nhất 80 máy bay chiến đấu MiG-29 do Nga sản xuất ở Algeria, Chad, Eritrea và Sudan, trong khi Ai Cập có ít nhất 46 chiếc thuộc bản nâng cấp của loại máy bay tương tự. Các máy bay này và các khí tài quân sự khác trên bộ và trên biển cũng đòi hỏi phải có các nhà cung cấp dịch vụ bảo dưỡng đáng tin cậy, tốt nhất là đặt tại châu Phi.

Đối với các thành viên của Liên minh châu Phi, việc giải quyết khó khăn theo hợp đồng từ bên trong lục địa sẽ dễ dàng hơn nhiều so với khi phải đối mặt với những hạn chế có thể được áp đặt từ bên ngoài. Các biện pháp trừng phạt toàn diện áp đặt lên Nga có thể sẽ kéo dài ngoài cuộc xung đột hiện tại.

Điều này ngụ ý rằng những gì được coi là "biện pháp tạm thời" để lấp đầy khoảng trống thị trường hiện nay có thể trở thành "giải pháp dài hạn" khi các nước châu Phi muốn tự sản xuất khí tài quân sự và cũng để giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp bên ngoài.

Do đó, các nước châu Phi nên nỗ lực phối hợp để tìm kiếm sự hỗ trợ từ các công ty quốc phòng trên lục địa này. Đặc biệt, Liên minh châu Phi và Nam Phi, với liên kết trong Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS), nên đóng vai trò trung tâm trong việc thúc đẩy một chiến lược như vậy./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục