Tập đoàn EVN thu xếp vốn cho các dự án nguồn điện trọng điểm

Năm 2022, EVN sẽ đẩy nhanh thủ tục đầu tư, thu xếp vốn với các dự án nguồn điện trọng điểm gồm thủy điện Trị An mở rộng, Nhiệt điện Dung Quất I&III, Nhiệt điện Ô Môn III, Nhiệt điện Quảng Trạch II.
Tập đoàn EVN thu xếp vốn cho các dự án nguồn điện trọng điểm ảnh 1Kiểm tra vận hành điện tại một trạm. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 14/1, tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức hội nghị tổng kết sản xuất kinh doanh năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022.

Ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc EVN cho biết dù còn nhiều khó khăn do dịch bệnh, giải phóng mặt bằng, EVN sẽ tập trung đẩy nhanh thủ tục đầu tư, xây dựng các dự án nguồn điện trọng điểm.

Khởi công hàng trăm công trình

Báo cáo tại hội nghị tổng kết, ông Trần Đình Nhân cho hay EVN đã thực hiện tốt nhiệm vụ đầu tư xây dựng các dự án điện và đưa vào vận hành nhiều dự án quan trọng, góp phần nâng cao năng lực hạ tầng cung cấp điện, giải toả công suất nguồn điện năng lượng tái tạo.

Dù tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong triển khai các thủ tục đầu tư, đền bù giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích đất rừng, thu xếp vốn, giá vật tư, vật liệu tăng cao và giãn cách do dịch COVID-19, tập đoàn và các đơn vị rất nỗ lực và có các giải pháp đẩy nhanh tiến độ nên đã cơ bản hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2021.

EVN đã đưa vào vận hành Nhà máy Thủy điện Thượng Kon Tum (220MW) và Nhà máy Thủy điện Đa Nhim mở rộng (80MW); hoàn thành cụm công trình cửa xả dự án Thủy điện tích năng Bắc Ái. Cùng đó, khởi công 3 dự án nguồn điện gồm: Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng (480MW), Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng (360MW) và Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch I (1.200MW).

Về lưới điện, EVN đã khởi công 198 công trình và hoàn thành 176 công trình lưới điện 110-500kV. Đặc biệt, EVN đã hoàn thành dự án cấp điện nông thôn tỉnh Lai Châu; triển khai thủ tục đầu tư dự án Cấp điện huyện Côn Đảo từ lưới điện quốc gia bằng cáp ngầm.

Các Tổng công ty điện lực đã chủ động thu xếp các nguồn vốn hơn 1.100 tỷ đồng để cấp điện cho 15.000 hộ dân chưa có điện tại địa bàn khó khăn thuộc các tỉnh Sơn La, Lào Cai, Lai Châu, Lạng Sơn, Điện Biên, Nghệ An, Cà Mau...

[Đầu tư 41.130 tỷ đồng xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I]

Tính đến cuối năm 2021, số xã có điện trên cả nước đạt 100% và số hộ dân được sử dụng điện đạt 99,65%; trong đó, số hộ dân nông thôn có điện đạt 99,45%.

Theo ông Trần Đình Nhân, Tập đoàn đã đẩy mạnh các giải pháp quản lý chất lượng công trình xây dựng thông qua các công cụ như phần mềm đầu tư xây dựng và các ứng dụng giám sát thông minh; ban hành Quy chế về công tác đầu tư xây dựng; quy định về khảo sát phục vụ thiết kế các công trình điện, quy định về thẩm tra, thẩm định các dự án lưới điện 220-500kV....

Đồng thời, nâng cấp phần mềm Quản lý đầu tư (IMIS 2.0), triển khai thí điểm các Module quản lý hồ sơ điện tử, quản lý tiến độ, nhật ký thi công. Biên bản nghiệm thu điện tử trên cơ sở sử dụng chữ ký số, hệ thống camera giám sát trên công trường được tích hợp các ứng dụng thông minh như nhận diện vân tay, khuôn mặt, biển số xe để hỗ trợ kiểm soát lực lượng thi công, nhân lực, máy móc thi công…

Đẩy nhanh dự án trọng điểm

Theo báo cáo của EVN, trong năm 2021, việc chuẩn bị đầu tư dự án thường bị chậm, thời gian thực hiện thủ tục xin chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất rừng kéo dài; việc hỗ trợ, bồi thường giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư gặp nhiều vướng mắc.

Tập đoàn EVN thu xếp vốn cho các dự án nguồn điện trọng điểm ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN))

Một số dự án gặp khó khăn trong thỏa thuận vị trí trạm, hướng tuyến đường dây hoặc phải điều chỉnh tuyến nhiều lần do không được người dân ủng hộ hoặc để phù hợp với qui hoạch khác tại địa phương.

Ngoài ra, các dự án sử dụng nguồn vốn ODA cho vay lại chưa được quy định rõ làm các cơ quan nhà nước rất lúng túng trong việc xử lý, gây chậm tiến độ dự án. Cụ thể là, dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn III; thu xếp nguồn vốn vay ODA, ưu đãi, nguồn vốn vay trực tiếp cho các dự án mới cũng như việc gia hạn các dự án vay ODA đang triển khai gặp nhiều khó khăn do thiếu các quy định pháp lý về thẩm quyền và trình tự thủ tục.

EVN cho biết trong năm nay 2022, tập đoàn đẩy nhanh các thủ tục đầu tư, thu xếp vốn đối 5 dự án nguồn điện trọng điểm; gồm thủy điện Trị An Mở rộng, Nhiệt điện Dung Quất I&III, Nhiệt điện Ô Môn III, Nhiệt điện Quảng Trạch II; tập trung thi công các dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng, Ialy mở ộng, Nhiệt điện Quảng Trạch I.

Đồng thời, tập đoàn sẽ khởi công và hoàn thành phát điện thương mại các dự án điện mặt trời Phước Thái 2 (100MWp), Phước Thái 3 (50MWp); phấn đấu khởi công dự án Nhiệt điện Ô Môn IV (1.050MW).

Với các dự án lưới điện, EVN sẽ hoàn thành 264 công trình lưới điện từ 110-500kV, khởi công 233 công trình lưới điện từ 110-500kV. Bên cạnh đó, triển khai thủ tục đầu tư dự án cấp điện huyện Côn Đảo và các dự án cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo phù hợp với phân bổ vốn ngân sách nhà nước trong kế hoạch 2022.

Để hoàn thành mục tiêu trên, ông Trần Đình Nhân kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ EVN và các đơn vị thành viên giải quyết các vướng mắc liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng và bồi thường giải phóng mặt bằng để thúc đẩy tiến độ các công trình nguồn và lưới điện.

Ngoài ra, hàng năm, EVN và các đơn vị thành viên đầu tư mới khoảng 1.000 dự án nguồn và lưới điện, do dó, để đẩy nhanh tiến độ triển khai, EVN kiến nghị Bộ Công Thương tiếp tục phân cấp thẩm định các bước thiết kế đối với dự án nhóm B, công trình cấp II trở xuống cho Tập đoàn, Tổng công ty thuộc tập đoàn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục