Tập trung nguồn lực để phát triển vùng Đông Nam Bộ lên tầm cao mới

Chương trình của Chính phủ đưa ra nhiều điểm mới đột phá trong phát triển kinh tế của vùng Đông Nam Bộ với 35 nhiệm vụ và 29 dự án kết cấu hạ tầng.
Họp báo thông tin về hội nghị công bố Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị. (Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN)
Họp báo thông tin về hội nghị công bố Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị. (Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN)

Ngày 26/11, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với các bộ ngành, địa phương tổ chức Hội nghị công bố Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thúc đẩy đầu tư vào Đông Nam Bộ

Tại buổi Họp báo thông tin về hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Trần Quốc Phương cho biết với chủ đề “Tư duy mới - Đột phá mới - Giá trị mới,” hội nghị sẽ được tổ chức tại thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái.

Chương trình hành động của Chính phủ sẽ đưa ra nhiều điểm mới, có tính đột phá trong phát triển của vùng với 35 nhiệm vụ và 29 dự án kết cấu hạ tầng và phân công cho các bộ, ngành triển khai thực hiện, có lộ trình thời gian cụ thể.

[Động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng Đông Nam Bộ]

Đây là hội nghị ‘ba trong một’ -  công bố Chương trình hành động đồng thời xúc tiến đầu tư, kêu gọi sự quan tâm của các nhà đầu tư, hiệp hội doanh nghiệp trong nước, quốc tế, các đối tác phát triển trong việc đồng hành với Chính phủ trong triển khai các chương trình, dự án đầu tư quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đông Nam Bộ.

Tập trung nguồn lực để phát triển vùng Đông Nam Bộ lên tầm cao mới ảnh 1Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Trần Quốc Phương. (Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN)

“Hoạt động xúc tiến đầu tư có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc huy động nguồn lực cho phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy đầu tư, sản xuất - kinh doanh của toàn vùng. Đây chính là điều kiện tiên quyết để các kế hoạch, mục tiêu chiến lược được đặt ra tại Nghị quyết có thể được hiện thực hóa,” Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.

Tại Hội nghị, lễ trao thỏa thuận hợp tác về phát triển bền vững vùng Đông Nam Bộ giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với các đối tác phát triển; các biên bản ghi nhớ, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ được thực hiện.

Bên cạnh đó, Triển lãm Ảnh nghệ thuật “Đông Nam Bộ Đột phá mới - Tầm cao mới” và gian hàng trưng bày các sản phẩm có thế mạnh của các địa phương trong vùng cũng sẽ được tổ chức trong hai ngày 25-26/11.

Triển lãm giới thiệu vẻ đẹp hiện đại, năng động, sáng tạo của vùng đất và con người vùng Đông Nam Bộ, khắc họa những thế mạnh về dịch vụ, công nghiệp, du lịch của tỉnh, thành phố trong vùng, những nét đẹp tiêu biểu trong đời sống văn hóa, tinh thần, đậm đà bản sắc văn hóa các dân tộc của đồng bào vùng Đông Nam Bộ.

Đưa TP.HCM thành trung tâm tài chính quốc tế

Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh vùng Đông Nam Bộ có khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh, năng động với số lượng doanh nghiệp đứng đầu cả nước đồng thời là địa bàn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất, chiếm 41,1% tổng vốn FDI. Điểm nhấn trong vùng là Thành phố Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Tuy nhiên, ông Phương cũng nhìn nhận vùng Đông Nam Bộ còn nhiều khó khăn, thách thức lớn. Sự phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, thêm vào đó tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại và thấp hơn cả nước. Cụ thể, sự đóng góp của cả vùng vào tổng thu ngân sách Nhà nước đang giảm cộng thêm tốc độ tăng năng suất lao động thấp, công tác quy hoạch và triển khai thực hiện các quy hoạch còn chậm.

Tập trung nguồn lực để phát triển vùng Đông Nam Bộ lên tầm cao mới ảnh 2Hoàng hôn trên lòng hồ Dầu Tiếng. (Ảnh: MPI cung cấp)

Bên cạnh đó, mạng lưới kết cấu hạ tầng cấp vùng, liên vùng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và liên vùng còn thiếu, yếu, chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến sự phát triển và sức lan toả của vùng.

“Những hạn chế, bất cập này nếu được khắc phục đồng thời kết hợp với những tiềm năng, lợi thế và nguồn lực chưa được khai thác hiệu quả sẽ là dư địa để Đông Nam Bộ phát triển mạnh trong thời gian tới,” Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.

Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW với mục tiêu phát triển vùng Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước.

Đặc biệt, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ trở thành nơi thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đến sinh sống và làm việc. Địa phương này sẽ gánh vác trách nhiệm một trung tâm tài chính quốc tế, phát triển ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực châu Á, đóng vai trò là cực tăng trưởng của vùng./.

Tập trung nguồn lực để phát triển vùng Đông Nam Bộ lên tầm cao mới ảnh 3Nét đẹp truyền thống trên nhà cổ (Nhà cổ Trần Văn Hổ), Bình Dương. (Ảnh: Bùi Việt Hưng/MPI cung cấp)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục