Là một trong những địa phương đi đầu về chi viện sức người, sức của chotiền tuyến trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tỉnh Thái Bình hiện cótrên 34.000 nạn nhân chất độc da cam/dioxin, trong đó khoảng 9.000 ngườithuộc thế hệ thứ hai và thứ ba.
Vì vậy, Trung tâm tẩy độc tỉnh Thái Bình đã được ra đời với mục đích loại bỏ dioxin ra khỏi cơthể, các nạn nhân mang lại hy vọng về mộttương lai tươi sáng hơn. Ông Vũ Ngọc Hải là một trong những người đã có được may mắn đó.
Từng tham gia chiến trường B3 tỉnh Kon Tum từ năm 1968 đến năm 1974, khi chiến tranh qua đi, ông Hải tưởng như đã có thể hưởng một cuộc sống yên bình. Thế nhưng, ông lại phải đối mặt với một cuộc chiến khác, dai dẳng như không có hồi kết -cuộc chiến âm thầm chống lại những căn bệnh do di chứng của chất độc da cam/dioxin.
“Cuộc sống của tôi gắn liền với bệnh viện. Cứ vài ngày, trong người lại xuất hiện những dấu hiệu cảm cúm, đau xương, đau khớp. Tôi đã đi khám ở khắp các bệnh viện, từ huyện, tỉnh đến trung ương nhưng đều không có kết quả,” ông Hải kể lại nỗi gian truân, nhọc nhằn trong những tháng ngày đấu tranh với bệnh tật.
Sinh năm 1945 tại xã Nam Hà, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, ông Hải là một trong hàng triệu nạn nhân của cuộc chiến tranh hóa học “lớn nhất trong lịch sử nhân loại.” Từ năm 1961 đến năm 1971, quân đội Mỹ đã rải xuống những cánh rừng miền Nam Việt Nam hơn 80 triệu lít chất phát quang, diệt cỏ có chứa dioxin nhằm triệt hạ khả năng ngụy trang, ẩn náu của quân giải phóng.
“Hai năm trước, khi biết có chương trình thanh lọc độc tố do trung tâm tẩy độc tỉnh tiến hành, tôi đã đăng ký ngay và may mắn được tham gia vào đợt tẩy độc thứ hai của trung tâm. Sau gần một tháng điều trị, sức khỏe của tôi được cải thiện rõ rệt,” ông Hải vui vẻ kể.
Ông Hải rất vui khi thoát khỏi bệnh sốt, cảm cúm kinh niên. Triệu chứng đau nhức xương khớp cũng giảm đáng kể. Do ăn tốt ngủ tốt, ông còn tăng được 3kg, tinh thần rất thoải mái. Có sức khỏe, ông Hải tham gia Hội nạn nhân chất độc da cam xã Nam Hà để giúp đỡ những đồng đội cùng cảnh ngộ.
Được thành lập từ cuối năm 2010, Trung tâm tẩy độc Thái Bình là cơ sở đầu tiên trong cả nước thực hiện sứ mạng nhân đạo này. Đến nay, trung tâm đã tiến hành 27 đợt tẩy độc, mỗi đợt 20-25 ngày, cho hơn 700 nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong và ngoài tỉnh.
Quá trình điều trị được tiến hành theo phương pháp Hubbard, dưới sự tài trợ của Tổ chức quốc tế "Hiệp hội vì cuộc sống và nền giáo dục tốt đẹp hơn" (ABLE). Mục đích là loại bỏ và thúc đẩy việc loại bỏ các hóa chất ra khỏi mô mỡ qua các tuyến mồ hôi.
“Phương pháp Hubbard đơn giản, dễ làm nhưng hiệu quả cao nếu tuân thủ chặt chẽ quy trình đề ra,” ông Nguyễn Đức Hạnh, Chủ tịch Hội Nạn nhân Chất độc Da cam tỉnh Thái Bình cho biết.
Quy trình thực hiện gồm 5 bước: kiểm tra sức khỏe; uống vitamin liều cao (đặc biệt là Niacin - Vitamin B3); vận động và xông hơi để bài tiết chất độc; uống dầu có hợp chất giúp ngăn không cho độc tố hấp thụ lại và uống bổ sung vitamin, khoáng chất đề bù lại lượng đã mất trong quá trình bài tiết mồ hôi.
Giám đốc trung tâm Nguyễn Kim Nhật cho biết phương pháp thanh lọc độc tố này an toàn tuyệt đối, đạt được hiệu quả cao. Sức khỏe của bệnh nhân được cải thiện; một số bệnh có tỷ lệ khỏi cao từ 80-100% như viêm da, dị ứng toàn thân, mất ngủ hay hoa mắt chóng mặt.
Trăn trở lớn nhất của ông Nhật hiện nay là riêng tỉnh Thái Bình đã có hàng vạn nạn nhân da cam, trong khi với 5 phòng xông hơi, trung tâm chỉ điều trị cho 40-50 người mỗi đợt. Tức là phải mất hàng chục năm mới tẩy độc được hết các nạn nhân trong tỉnh, chưa nói đến hàng triệu nạn nhân của cả nước.
“Tôi chỉ mong tỉnh hội nhận được thêm trợ giúp từ các nhà hảo tâm, từ các tổ chức trong nước và quốc tế để đầu tư mở rộng trung tâm,” ông Nhật bày tỏ và cho biết cuối tháng 6 vừa qua, trung tâm cũng đã khai giảng khóa học chuyển giao công nghệ tẩy độc cho cán bộ y tế của một số địa phương trong khu vực.
Chiến tranh đã qua đi, nhưng hậu quả mà nó để lại thật nặng nề! Chính vì vậy, sự chung tay của toàn xã hội là cần thiết để mô hình Trung tâm tẩy độc Thái Bình được nhân rộng ra cả nước, gieo mầm hy vọng cho những nạn nhân da cam như ông Hải./.
Kỳ trước: Những người không đầu hàng số phận
Kỳ cuối: A So - Sự sống nảy mầm từ cái chết