Thái Lan thiếu hụt một lượng lớn lao động phổ thông

Thái Lan đang bắt đầu cảm nhận được tình trạng thiếu hụt lao động phổ thông sau việc hàng trăm nghìn lao động nước ngoài trốn chạy về nước vì quy định mới của chính quyền quân sự.
Thái Lan thiếu hụt một lượng lớn lao động phổ thông ảnh 1 Người lao động Campuchia ở Thái Lan về tới tỉnh Banteay Meanchey, Campuchia ngày 16/6. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Thái Lan đang bắt đầu cảm nhận được tình trạng thiếu hụt lao động phổ thông sau việc hàng trăm nghìn lao động nước ngoài trốn chạy về nước vì những quy định mới của chính quyền quân sự liên quan tới nhập cư và lao động.

Việc điều chỉnh chính sách này được giải thích là nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động, đồng thời cũng giúp chính quyền thực hiện quản lý tốt hơn vấn đề lao động nước ngoài.

Ước tính số lao động phổ thông người nước ngoài tại Thái Lan vào khoảng 2,2 đến 2,3 triệu người, trong đó đông nhất là người Myanmar, Campuchia và Lào. Đa phần trong số này không có giấy phép lao động và thậm chí không có cả hộ chiếu. Các chính phủ dân sự trước đây thường giải quyết tình trạng này bằng việc lập các trung tâm để người lao động chưa hợp pháp có thể đăng ký và xác nhận quốc tịch của họ.

Chính phủ Thái Lan cũng đã tiến hành ký các thỏa thuận thuê lao động liên quốc gia hoặc biên bản ghi nhớ với các nước láng giềng. Tuy nhiên, có thể do thủ tục hoặc thời gian tiến hành chậm, nên số lao động chưa được hợp thức hóa vẫn còn cao, trong khi nhu cầu sử dụng nhiều lao động phổ thông nước ngoài là có thật.

Ông Kajohnsak Srisamutnak, chủ tập đoàn KS Group, cho biết: "Việc hàng trăm nghìn lao động nước ngoài về nước đang tạo ra tình trạng thiếu lao động trầm trọng bởi vì các doanh nghiệp Thái Lan thực sự có nhu cầu sử dụng lao động phổ thông. Người Thái hiện nay không muốn làm thuê các công việc lao động chân tay, do vậy, các chủ doanh nghiệp xây dựng, công nghiệp, dịch vụ, đánh bắt hải sản hay làm nông nghiệp đều phải thuê lao động nước ngoài và việc thay đổi chính sách đang có ảnh hưởng đối với họ. Việc thuê lao động phổ thông tại Thái Lan rất đa dạng hàng tuần, ba tháng, sáu tháng và một năm. Lao động ngắn hạn làm trong ngành nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, trong khi xây dựng cần tới thời hạn một năm. Tập đoàn của tôi phần lớn thuê lao động người Campuchia do các cơ sở trong tập đoàn phần lớn đều nằm gần biên giới với nước này."

Dường như đặc thù của công việc làm thuê và chính sách nhập cư tại Thái Lan hiện nay đang tạo ra kẽ hở cho tình trạng lao động không hợp pháp tồn tại. Thái Lan đã ký hiệp định miễn thị thực với rất nhiều quốc gia để thúc đẩy du lịch, trong đó có việc cho phép người nước ngoài vào Thái Lan trong vòng 30 ngày mà không cần visa. Hết thời hạn này họ có thể ra khỏi biên giới và quay trở lại trong ngày để được cấp visa thêm 30 ngày nữa. Không hề có quy định về số lần đi ra vào biên giới là bao nhiêu.

Điều này đã tạo nên tình trạng lao động không cần giấy phép và khiến các cơ quan quản lý gặp khó khăn trong việc kiểm soát. Theo quy định mới, việc gia hạn visa kiểu ra vào biên giới trong ngày chỉ được thực hiện tối đa là ba lần liên tiếp, lần thứ tư sẽ không được vào Thái Lan nữa. Chính quyền cũng tiến hành kiểm tra giấy tờ, hộ chiếu để đảm bảo người lao động nước ngoài tại Thái Lan được thuê một cách hợp pháp.

Ông Veerapol Srilent, nguyên Phó cục trưởng xúc tiến công nghiệp, cho biết: "Thái Lan hiện có khoảng hơn 2,7 triệu doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, do vậy, việc sử dụng lao động là một nhu cầu thực sự. Lao động từ các nước láng giềng vào Thái Lan làm việc có khoảng hơn hai triệu, trong đó có cả hợp pháp và bất hợp pháp. Chính quyền quân sự họ cũng biết rằng nếu thiếu lao động phổ thông nước ngoài thì các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sẽ phải chịu thiệt hại nặng nề. Tuy nhiên, mục đích của họ là để tất cả người lao động vào Thái Lan làm việc một cách hợp pháp và ngăn chặn việc đưa lậu người qua biên giới. Chuyện điều chỉnh chính sách là việc làm hoàn toàn tốt cho người lao động nước ngoài".

Tuy nhiên, việc điều chỉnh chính sách của Thái Lan cũng có ảnh hưởng nhất định tới người lao động Việt Nam đang làm việc không có giấy phép lao động tại đây. Hiện nay, phần lớn số này đã tạm thời trở về với hy vọng có ngày trở lại một khi Việt Nam và Thái Lan hoàn tất việc ký kết thỏa thuận thuê nhân công lao động.

Người lao động Việt Nam được các chủ người Thái đánh giá rất cao về tính cần cù, chịu khó, sự hòa đồng cũng như tinh thần học hỏi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục