Thái Lan tiêu hủy hơn 200 con lợn đề phòng dịch tả lợn châu Phi

Ngày 18/9, nhà chức trách Thái Lan cho biết nước này vừa tiêu hủy hơn 200 con lợn do lo ngại nguy cơ bùng phát dịch tả lợn châu Phi.
Thái Lan tiêu hủy hơn 200 con lợn đề phòng dịch tả lợn châu Phi ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Straits Time)

Ngày 18/9, nhà chức trách Thái Lan cho biết nước này vừa tiêu hủy hơn 200 con lợn trong tuần này, một động thái đầu tiên như vậy trong bối cảnh mối lo ngại gia tăng nguy cơ bùng phát dịch tả lợn châu Phi.

Đến nay, Thái Lan chưa tuyên bố có dịch tả lợn châu Phi trong khi các nước láng giềng Myanmar, Lào và Campuchia đều đã xác nhận các trường hợp lợn mắc bệnh này. Văn phòng quản lý chăn nuôi Thái Lan cho biết động thái tiêu hủy lợn nói trên là biện pháp phòng ngừa sau khi 2 con lợn chết không rõ nguyên nhân tại tỉnh Chiang Rai, miền Bắc nước này, cách Myanmar khoảng 20 km. Số lợn bị tiêu hủy thuộc 2 trang trại nằm trong phạm vi 1 km quanh nơi 2 con lợn mắc bệnh và chết.

Theo cơ quan trên, các mẫu máu và tế bào của những con lợn chết đầu tiên đã được chuyển đến phòng thí nghiệm tại tỉnh Lampang, miền Bắc Thái Lan ngày 16/9 để kiểm tra xem có bị nhiễm virus dịch tả lợn châu Phi hay không. Kết quả dự kiến sẽ được đưa ra sau khoảng 14 ngày.

[Hàn Quốc đề nghị Triều Tiên hợp tác phòng dịch tả lợn châu Phi]

Thái Lan đang ở trong tình trạng báo động cao do các nước láng giềng đều đã tuyên bố có dịch tả lợn châu Phi. Nhà chức trách nước này vừa ban hành lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm thịt lợn từ Lào và Myanmar.

Tháng 8 năm ngoái, Trung Quốc là nước đầu tiên tại châu Á tuyên bố dịch tả lợn châu Phi xuất hiện khiến phải tiêu hủy gần 40% số lợn tại nước cung cấp thịt lợn lớn nhất thế giới này. Kể từ đó, virus đã lây lan khắp châu Á, ảnh hưởng đến các nước Mông Cổ, Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar và Philippines. Hàn Quốc là nước mới nhất tại châu Á bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi, với 2 ổ dịch được xác nhận trong tuần này.

Bệnh tả lợn châu Phi không thể lây từ động vật sang người. Bệnh này ảnh hưởng đến cả lợn nhà và lợn rừng với tỷ lệ chết là 100%. Virus này có thể tồn tại tới 3 năm trong thịt đông và một năm trong thịt khô. Để tiêu diệt virus này cần nhiệt độ rất cao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục