Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng Mười ước tính tăng 5,9% và IIP cả mười tháng tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,2%, sản xuất và phân phối điện tăng 9%, cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 11,6%, song ngành khai khoáng lại giảm 2,8%.
Đại diện Tổng cục Thống kê nhấn mạnh, đáng chú ý trong mười tháng qua một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất tăng cao là ngành dệt tăng 19,9%, sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 16,3%, sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc thiết bị) tăng 13,7%; sản xuất xe có động cơ tăng 12,9%... so với cùng kỳ năm trước.
Về chỉ số IIP mười tháng của các địa phương cho thấy, Quảng Ngãi tăng rất mạnh 21,1%, kế đến là Vĩnh Phúc tăng 17%, Đà Nẵng có mức tăng 10,4%, Hải Dương tăng 8,1%; Cần Thơ, Đồng Nai tăng và Bình Dương cùng tăng 7,6%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 5,9%, Hà Nội tăng 4,4%.
Bên cạnh đó, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chín tháng năm 2013 cũng tăng 10% so với cùng kỳ năm trước; trong đó các ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao là sản xuất xe có động cơ tăng 37%, sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 33%, sản xuất thiết bị điện tăng 27%.
Chỉ số tồn kho tại thời điểm 1/10/2013 toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,7% so với cùng thời điểm năm 2012; trong đó một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao, cụ thể là ngành sản xuất đồ uống tăng 166%, sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 55%, sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 38%...
Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê cũng nhấn mạnh, hiện một số ngành đã có chỉ số tồn kho giảm như sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) giảm gần 7%, sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 14%, sản xuất xe có động cơ giảm 42%.
Riêng tỷ lệ tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng Chín vẫn ở mức cao với 74% và tỷ lệ tồn kho bình quân chín tháng năm nay là 74%. Một số ngành có tỷ lệ tồn kho bình quân chín tháng cao là sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất 117%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu 111%; sản xuất, chế biến thực phẩm 88%.
Chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/10/2013 tăng 4,4% so với cùng thời điểm năm trước; trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 1,3%, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 1,3% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 8,6%.
Đáng kế, tại ngành công nghiệp cấp II đã xuất hiện một số ngành có chỉ số sử dụng lao động tăng cao so với cùng thời điểm năm trước, như sản xuất da và các sản phẩm từ da tăng 13%, sản xuất sản phẩm điện tử tăng 12%, sản xuất xe có động cơ tăng 10,5%.../.