Thị trường dược phẩm Việt Nam hấp dẫn doanh nghiệp Ấn Độ

Theo ước tính thị trường dược phẩm tại Việt Nam có giá trị lên đến 3,5 tỷ USD, là địa điểm rất hấp dẫn đối với các doanh nghiệp trong ngành dược phẩm Ấn Độ.
Thị trường dược phẩm Việt Nam hấp dẫn doanh nghiệp Ấn Độ ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: ajp.com.au)

Trong Chương trình Giao lưu Thương mại Việt Nam-Ấn Độ ngành dược phẩm tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 17/3, ông Ravi Uduy Bhaskar, Giám đốc điều hành Hội đồng Xúc tiến Xuất khẩu Dược phẩm Ấn Độ (PHARMEXCIL) nhận định thị trường dược phẩm Việt Nam có giá trị lên đến 3,5 tỷ USD, rất hấp dẫn đối với các doanh nghiệp trong ngành dược phẩm Ấn Độ.

Theo ông Ravi Uduy Bhaskar, những thay đổi đáng kể về quy định pháp luật cũng như cơ chế chính sách của ngành dược phẩm Việt Nam góp phần tạo nên động lực lớn cho doanh nghiệp Ấn Độ tăng cường thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, các mặt hàng dược phẩm Ấn Độ có lợi thế xuất xứ từ những nhà máy đạt tiêu chuẩn cao, phương thức quản lý đảm bảo chất lượng nên có thể chinh phục nhiều thị trường xuất khẩu khó tính.

Chia sẻ về những cơ chế chính sách của Việt Nam trong quản lý ngành dược phẩm, bà Hoàng Thanh Mai, Phó phòng Quản lý Thông tin và Quảng cáo, Cục Quản lý Dược Việt Nam, nhấn mạnh: Cơ quan quản lý Việt Nam luôn nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, trong đó có các công ty Ấn Độ.

Đặc biệt, Cục Quản lý Dược đã tích cực phối hợp với nhiều đơn vị trong và ngoài nước đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý như đăng ký thuốc, kê khai giá, tiếp nhận hồ sơ đăng ký thông tin...

Song song đó, Cục Quản lý Dược đang tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy trong lĩnh vực dược, nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý của Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế.

Do đó, các doanh nghiệp Ấn Độ khi tham gia vào thị trường Việt Nam cần tìm hiểu, cập nhật các quy định pháp luật mới của Việt Nam để hoạt động hiệu quả hơn.

Theo Cục Quản lý Dược Việt Nam, tại Việt Nam có 7.630 số đăng ký thuốc nước ngoài còn hiệu lực; trong đó có 2.814 số đăng ký thuốc của các công ty Ấn Độ.

Ngoài ra, trong tổng số 718 doanh nghiệp nước ngoài được cấp giấy phép đang ký hoạt động về thuốc và nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam đang còn hiệu lực, có 200 doanh nghiệp Ấn Độ.

Không chỉ cung cấp vào thị trường Việt Nam các loại thuốc generics thông thường, doanh nghiệp Ấn Độ còn cung ứng các loại thuốc chuyên khoa đặc trị mà tại Việt Nam chưa sản xuất được.

Bà Vũ Thu Hằng, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành dược Việt Nam trong giai đoạn 2015-2020 dự kiến đạt gần 16%/năm.

Ấn Độ là một trong những quốc gia có thế mạnh về khoa học, kỹ thuật, công nghệ và công nghiệp dược, mỹ phẩm, hoá chất. Vì vậy, sự kết nối giao lưu thương mại Việt Nam-Ấn Độ ngành dược phẩm sẽ góp phần mang lại cơ hội chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm đối tác, thúc đẩy mối quan hệ thương mại, đầu tư trong ngành này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục