Thiếu nguồn cung nguyên liệu, doanh nghiệp Việt Nam gặp khó

Khủng hoảng năng lượng ở Trung Quốc đang khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất tại nước này cắt giảm công suất, thiếu hàng hóa; điều này khiến doanh nghiệp Việt gặp khó khi nguồn cung thiếu, giá lên cao.
Thiếu nguồn cung nguyên liệu, doanh nghiệp Việt Nam gặp khó ảnh 1Công ty TNHH xuất nhập khẩu may Hoa Công, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định, được nguồn vốn khuyến công hỗ trợ đầu tư hệ thống máy móc hiện đại. (Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN)

Khủng hoảng năng lượng tại Trung Quốc đang khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất tại đất nước này cắt giảm công suất, thiếu hàng hóa cung ứng ra thế giới.

Điều này cũng khiến cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn khi nguồn cung thiếu hụt, giá cả bị đẩy lên cao.

Giá nguyên liệu tăng mạnh

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc điều hành Công ty Vật liệu Tầm Nhìn Việt, chuyên sản xuất và cung ứng các sản phẩm linh kiện cho loa đài, xe máy, các kết cấu nhôm…, thời gian qua, do dịch bệnh cùng cuộc khủng hoảng năng lượng tại Trung Quốc đã khiến giá nguyên liệu nhập khẩu từ nước này tăng lên khoảng 50%. Sau khi về Việt Nam, cùng các chi phí khác, giá cả đã bị đội lên hơn 60% so với trước khi giãn cách, khủng hoảng năng lượng.

“Chúng tôi phải liên tục đàm phán với đối tác xuất-nhập về giá cả bởi giá nguyên liệu đang thay đổi theo từng tuần. Về nguồn cung và sản xuất hàng hóa, thời gian tới dự kiến giá sẽ vẫn tiếp tục tăng, ít nhất là đến hết năm 2021 này. Sang năm 2022, khi tình hình năng lượng dịu đi, các doanh nghiệp sản xuất trở lại, khi đó, giá cả giảm hơn, nhưng sẽ hình thành mặt bằng giá mới,” ông Vinh nói.

[Hồi sức cho doanh nghiệp sau dịch: “Tặng cần câu hay xâu cá”?]

Ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam, cho hay trong ngắn hạn, việc thiếu điện từ Trung Quốc chưa ảnh hưởng lớn đến nguồn cung nguyên liệu trong nước do một lượng hàng tồn lớn vẫn còn từ các đợt giãn cách xã hội vừa qua, cùng với đó, các đơn hàng doanh nghiệp đã mua đang trên đường vận chuyển.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cơ khí có tới 60% nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. Các đơn vị này cho hay nhà cung ứng đã đàm phán lại giá cả sẽ tăng ít nhất 10-15% trong thời gian tới so với khoảng 1-2 tháng trước. Dự kiến, doanh nghiệp sẽ vừa thiếu nguyên liệu vừa chịu giá cao, ông Long cho biết thêm.

Theo các doanh nghiệp, việc Trung Quốc thiếu điện, dẫn đến thiếu nguyên liệu không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp Việt mà gần như toàn cầu, bởi Trung Quốc vẫn là nhà cung cấp nguyên liệu sản xuất lớn nhất hiện nay. Doanh nghiệp Việt có thể chuyển hướng sang các sản phẩm nhập khẩu từ thị trường khác, nhưng chi phí cao và thời gian giao hàng sẽ lâu hơn.

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt tại khu vực phía Nam phải dừng sản xuất do dịch bệnh nên ảnh hưởng từ Trung Quốc trong vấn đề nguyên phụ liệu chưa nhiều. Nhưng với cơ cấu phụ thuộc rất lớn vào nguồn vải và các loại phụ liệu quan trọng khác, ngành dệt may trong nước tới đây sẽ đối mặt với khó khăn khi khôi phục sản xuất hoàn toàn.

Tương tự, theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam, dịch bệnh khiến nhiều doanh nghiệp lâm vào khó khăn, lượng hàng tồn còn nhiều nên những khủng hoảng từ việc thiếu năng lượng tại Trung Quốc chưa đến với doanh nghiệp. Doanh nghiệp mới chỉ thực hiện được sản xuất 50-60% công suất.

Thiếu nguồn cung nguyên liệu, doanh nghiệp Việt Nam gặp khó ảnh 2Công nhân trở lại nhà máy làm việc tại TNHH may mặc Bowker Việt Nam (Khu công nghiệp Đồng An 1, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Chí Tưởng/TTXVN)

Song thời gian tới, khi các hợp đồng mới được ký kết cho năm 2022, hiệp hội cũng rất lo ngại vấn đề thiếu nguyên liệu, đặc biệt là từ Trung Quốc. Các doanh nghiệp không dễ dàng một sớm một chiều có thể thay đổi nhà cung cấp, bà Thanh Xuân cho biết.

Theo dõi chặt diễn biến

Trao đổi liên quan tới vấn đề khủng hoảng năng lượng tại Trung Quốc, đại diện Cục Công nghiệp thuộc Bộ Công Thương cho biết giá nguyên liệu đầu vào cho ngành điện, cùng với việc cắt giảm khí thải của Trung Quốc đã gây ra thiếu điện. Một số ngành sản xuất công nghiệp, sản xuất nguyên phụ liệu bị sụt giảm, gây những lo ngại liên quan đến nhiều ngành sản xuất trên toàn cầu; trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng chưa ghi nhận các doanh nghiệp trong nước phản ảnh thiếu nguyên liệu đầu vào. Dịch bệnh lần 3, 4 tái diễn trong thời gian qua đã khiến năng lực của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trong nước cũng bị giảm sút, lượng tồn kho vẫn còn lớn, nhiều doanh nghiệp dừng hoạt động. Chính vì vậy, câu chuyện thiếu nguyên liệu đầu vào chưa thực sự rõ rệt.

Đại diện Bộ Công Thương cho hay bộ sẽ tiếp tục theo dõi vấn đề này. Vấn đề thiếu nguyên liệu do những tác động khách quan, dịch bệnh là rất khó tránh khỏi, nhưng các doanh nghiệp trong nước cũng đã có nhiều kinh nghiệm ứng phó, thích nghi.

Đơn cử như đợt bùng phát dịch bệnh hồi đầu năm 2020, hoạt động xuất nhập khẩu bị dừng, nguyên liệu thiếu, nhưng các doanh nghiệp đều đã vượt qua. Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp, hiệp hội thường xuyên trao đổi để xem xét vấn đề nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Để giảm thiểu tác động về nguồn cung, giá nguyên phụ liệu, Bộ Công Thương sẽ tập trung hình thành nền tảng bền vững cho công nghiệp theo hướng tạo ra giá trị gia tăng cao hơn. Cụ thể, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng chính sách và giải pháp phát triển một số ngành công nghiệp ưu tiên có tiềm năng, cơ hội phát triển như công nghiệp ôtô, dệt may, da giày, điện tử, khoáng sản, công nghiệp hỗ trợ. Đặc biệt, chú trọng thúc đẩy tái cơ cấu các chuỗi liên kết để phục vụ cho sản xuất công nghiệp theo hướng bền vững…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục