Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trở thành nước có thu nhập cao trong năm 2020

Giám đốc WB tại Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể trở thành nước có thu nhập cao trong 5 năm tới, nếu nước này thực hiện các biện pháp tăng năng suất lao động, hoàn thiện hệ thống pháp quyền.
Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trở thành nước có thu nhập cao trong năm 2020 ảnh 1Tổng thống Tayyip Erdogan lèo lái thành công nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ. (Nguồn: www.abc.net.au)

Thổ Nhĩ Kỳ có thể trở thành nước có thu nhập cao trong vòng năm năm tới, nếu chính phủ nước này thực hiện các biện pháp tăng năng suất lao động và cải cách cơ cấu đề hoàn thiện hệ thống pháp quyền. Đó là nhận định của Martin Raiser, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Nền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng trưởng ấn tượng trong hơn 10 năm qua dưới sự chèo lái điều hành của Thủ tướng và giờ là Tổng thống Tayyip Erdogan cùng đảng cầm quyền Công lý và Phát triển (AK) của ông.

Tuy nhiên, các “cơn gió ngược” trên thị trường tài chính toàn cầu, mức thâm hụt tài khoản vãng lai lớn cũng như lượng vốn đầu tư nước ngoài sa sút đã tác động bất lợi tới nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ. Chính phủ nước này đã hạ giảm dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2014 và 2015 xuống lần lượt 3% và 4%.

Ông Raiser hi vọng thu nhập bình quân đầu người của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tăng từ gần 11.000 USD/năm trong năm 2013 lên 12,746 USD/năm trong thời gian tới. Ông nói: “Thổ Nhĩ Kỳ không còn muốn xếp hạng chung với Nigeria mà giờ muốn cùng chung thứ hạng với Ba Lan và Mexico."

Trước đó, một bản báo cáo đưa ra mới đây của WB cho thấy sau khi có lúc đạt mức “đỉnh” vào năm 2007, lượng vốn đầu tư vào Thổ Nhĩ Kỳ đã suy giảm nhiều kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra năm 2008.

Trong năm 2013, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã cam kết cải tổ cơ cấu nhằm thu hút đầu tư, đa dạng hóa sản xuất và gia tăng số người tham gia lao động. Tuy nhiên, các cuộc bầu cử căng thẳng và thách thức an ninh trong khu vực đã "kìm chân" quá trình này.

Giới phân tích cho rằng nguyên nhân khiến các nhà đầu tư nước ngoài không rót vốn vào Thổ Nhĩ Kỳ là do các căng thẳng chính trị liên quan đến bê bối tham nhũng cách đây hơn một năm và một số vấn đề khác.

Nếu các cải cách này được thực hiện và Thổ Nhĩ Kỳ “khai thác” mối quan hệ đặc biệt với Liên minh châu Âu (EU) nhằm đồng bộ hóa hệ thống cơ quan nước này theo tiêu chuẩn của châu Âu, thì tiến trình đó có thể đạt được nhiều bước tiến.

Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu đàm phán về việc gia nhập EU từ năm 2015 nhưng các cuộc thương thảo này bị đình trệ do vụ tranh cãi xoay quanh vấn đề Cyprus, nhân quyền và các quyền tự do cơ bản.

Ông Raiser cho biết việc giá dầu trượt dốc đã và đang khiến giới đầu tư ngày càng “cảnh giác” hơn, nhưng cũng có thể giúp Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia phụ thuộc chủ yếu vào nguồn năng lượng nhập khẩu - giảm 1 điểm phần trăm thâm hụt tài khoản vãng lai và giữ lạm phát ở mức thấp.

Bên cạnh đó, tình hình bất an ở các nước láng giềng Iraq và Syria cũng có thể mang tới cơ hội kiếm lợi cho Thổ Nhĩ Kỳ trong trung hạn, nếu nước này có thể duy trì được các quan hệ thương mại trong khu vực và trở thành một trung tâm năng lượng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục