Thủ tướng Ấn Độ hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc: "Giao tiếp cấp cao"

Chuyến thăm không chính thức của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới Trung Quốc lần này mang ý nghĩa là cuộc tiếp xúc song phương hơn là thiết lập lại quan hệ Ấn-Trung.
Thủ tướng Ấn Độ hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc: "Giao tiếp cấp cao" ảnh 1Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Nguồn: PMO Twitter)

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm không chính thức từ ngày 27-28/4 của ông Modi tới thành phố Vũ Hán.

Tuyên bố của 2 nhà lãnh đạo cho thấy sự nhất trí về việc tăng cường quan hệ và tin cậy lẫn nhau. Trong khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hy vọng quan hệ 2 nước sẽ mở ra một chương mới, Thủ tướng Ấn Độ khẳng định 2 nước có thể tăng cường hợp tác thông qua việc duy trì trao đổi và thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau.

Sau Vũ Hán, ông Modi sẽ trở lại Trung Quốc vào đầu tháng 6/2018 để dự Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Đây sẽ là chuyến thăm lần thứ 5 của ông Modi tới Trung Quốc kể từ khi trở thành Thủ tướng Ấn Độ năm 2014 và là chuyến đi thứ 3 trong vòng 1 năm qua.

Chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ tới Vũ Hán lần này được cho là xuất phát từ sáng kiến của Trung Quốc sau cuộc tiếp xúc giữa 2 nhà lãnh đạo bên lề Hội nghị nhóm BRICS tại Hạ Môn hồi tháng 9/2017, khi Bắc Kinh bật tín hiệu rằng nước này không phớt lờ mối quan tâm của New Dehli đối với khủng bố từ phía bên kia biên giới Pakistan, mà nhờ đó vòng đàm phán biên giới lần thứ 20 Trung Quốc-Ấn Độ đã được nối lại sau 20 tháng gián đoạn.

Báo chí Trung Quốc đánh giá cao ý nghĩa và tầm quan trọng của chuyến thăm, so sánh cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo lần này với cuộc gặp lịch sử giữa cố Thủ tướng Ấn Độ Rajiv Gandhi và cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân năm 1988. Việc hai nhà lãnh đạo hội đàm được nhìn nhận như “động thái ngoại giao thông minh” của Trung Quốc và Ấn Độ, mở ra hy vọng cho các mối quan hệ thân thiện và giúp hai bên xây dựng lòng tin.

Các chuyên gia Trung Quốc cũng cho rằng 2 nước cần đến nhau và cần cố gắng củng cố quan hệ với các quốc gia khác đang “chống lại chủ nghĩa bảo hộ."

Tuy vậy, giới học giả và báo chí Ấn Độ lại hoài nghi nhiều hơn là hy vọng. Không có bất kỳ một thỏa thuận và tuyên bố chung nào được đưa ra sau cuộc hội đàm lần này, trong khi cuộc gặp năm 1988 đã dẫn tới tuyên bố chung mở ra một chương mới trong quan hệ hai nước. Có lẽ cách tiếp cận của Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj rằng đây là dịp để trao đổi và tiếp xúc cấp lãnh đạo 2 nước sẽ phù hợp với thực tế hơn là kỳ vọng vào những đột phá có thể diễn ra.

Tại cuộc họp báo chung sau hội đàm vài ngày trước với người đồng cấp Ấn Độ khi đưa ra thông báo chính thức về chuyến công du của ông Modi, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho rằng hai nước nên nắm lấy cơ hội để "củng cố vững chắc niềm tin chiến lược, tăng cường hợp tác bền vững để giải quyết tranh chấp một cách phù hợp và cùng phát triển."

Còn Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Swaraj phát biểu đây là một dịp quan trọng để ông Modi và ông Tập Cận Bình “trao đổi quan điểm về các vấn đề song phương và quốc tế, cả bao quát và dài hạn với mục tiêu tăng cường giao tiếp lẫn nhau ở cấp lãnh đạo." Tuyên bố trên là chỉ dấu về sự khác biệt đáng kể giữa trong đánh giá và kỳ vọng vào chuyến thăm của 2 phía. Ấn Độ dường như thực tế hơn khi chỉ coi đây là dịp để "trao đổi quan điểm" và "giao tiếp" giữa các nhà lãnh đạo.

[Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình điện đàm với Thủ tướng Ấn Độ]

Tiến sỹ Raja Mohan, Giám đốc Carnegie Ấn Độ, một chuyên gia hàng đầu về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cho rằng gọi cuộc hội đàm Modi-Tập Cận Bình là một “cuộc gặp lịch sử” là một sự cường điệu vì bản chất các vấn đề trong quan hệ 2 nước là không thay đổi, thay vào đó là sự thay đổi về bối cảnh quốc tế.

Các cuộc gặp cấp cao thường hướng tới việc giải quyết những vấn đề cụ thể như cuộc gặp bên lề SCO hồi năm ngoái đã đi tới việc hai bên thúc đẩy các giải pháp xoa dịu tình hình Doklam, khu vực biên giới tranh chấp giữa hai nước, trong khi cuộc gặp trước đó một năm là tìm kiếm tiếng nói chung về việc Ấn Độ trở thành thành viên nhóm cung cấp hạt nhân NSG - dù không đạt được kết quả khả thi nào.

Giáo sư Pankaj Jha, cựu Giám đốc nghiên cứu của Hội đồng các vấn đề thế giới và chuyên gia về nghiên cứu quốc phòng cho rằng việc ông Modi đến Vũ Hán đơn thuần là vì cuộc bầu cử hạ viện tại Ấn Độ đang đến gần và ông muốn tiến tới tổng tuyển cử 2019 với "câu chuyện thành công trong quan hệ với Trung Quốc."

Thủ tướng Ấn Độ hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc: "Giao tiếp cấp cao" ảnh 2Quang cảnh buổi hội đàm. (Nguồn: Indianexpress.com)

Chia sẻ quan điểm này, học giả Manoj Joshi - Giám đốc Quỹ nghiên cứu các nhà quan sát (ORF) nhận định điều quan trọng duy nhất với Thủ tướng Ấn Độ Modi lúc này là đảm bảo sẽ không có những cú sốc đối với chính phủ của ông từ nay đến trước bầu cử đầu năm tới.

Dư luận cũng không đặt nhiều kỳ vọng vào chuyến thăm và cũng không tin tưởng vấn đề biên giới hai nước sẽ được giải quyết trong cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo.

Những căng thẳng kéo dài 73 ngày đêm tại Doklam hồi năm ngoái đẩy quan hệ song phương Ấn Độ-Trung Quốc xuống thấp nhất trong thời gian gần đây. Ấn Độ-Trung Quốc sẽ cần tìm đến nhau vì lợi ích kinh tế và chính trị của mỗi bên. Căng thẳng biên giới, dù cái giá phải trả của mỗi bên là khác nhau nhưng sẽ không đem lại lợi ích cho bất kì bên nào.

Với quy mô chiếm hơn 40% dân số toàn cầu và là 2 nền kinh tế lớn thứ 2 và thứ 6 thế giới, hai quốc gia láng giềng Trung Quốc-Ấn Độ có vai trò quá quan trọng mà nước kia không thể bỏ qua.

Việc Ấn Độ-Trung Quốc ngồi với nhau là dấu hiệu tích cực cho hòa bình và phát triển của 2 nước cũng như khu vực và thế giới. Tuy nhiên, cạnh tranh giữa hai nước vẫn sẽ tiếp tục gia tăng. Khi không gian sinh tồn của Trung Quốc ngày càng mở rộng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh chóng của nước này thì không gian của Ấn Độ sẽ ngày càng thu hẹp. Ảnh hưởng của Trung Quốc đã hiện hữu xung quanh Ấn Độ, từ Nepal, Maldives tới Sri Lanka và xa hơn nữa là Ấn Độ Dương.

Giới chức Ấn Độ cũng như Trung Quốc đều phải thừa nhận còn có những bất đồng và điều mà 2 nước có thể làm là cố gắng thu hẹp sự khác biệt, tìm kiếm sự hội tụ cũng lắng nghe nguyện vọng và vấn đề mà bên kia quan tâm. Do đó kỳ vọng cuộc hội đàm không chính thức giữa 2 nhà lãnh đạo Trung-Ấn tại Vũ Hán sẽ tạo ra bước ngoặt và thiết lập lại quan hệ 2 nước là không thực tế. Quan hệ Ấn-Trung trong năm qua đã xuống thấp và đây là thời điểm để 2 bên đưa quan hệ đi lên và nồng ấm hơn, nhưng không phải là một “tuần trăng mật” ngọt ngào.

Những khó khăn trong quan hệ Ấn-Trung không chỉ tới từ những tranh chấp song phương liên quan vấn đề biên giới ở Tây Tạng và Kasmir mà còn liên quan đến các nước thứ 3, Pakistan, Nepal, Bhutan, Maldives... Những vấn đề này sẽ không thể được giải quyết chỉ qua một cuộc gặp. Có thể sẽ có sự nhượng bộ và trao đổi quan điểm về những vấn đề liên quan, nhưng sẽ không đến ngưỡng đánh đổi để làm hài lòng nhau.

Có thể nói chuyến thăm không chính thức của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới Trung Quốc lần này mang ý nghĩa là cuộc tiếp xúc song phương giữa hai nhà lãnh đạo nhằm trao đổi các cách thức để cả New Dehli và Bắc Kinh cố gắng hiểu nguyện vọng và vấn đề mà nước kia quan tâm, hơn là thiết lập lại quan hệ Ấn-Trung./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục