Thủ tướng Anh chấp thuận để Quốc hội bỏ phiếu về thỏa thuận với EU

Thủ tướng Anh Theresa May ngày 7/2 đã đồng ý trao cho Quốc hội nước này quyền bỏ phiếu thông qua dự thảo thỏa thuận về việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Thủ tướng Anh chấp thuận để Quốc hội bỏ phiếu về thỏa thuận với EU ảnh 1Thủ tướng Anh Theresa May phát biểu tại cuộc họp báo ở Washington, DC. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Thủ tướng Anh Theresa May ngày 7/2 đã đồng ý trao cho Quốc hội nước này quyền bỏ phiếu thông qua dự thảo thỏa thuận về việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), sự kiện còn được gọi là Brexit, trước khi văn bản trên được hoàn tất giữa ​Anh và EU.

Đây được xem như một nhượng bộ quan trọng từ phía bà May nhằm tránh một cuộc "nổi loạn" trong đảng Bảo thủ cầm quyền của mình đối với dự luật trao quyền cho Thủ tướng khởi động tiến trình đàm phán chính thức về Brexit, dự kiến sẽ kéo dài khoảng hai năm bắt đầu từ cuối tháng Ba này.

Tuy nhiên, bà Theresa May cũng cảnh báo ngay cả trong trường hợp các nghị sỹ Quốc hội không thông qua các điều khoản của dự thảo thỏa thuận cuối cùng về Brexit, trong đó có thỏa thuận về mối quan hệ thương mại mới với EU, nước Anh vẫn sẽ trở thành quốc gia đầu tiên rời khỏi khối này.

Phát biểu tại Hạ viện ngày 7/2 về việc Chính phủ đồng ý để Quốc hội thông qua dự thảo thỏa thuận, Bộ trưởng phụ trách Brexit David Davis nhấn mạnh: "Đây sẽ là một cuộc bỏ phiếu đầy ý nghĩa. Sự lựa chọn rời khỏi Liên minh châu Âu bằng cách có hay không có một thỏa thuận qua đàm phán."

Trước đó, bà May đã cam kết đồng ý cho Quốc hội bỏ phiếu thông qua thỏa thuận trước khi văn bản này có hiệu lực, nhưng nhượng bộ mới nhất có nghĩa là cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra sớm hơn - trước khi văn bản đàm phán giữa Chính phủ Anh và EU hoàn tất - một đòi hỏi then chốt của nhiều nghị sỹ có quan điểm ủng hộ châu Âu.

Tuy nhiên Thủ tướng Anh cũng không chấp nhận nội dung sửa đổi do Công đảng đối lập đưa ra về việc luật hóa nhượng bộ này nhằm trao cho Quốc hội quyền phủ quyết về Brexit.

Cũng trong ngày 7/2, với 326 phiếu thuận và 293 phiếu chống, Hạ viện Anh đã phản bác nội dung sửa đổi dự luật của Công đảng. Chỉ có bảy nghị sỹ Bảo thủ "nổi loạn" khi bỏ phiếu ủng hộ đề xuất của phe đối lập - một con số thấp hơn dự kiến.

Với những tiến triển vừa đạt được, nhiều khả năng dự luật về Brexit sẽ được Hạ viện Anh thông qua vào cuối phiên tranh luận trong ngày 8/2, trước khi được chuyển lên xem xét thông qua tại Thượng viện.

Trong khi đó, ngày 7/2, Cơ quan lập pháp xứ Scotland thuộc Vương quốc Anh, với tỷ lệ áp đảo 90 thuận và 30 phiếu chống, đã ra lời kêu gọi ngừng tiến trình thông qua dự luật trao quyền cho Chính phủ Anh khởi động Brexit chừng nào Edinburg còn chưa nhận được cam kết sẽ được London tham khảo các điều khoản về việc rời khỏi EU.

Tuy nhiên lời kêu gọi này được xem là không có giá trị pháp lý vì đầu tháng Một năm nay, các thẩm phán Anh đã ra phán quyết dọn đường cho việc Chính phủ Anh có thể khởi động Brexit mà không cần tham khảo ý kiến của Scotland./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục