Thủ tướng Hàn Quốc kêu gọi Nhật Bản đối thoại để hàn gắn quan hệ

Thủ tướng Lee Nak Yeon nêu rõ trong khi thúc đẩy đối thoại, Hàn Quốc sẽ đồng thời xúc tiến "không chậm trễ" việc khiếu kiện lên WTO để khắc phục "sự trả đũa kinh tế không công bằng" của Nhật Bản.
Thủ tướng Hàn Quốc kêu gọi Nhật Bản đối thoại để hàn gắn quan hệ ảnh 1Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak Yeon. (Nguồn: Yonhap)

Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak Yeon ngày 28/8 kêu gọi Nhật Bản đối thoại để hàn gắn quan hệ giữa hai nước, sau khi Tokyo chính thức bãi bỏ quy chế đối tác thương mại được ưu đãi đối với Hàn Quốc.

Phát biểu tại một cuộc họp với các bộ trưởng trong Chính phủ Hàn Quốc, Thủ tướng Lee nêu rõ trong khi thúc đẩy đối thoại, Chính phủ Hàn Quốc sẽ đồng thời xúc tiến "không chậm trễ" việc khiếu kiện lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) để khắc phục "sự trả đũa kinh tế không công bằng" của Nhật Bản.

Ông Lee đưa ra bình luận trên vài giờ sau khi quyết định của Chính phủ Nhật Bản loại Hàn Quốc ra khỏi "danh sách trắng" các nước được hưởng ưu đãi giảm đến mức tối thiểu các hạn chế thương mại chính thức có hiệu lực.

Những nước nằm trong danh sách này không cần qua các thủ tục kiểm tra nghiêm ngặt của Tokyo khi nhập khẩu từ Nhật Bản hơn 1.100 "mặt hàng chiến lược," trong đó có linh kiện điện tử, có thể được sử dụng cho mục đích quân sự.

Động thái này được thực thi gần một tháng sau khi Nhật Bản hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc 3 mặt hàng vật liệu công nghệ cao cần thiết đối với các hãng sản xuất chất bán dẫn và màn hình của Hàn Quốc.

[Nhật Bản thực thi quyết định loại Hàn Quốc khỏi danh sách trắng]

Nhật Bản khẳng định việc siết quy định chặt xuất khẩu này là vì lý do an ninh quốc gia. Tuy nhiên, phía Hàn Quốc cho rằng đây là các biện pháp trả đũa việc các tòa án Hàn Quốc năm ngoái phán quyết một số công ty Nhật Bản phải bồi thường cho các nạn nhân Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động trong thời kỳ Nhật Bản đô hộ bán đảo Triều Tiên từ năm 1910-1945.

Tại một cuộc họp ngày 27/8, Thủ tướng Lee Nak Yeon đã nhấn mạnh cần tiến hành đối thoại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc để tình hình không xấu đi, đồng thời cam kết chuẩn bị các biện pháp nhằm tăng khả năng cạnh tranh của các mặt hàng linh kiện và thiết bị chế tạo trong nước, chấm dứt sự phụ thuộc vào các mặt hàng của Nhật Bản. 

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, để thúc đẩy nỗ lực trên, Chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch dành 5.000 tỷ won (4,12 tỷ USD) trong 3 năm, từ năm 2020, hỗ trợ phát triển công nghệ trọng tâm cho các ngành công nghiệp chủ lực. 

Ngày 28/8, Hàn Quốc đã tổ chức Hội nghị Bộ trưởng các lĩnh vực liên quan khoa học công nghệ, cũng là Hội nghị Bộ trưởng mở rộng bàn về đối phó với quy chế xuất khẩu của Nhật Bản.

Tại hội nghị do Thủ tướng Lee Nak Yeon chủ trì, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định về "Chiến lược đầu tư nghiên cứu phát triển và đối sách đổi mới lĩnh vực vật liệu, linh kiện, trang thiết bị" với nội dung trên.

Theo chiến lược trên, chính phủ chọn ra 100 mặt hàng vật liệu, linh kiện trọng tâm trong số các ngành công nghiệp chủ lực để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực công nghệ, đa dạng hóa nguồn nhập khẩu.

Chính phủ sẽ phân chia các loại hình đầu tư phù hợp, theo đó thúc đẩy thương mại hóa nhanh chóng đề chiếm lĩnh thị trường thế giới với các mặt hàng có trình độ công nghệ nội địa cao và có nhiều khả năng đa dạng hóa nguồn nhập khẩu, trong khi đầu tư nghiên cứu và phát triển chung giữa doanh nghiệp lớn với doanh nghiệp vừa và nhỏ đối với những mặt hàng có trình độ công nghệ nội địa cao nhưng ít có khả năng đa dạng hóa nguồn nhập khẩu.

Để quản lý đầu tư một cách nhất quán, Chính phủ Hàn Quốc lập ra "Ủy ban đặc biệt về công nghệ vật liệu, linh kiện, trang thiết bị" gồm quan chức các ban ngành hữu quan và chuyên gia, do Giám đốc Cơ quan đổi mới khoa học công nghệ, thuộc Bộ Khoa học, công nghệ thông tin và truyền thông, giữ chức Chủ tịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục