Thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và Italy về lĩnh vực lao động

Việt Nam và Italy nhất trí sẽ tăng cường trao đổi các kinh nghiệm hợp tác về lao động nhất là về việc làm bền vững, dịch vụ việc làm, quản lý lao động di cư.

Ngày 12/6, tại trụ sở Trung tâm quản lý dịch vụ Lao động Italy ở Rome, đoàn đại biểu Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam do Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền dẫn đầu đã có buổi làm việc với Bộ Lao động và Chính sách Xã hội Italy do bà Franca Biondelli, Thứ trưởng Bộ Lao động và chính sách xã hội làm trưởng đoàn.

Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi nhiều thông tin quan trọng cũng như ưu tiên hợp tác giữa hai cơ quan quản lý về lao động của hai nước trong thời gian tới.

Hai Bộ khẳng định quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước đang phát triển tốt đẹp; đồng thời, nhất trí việc sẽ tăng cường trao đổi đoàn cũng như các kinh nghiệm hợp tác về lao động nhất là về vấn đề việc làm bền vững, dịch vụ việc làm và quản lý lao động di cư, nhất trí phối hợp chặt chẽ hơn nữa trên các diễn đàn quốc tế như ASEM và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Hải Truyền, các kinh nghiệm về việc làm bền vững, dịch vụ việc làm công cũng như công tác quản lý lao động và di cư của Italy chính là những vấn đề mà Việt Nam đang quan tâm.

Về phần mình, phía Italy cũng đã trao đổi với Đoàn Việt Nam về các chính sách của thị trường lao động tích cực, vai trò của các chính sách dịch vụ việc làm trong hệ thống trường lao động của Italy, mô hình hợp tác đào tạo nghề công-tư; chuyển đổi từ môi trường đào tạo sang môi trường doanh nghiệp cũng như những kinh nghiệm trong quản lý thị trường lao động; những tiếp cận mới về dịch vụ việc làm và thành lập các văn phòng việc làm tại các trường học...

Ngoài ra, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cũng đã thông báo với phía đối tác Italy về tình hình tại Biển Đông.

Khẳng định việc Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou 981), cùng với sự gây hấn của các tàu hộ tống Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã và đang làm tổn hại tới các hoạt động đánh bắt, khai thác hải sản của người ngư dân Việt Nam trên vùng biển của mình./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục