Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch phải linh hoạt, mềm dẻo

Trong bối cảnh hiện nay, Bộ Y tế tiếp tục hoàn thiện hướng dẫn chi tiết trong xác định cấp độ dịch, đưa ra các biện pháp ứng phó, trong đó cần tiếp tục nâng cao hệ thống giám sát y tế cộng đồng.
Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch phải linh hoạt, mềm dẻo ảnh 1Thị xã Đông Triều thiết lập vùng phong tỏa tạm thời để cách ly y tế toàn bộ thôn Lâm Xá 1. (Ảnh: Văn Đức/TTXVN)

Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính từ 16 giờ ngày 2/11 đến 16 giờ ngày 3/11, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 6.192 ca mắc mới, trong đó 17 ca nhập cảnh; 6.175 ca ghi nhận trong nước (tăng 562 ca so với ngày trước đó) tại 58 tỉnh, thành phố (có 2.766 ca trong cộng đồng).

Ngày 3/11, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Ninh Thuận đăng ký bổ sung 914 ca về địa phương từ vùng dịch, đã được cách ly, lấy mẫu từ các ngày trước tại tỉnh trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19.

Các địa phương ghi nhận số ca mắc tăng nhiều nhất so với ngày trước đó là Thành phố Hồ Chí Minh (303 ca), Tây Ninh (141 ca), Quảng Nam (79 ca). Các địa phương ghi nhận số ca mắc giảm cao nhất so với ngày trước đó: Bắc Ninh (67 ca), Cà Mau (62 ca), Kiên Giang (47 ca).

Trung bình số ca mắc mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 5.413 ca/ngày. Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay), số ca mắc mới ghi nhận trong nước là 934.583 ca, trong đó có 830.858 ca đã được công bố khỏi bệnh.

Số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý COVID-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế (cdc.kcb.vn) cho thấy, ngày 3/11 có 8.869 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số bệnh nhân được điều trị khỏi ở nước ta lên 833.675 5 trường hợp. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.052 ca.

Từ 17 giờ 30 ngày 2/11 đến 17 giờ 30 ngày 3/11 ghi nhận 78 ca tử vong, trong đó tại Thành phố Hồ Chí Minh (40 ca); Bình Dương (13 ca); Cần Thơ, Đồng Nai (cùng ghi nhận 4 ca); Tiền Giang, An Giang (cùng ghi nhận 3 ca); Bạc Liêu, Long An, Kiên Giang, Ninh Thuận (mỗi địa phương cùng ghi nhận 2 ca); Vĩnh Long, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận (mỗi nơi ghi nhận 1 ca). Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 61 ca. Tính đến nay, đã có 22.283 ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam, chiếm 2,4% so với tổng số ca mắc.

Cần tiếp tục nâng cao hệ thống giám sát y tế cộng đồng

Ngày 3/11, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 (Ban Chỉ đạo Quốc gia) họp về công tác phòng, chống dịch; Chiến lược tổng thể ứng phó hiệu quả với dịch COVID-19; kế hoạch đầu tư, mua sắm vaccine, thuốc, trang thiết bị, sinh phẩm phục vụ phòng, chống dịch theo các cấp độ.

Các ý kiến thống nhất đề nghị, trong bối cảnh hiện nay, Bộ Y tế tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hướng dẫn chi tiết trong xác định cấp độ dịch, đưa ra các biện pháp ứng phó bám sát tình hình, trong đó cần tiếp tục nâng cao hệ thống giám sát y tế cộng đồng. Đồng thời, Bộ Y tế cần tập trung phân bổ, bảo đảm đủ vaccine, có phương án chi viện nhân lực để theo kịp tiến độ, kế hoạch tiêm vaccine nhanh nhất cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên.

Liên quan đến vấn đề này, Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Vũ Hải Sản cho biết, tình hình dịch bệnh ở Thành phố Hồ Chí Minh đến nay cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, các đơn vị quân đội vẫn sẵn sàng chi viện khi được điều động. Bộ Quốc phòng sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 khi có yêu cầu.

[Yên Bái, Đà Nẵng, Bình Dương, Phú Thọ khẩn trương sàng lọc F0]

Liên quan đến việc chuẩn bị cho học sinh trở lại trường, các ý kiến nhận định, việc không được đến lớp ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng học tập, phát triển tâm sinh lý của học sinh. Đi học không chỉ là nhu cầu của học sinh mà còn là của gia đình, phụ huynh học sinh.

Hiện nay, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi, chưa có khuyến nghị chính thức tiêm cho trẻ dưới 12 tuổi. Tuy nhiên, không thể đợi tiêm hết vaccine hoặc hết ca mắc trong cộng đồng mới cho trẻ đi học trở lại.

"Đi học phải an toàn, kiểm soát được dịch, bảo vệ được sức khỏe cho các cháu và cộng đồng. Điều đó không có nghĩa tuyệt đối không có học sinh mắc COVID-19. Do đó, ngành Giáo dục phải hướng dẫn rất chi tiết về các quy định phòng, chống dịch trong lớp học, khi ra chơi, phương án xử lý khi có ca mắc trong trường học," Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu.

Về nội dung dự thảo Chiến lược tổng thể ứng phó hiệu quả với dịch COVID-19, các ý kiến lưu ý, đây là chiến lược chuẩn bị sau khi cả nước đã tiêm phủ vaccine (dự kiến vào cuối năm 2021).

Trong khoảng thời gian này, việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch phải linh hoạt, mềm dẻo với mục tiêu bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; hạn chế các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do COVID-19; khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh: Nhìn chung, tình hình dịch được kiểm soát trên toàn quốc. Tuy nhiên, trong tuần qua, số mắc mới trong cộng đồng đã có dấu hiệu tăng trở lại.

Tình hình dịch bệnh trong nước vẫn còn nguy cơ diễn biến khó lường. Các địa phương căn cứ vào cấp độ dịch được công bố, các huyện, thị xã, thành phố phải áp dụng ngay các biện pháp tương ứng để kiểm soát dịch trên địa bàn.

Mọi người dân sẽ được tiêm chủng, tiếp cận bình đẳng vaccine phòng COVID-19

Tính đến cuối tháng 10/2021, Việt Nam đã tiếp nhận và phân bổ khoảng 109 triệu liều vaccine phòng COVID-19 các loại khác nhau. Theo thống kê thực đến 15 giờ ngày 3/11, cả nước đã tiêm 84.215.474 liều, trong đó ngày 2/11 tiêm được 961.071 liều.

Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch phải linh hoạt, mềm dẻo ảnh 2Học sinh Trường chuyên Hùng Vương, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương bắt đầu được tiêm vaccine phòng COVID-19. (Ảnh: Văn Hướng/TTXVN)

Về việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi, hiện đã có 6 địa phương tiến hành tiêm là Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng, Bình Dương, Kiên Giang, Ninh Bình và Quảng Ninh. Một số địa phương khác đã lên kế hoạch triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ khi vaccine được phân bổ.

Đến nay, các địa phương tiêm mũi 1 vaccine phòng COVID-19 cho dân số từ 18 tuổi trở lên đạt trên 95% là Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Lâm Đồng, Bình Dương.

 9 tỉnh, thành phố bao phủ đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 cho dân số từ 18 tuổi trở lên đạt trên 50% là Long An, Quảng Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Lạng Sơn, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội và Bắc Ninh.

19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã tiêm được 38,2 triệu liều vaccine (chiếm 46,6% cả nước). Bộ Y tế đang hướng tới tỷ lệ vaccine bao phủ dân số trên 18 tuổi đạt 100% trong quý 4 và đầu năm 2022.

Về tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ, dựa trên khả năng cung ứng vaccine của nhà sản xuất, Bộ Y tế đang xây dựng Kế hoạch sử dụng vaccine năm 2022 và xin ý kiến của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch về việc mở rộng độ tuổi tiêm chủng cho trẻ dưới 12 tuổi theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, kinh nghiệm sử dụng vaccine của các quốc gia trên thế giới và các loại vaccine đã được cấp phép tại Việt Nam có chỉ định cho nhóm đối tượng trẻ dưới 12 tuổi; đảm bảo toàn bộ người dân sẽ được tiêm chủng tiếp cận bình đẳng vaccine phòng COVID-19..../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục