Tiềm năng lớn của thị trường tái chế pin xe điện toàn cầu

IEA dự đoán sẽ có khoảng 350 triệu xe điện sẽ đi vào lưu thông từ nay đến năm 2030, và pin lithium sử dụng cho xe điện chắc chắn phải được tái chế, nếu không sẽ không đủ nguồn cung.
Tiềm năng lớn của thị trường tái chế pin xe điện toàn cầu ảnh 1Công nhân kiểm tra các bộ phận của bộ pin tại một nhà máy thuộc Pin xe điện Sunwoda ở Nam Kinh, phía đông tỉnh Giang Tô của Trung Quốc. (Nguồn: Getty Images)

Trong bối cảnh châu Âu đang chuyển hướng từ các phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch sang xe điện, tái chế than chì cũng như nhiều các thành phần khác trong pin đang dần trở thành một trọng tâm lớn.

Tình trạng thiếu hụt và giá nguyên vật liệu thô gia tăng là một trong những yếu tố thúc đẩy sự quan tâm vào lĩnh vực tái chế này.

Ông Philippe Barboux, giáo sư hóa học của đại học PSL University ở Paris, cho biết giá lithium đã tăng 13% trong 5 năm qua, trong khi đó, cho đến nay lithium vẫn chưa được tái chế quy mô lớn vì nó không sinh lời.

Nhưng tình hình sẽ thay đổi khi 350 triệu xe điện được dự đoán sẽ đi vào lưu thông từ nay đến năm 2030, tăng mạnh so với mức 16,5 triệu xe năm 2021, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).

[Ước tính 60% xe điện toàn cầu sẽ phụ thuộc vào nguồn pin từ Indonesia]

Ông Barboux cho rằng trong 10 năm tới, rất nhiều pin được sản xuất đến nỗi lithium chắc chắn sẽ phải được tái chế, nếu không sẽ không đủ nguồn cung.

Công ty Aurubis, nhà cung cấp kim loại màu toàn cầu và là một trong những nhà tái chế đồng lớn nhất thế giới, khẳng định có thể tái chế ít nhất 95% các kim loại thành phần của pin tại một nhà máy thử nghiệm ở Hamburg (Đức).

Công ty khai khoáng Eramet của Pháp, Umicore của Bỉ và nhà sản xuất ôtô Mercedes của Đức cũng đã thành lập các liên doanh tương tự. Phần lớn các dự án này mới chỉ ở giai đoạn thử nghiệm.

Ông Ken Nagayama, người đứng đầu bộ phận phát triển kinh doanh các nguyên liệu pin của Aurubis, tin rằng sẽ có đủ nguồn cung thị trường để phát triển một nhà máy tái chế pin ở quy mô công nghiệp trong nửa cuối thập kỷ này.

Ông Serge Pelissier, trưởng bộ phận nghiên cứu của đại học Gustave Eiffel University ở Lyon, cho biết vì pin thường có tuổi thọ bảy hoặc tám năm, nên vẫn chưa đủ pin vào cuối vòng đời của chúng để cung cấp cho thị trường tái chế.

Bên cạnh đó, có nhiều mẫu pin xe điện khác nhau nên rất khó để xây dựng một hệ thống tái chế chuẩn hóa như các hệ thống tái chế điện thoại di động và máy tính cá nhân (laptop).

Theo nhận định của ông Alex Keynes, chuyên gia từ Liên đoàn Giao thông và Môi trường châu Âu, thị trường tái chế pin xe điện có thể sẽ không đạt được tiềm năng tối đa cho đến đầu những năm 2030.

Liên doanh Northvolt-Hydro của Thụy Điển và Na Uy, một công ty tiên phong trong lĩnh vực này, đang đặt mục tiêu đến năm 2030 tái chế khoảng 500.000 pin, tức chiếm khoảng một nửa số pin có thể tái chế ở thời điểm đó, theo ước tính từ các công ty tư vấn.

Liên minh châu Âu (EU) muốn đến năm 2031 các loại pin mới phải có 16% cobalt tái chế và 6% lithium và nickel tái chế, và ít nhất 70% trọng lượng các pin cũ phải được tái chế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục