Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu gia tăng sức hút với các nhà đầu tư

Trong giai đoạn 2021-2025, Bà Rịa-Vũng Tàu xác định mục tiêu phát triển thành tỉnh mạnh về công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao.
Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu gia tăng sức hút với các nhà đầu tư ảnh 1Hoạt động sản xuất tại một nhà máy ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Nằm ở khu vực cửa ngõ vươn ra biển lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bà Rịa-Vũng Tàu là điểm đến có sức hấp dẫn lớn với nhiều nhà đầu tư.

Kiên trì mục tiêu thu hút đầu tư có chọn lọc, hoàn thiện hạ tầng giao thông, đẩy mạnh cải cách hành chính, môi trường đầu tư minh bạch, bình đẳng, địa phương này đang tiếp tục tạo nhiều giá trị gia tăng cho mỗi quyết định của nhà đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.

Khẳng định lợi thế cạnh tranh

Bà Rịa-Vũng Tàu là tỉnh ven biển với điều kiện tự nhiên thuận lợi, có lợi thế về cảng biển nước sâu, hạ tầng kỹ thuật, giao thông phát triển thuận lợi.

Tỉnh cũng thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - khu vực kinh tế năng động nhất cả nước với hệ thống giao thông kết nối đang được đầu tư hoàn chỉnh, đem đến cho tỉnh nhiều lợi thế cạnh tranh, thu hút nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu và quyết định đầu tư.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ cho biết trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh, tỉnh đã xác định rõ 4 ngành kinh tế trọng điểm nhằm thu hút đầu tư là công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao; đồng thời định hình không gian kinh tế thành các vùng rõ ràng gồm: vùng phát triển công nghiệp-cảng biển, vùng phát triển nông nghiệp, vùng phát triển du lịch-đô thị, vùng thềm lục địa và hải đảo.

[Bà Rịa-Vũng Tàu: Khẳng định bước tiến trên chặng đường phát triển]

Nhờ định hướng đúng, năm 2020, Bà Rịa-Vũng Tàu đã đứng thứ 9/63 tỉnh thành về Chỉ số Cải cách hành chính, đứng thứ 15/63 về Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và đứng thứ 2/63 về Chỉ số Cơ sở hạ tầng.

Trong suốt nhiều năm liền, tỉnh luôn là địa phương nằm trong top đầu về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Tấn Cường, hiện toàn tỉnh có 434 dự án FDI với tổng vốn đăng ký trên 29 tỷ USD. Nhiều dự án FDI quy mô lớn đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, cảng biển, dịch vụ logistics, du lịch … đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mở rộng thị trường, gia tăng kim ngạch xuất khẩu, đóng góp ngân sách nhà nước, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, tác động lan tỏa đến các thành phần kinh tế khác của nền kinh tế; trong đó có việc khơi dậy các nguồn lực đầu tư trong nước, nâng cao hiệu quả sản xuất, tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

Hiện Bà Rịa-Vũng Tàu đã quy hoạch và đầu tư 15 khu công nghiệp, 53 bến cảng tổng hợp, cảng container. Tỉnh cũng đang lập Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tỉnh tiếp tục quy hoạch phát triển thêm một số khu công nghiệp, hoàn chỉnh quy hoạch hệ thống cảng biển, logistics; xây dựng đề án Khu mậu dịch tự do Cái Mép, thị xã Phú Mỹ theo chỉ đạo của Thủ tướng; quy hoạch phát triển các khu đô thị, du lịch, dịch vụ vệ tinh để tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động của các nhà đầu tư và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Chia sẻ về quyết định chọn Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Bang Ho Ick, Phó Tổng giám đốc công ty POSCO YAMATO (Khu Công nghiệp Phú Mỹ 2) cho rằng, đây là trung tâm công nghiệp trọng yếu của phía Nam. Các khách hàng ngành thép đa số đều ở xung quanh khu vực này. Ngoài ra, tỉnh còn có rất nhiều chính sách hỗ trợ về thuế, nên doanh nghiệp đã quyết định đầu tư tại tỉnh.

Cũng theo ông Bang Ho Ick, cơ sở hạ tầng giao thông và mạng lưới cảng đang được xây dựng rất tốt giúp doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận khách hàng trong khu vực và phía Bắc.

Hiện công ty đang tính toán hoàn thiện nhà máy đầu tiên để nâng cao năng lực sản xuất; hoặc đầu tư xây dựng thêm nhà máy mới để đa dạng hóa sản phẩm.

Cùng quan điểm, ông Shao Zhi Yong, Phó Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Neway Fluid Equipment Viet Nam (Khu công nghiệp Đất Đỏ 1) cũng cho rằng chính quyền địa phương đã hỗ trợ nhiều và rất cụ thể cho doanh nghiệp. Về cơ bản mọi thủ tục đều được giải quyết khá nhanh chóng qua chính sách một cửa. Khu công nghiệp có hệ thống giao thông kết nối thuận lợi cả trục Bắc-Nam và Đông-Tây.

Tạo hệ sinh thái bền vững

Trong giai đoạn 2021-2025, Bà Rịa-Vũng Tàu xác định mục tiêu phát triển thành tỉnh mạnh về công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao.

Vì vậy, theo ông Nguyễn Văn Thọ, tỉnh kiên trì thu hút đầu tư có chọn lọc, thu hút các dự án quy mô lớn, công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, không thâm dụng lao động, thân thiện với môi trường.

Đồng thời, tỉnh phát triển cảng biển và dịch vụ hậu cần cảng trở thành ngành kinh tế chủ lực để hỗ trợ các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ khác phát triển.

Việc kiên định mục tiêu này không những giúp loại bỏ những dự án không phù hợp mà còn tạo ra hệ sinh thái để những doanh nghiệp công nghệ cao, có tiềm lực tài chính, uy tín, tin tưởng mạnh dạn đầu tư. Đây cũng chính là động lực giúp địa phương duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của 4 trụ cột kinh tế.

Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu gia tăng sức hút với các nhà đầu tư ảnh 2Một góc Khu công nghiệp Phú Mỹ 2, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Để thực hiện tốt mục tiêu này, thời gian tới, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu quyết tâm nâng cao năng lực lãnh đạo, cam kết tạo dựng môi trường thuận lợi và tích cực nhất cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Ngoài ra, tỉnh đẩy mạnh xử lý, thu hồi những dự án chậm triển khai, tạo cơ hội cho các nhà đầu tư mới; tiếp tục lựa chọn những doanh nghiệp có năng lực để đầu tư những dự án lớn.

Đồng thời, tỉnh thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung, công khai, minh bạch thông tin về các dự án kêu gọi đầu tư; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả xúc tiến đầu tư; ban hành chính sách phù hợp, dành quỹ đất hợp lý để thu hút đầu tư, ông Nguyễn Văn Thọ nhấn mạnh.

Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, kiên quyết không làm phát sinh thêm thủ tục; từng bước cắt giảm thời gian giải quyết công việc. Năm 2021 giảm 25% tổng thời gian quy định hiện đang thực hiện và năm 2022 tiếp tục cắt giảm thêm 25% thời gian nữa.

Cùng đó, Bà Rịa-Vũng Tàu xác định đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông theo hướng đa phương thức kết nối là giải pháp quan trọng để thu hút đầu tư.

Do đó, mục tiêu của tỉnh trong giai đoạn 2020-2025 là hoàn thành các dự án quan trọng như: cầu Phước An, đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, nghiên cứu khả thi tuyến đường sắt kết nối Cái Mép-Thị Vải.

Ông Trần Thượng Chí, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, ngày 23/11 vừa qua, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét trình Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển sang hình thức đầu tư công đối với dự án này.

Ông Shao Zhi Yong dự báo khi tuyến cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu và sân bay quốc tế Long Thành đi vào hoạt động sẽ mang lại sự phát triển vượt bậc không chỉ cho Bà Rịa-Vũng Tàu mà cả khu vực trong tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục