Tình hình Ai Cập tiếp tục nhiều diễn biến phức tạp

Tòa án Hiến pháp Tối cao Ai Cập cho biết hệ thống bỏ phiếu được sử dụng để bầu quốc hội nước này hồi đầu năm là "không hợp Hiến pháp".
Ngày 6/6, các ủy viên Tòa án Hiến pháp Tối cao Ai Cập công bố một báo cáo cho biết hệ thống bỏ phiếu được sử dụng để bầu quốc hội nước này hồi đầu năm là "không hợp Hiến pháp".

Hãng thông tấn chính thức MENA dẫn báo cáo trên nêu rõ số lượng ghế phân bổ cho các cá nhân và các ứng cử viên theo danh sách đảng phái đã vi phạm nguyên tắc bình đẳng, đồng thời hệ thống này cũng mâu thuẫn với các điều khoản và qui định nêu trong Hiến pháp. Bản báo cáo này đã làm xuất hiện những hoài nghi về số phận của quốc hội khóa mới, vốn do các đảng Hồi giáo chi phối.

Cùng ngày, người phát ngôn của Tòa án Hiến pháp Tối cao Ai Cập cho biết tòa này sẽ nhóm họp vào ngày 14/6, hai ngày trước cuộc bầu cử tổng thống vòng hai (dự kiến diễn ra vào 16-17/6), để xem xét dự thảo Luật tước quyền bầu cử chính trị và Luật Bầu cử quốc hội.

Theo các dự luật mới, một số giới hạn những người giữ chức vụ cao trong 10 năm cầm quyền cuối của cựu Tổng thống Hosni Mubarak sẽ không được tranh cử. Dư luận cho rằng nếu các dự luật này được thông qua, ứng viên tổng thống Ahmed Shafiq - một trong hai ứng cử viên tại cuộc bầu cử tổng thống vòng hai, sẽ bị đe dọa tước quyền tranh cử. Ông Shafiq từng giữ chức thủ tướng trong chế độ của cựu Tổng thống Mubarak.

Trong khi đó, một số lực lượng chính trị tại Ai Cập, trong đó có ứng cử viên tổng thống Mohamed Morsy và hai cựu ứng cử viên Hamdin Sabahi và Abu Fotouh, đã nhất trí hợp lực nhằm loại bỏ ứng viên Saphích khỏi cuộc đua vòng hai giành chức tổng thống tới.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 6/6, Phó Chủ tịch Bộ Chính trị Phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas của Palestin, Moussa Abu Marzouk đã có chuyến thăm tới trụ sở tổ chức Anh em Hồi giáo tại Cairo, đúng vào thời điểm lực lượng này tiến hành họp, đề ra kế hoạch vận động để ủng hộ ứng cử viên tổng thống Mohamed Morsy. Trước đó, một quan chức cấp cao của Phong trào Fatah ở Palestin, ông Azzam al-Ahmed cho rằng thắng lợi bầu cử của ông Mohamed Morsy sẽ khiến Hamas cứng rắn hơn và ảnh hưởng tới những nỗ lực hoà giải giữa hai phong trào Palestin.

Về tình hình sức khỏe của ông Mubarak, truyền thông Ai Cập cho hay kể từ khi bắt đầu thụ án tù chung thân tại nhà tù Tora ngày 2/6, cựu Tổng thống Ai Cập đã năm lần phải hô hấp nhân tạo và hiện trong tình trạng nguy kịch, do khó thở và suy nhược thần kinh. Bệnh viện nhà tù đã cử một nhóm bác sỹ chuyên khoa tim đến kiểm tra và chẩn đoán ông bị suy nhược thần kinh, suy nhược cơ thể, huyết áp cao và khó thở.

Nhà cựu lãnh đạo Ai Cập này có thể được chuyển tới một quân y viện hoặc bệnh viện tư nhân để điều trị trong tình trạng sức khoẻ ngày càng xấu. Cựu đệ nhất phu nhân Suzanne đã yêu cầu chuyển ông khỏi bệnh viện nhà tù Tora.

Trong khi đó, hàng chục nghìn người tiếp tục tập hợp tại Quảng trường Tahrir ở thủ đô Ai Cập và nhiều địa điểm công cộng khác để đưa ra một loạt yêu sách, trong đó có việc xét xử lại cựu Tổng thống Mubarak cùng các cộng sự và tước quyền tranh cử chức tổng thống của ứng cử viên Shafiq./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục