Tình hình bạo lực tiếp tục gây ảnh hưởng đến hoạt động ở Nam Phi

Biểu tình bạo lực kéo dài nhiều ngày qua đã khiến hoạt động tại cảng Durban, cảng Richards Bay và một tuyến đường sắt vận chuyển hàng hóa của nhà nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tình hình bạo lực tiếp tục gây ảnh hưởng đến hoạt động ở Nam Phi ảnh 1Các đối tượng cướp phá tại một cửa hàng ở Johannesburg, Nam Phi. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 14/7, các công ty vận tải ở Nam Phi cho biết biểu tình bạo lực kéo dài nhiều ngày qua đã khiến hoạt động tại cảng Durban, cảng Richards Bay và một tuyến đường sắt vận chuyển hàng hóa của nhà nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Durban là một trong những cảng biển nhộn nhịp nhất ở châu Phi và là trung tâm xuất khẩu các mặt hàng nông sản, nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ. Còn Richards Bay là một cảng xuất khẩu than đá lớn.

Công ty vận tải Transnet cho biết hoạt động tại cả hai cảng này đã chịu tác động nặng nề vì toàn bộ chuỗi cung ứng đã bị gián đoạn, bao gồm cả lối vào và lối ra khỏi cảng.

Hiệp hội vận tải hàng hóa Nam Phi cho biết việc dịch vụ y tế tại cảng Durban tạm ngừng đã cản trở các tàu, thuyền cập bến vì không thể xét nghiệm COVID-19.

Giám đốc điều hành Tập đoàn vận tải Leschaco, Juan Enslin cho biết một số container hàng hóa của doanh nghiệp này vẫn đang bị mắc kẹt tại cảng Durban, trong khi những chuyến hàng khác đang trên đường đến cảng này đã phải chuyển hướng.

Trong khi đó, Transnet cho biết tuyến đường sắt NATCOR nối Durban với tỉnh Gauteng cũng chịu ảnh hưởng của tình trạng biểu tình bạo lực ngày càng leo thang.

[Hàng trăm người bị bắt trong các cuộc biểu tình bạo lực ở Nam Phi]

Trước đó cùng ngày, một quan chức ngành dầu khí của Nam Phi cho biết nhà máy lọc dầu SAPREF lớn nhất nước này ở Durban cũng đã phải tạm ngừng hoạt động.

Nhà máy lọc dầu SAPREF là công ty liên doanh giữa Tập đoàn dầu khí BP (Anh) và Shell (Anh/Hà Lan). SAPREF có công suất 180.000 thùng/ngày, tương đương 35% công suất của Nam Phi.

Đám đông biểu tình tiếp tục cướp phá các cửa hàng và cơ sở kinh doanh ở Nam Phi trong ngày 14/7, bất chấp lời kêu gọi của chính phủ nhằm chấm dứt một tuần bạo lực đã khiến hơn 70 người thiệt mạng, hàng trăm cơ sở kinh doanh bị phá hủy và làm gián đoạn hoạt động của bệnh viện trong bối cảnh đất nước đang căng sức chống lại dịch bệnh COVID-19 đang lây lan nhanh chóng.

Tình hình bạo lực tiếp tục gây ảnh hưởng đến hoạt động ở Nam Phi ảnh 2Khói bốc lên mù mịt khi các cửa hàng và nhà xưởng bị đốt phá do bạo loạn tại thành phố cảng Durban, miền Đông Nam Phi ngày 13/7. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhiều bệnh viện cho biết họ đang cạn kiệt oxy và thuốc, hầu hết được nhập khẩu qua cảng Durban. Thực phẩm cũng đang dần cạn kiệt. Nhân viên ở các khu vực bị ảnh hưởng không thể đi làm khiến cho tình trạng thiếu hụt nhân công ngày càng trầm trọng trong đợt dịch bệnh thứ ba này.

Các trung tâm mua sắm và nhà kho ở một số thành phố, chủ yếu là tại quê nhà của cựu Tổng thống Jacob Zuma ở tỉnh KwaZulu-Natal và thành phố lớn nhất của đất nước Johannesburg cũng như khu vực lân cận tỉnh Gauteng, cũng đã bị lục soát hoặc bị đốt phá.

Theo cảnh sát, cuộc biểu tình đã lan sang hai tỉnh khác là Mpumalanga, ngay phía Đông tỉnh Gauteng, và Northern Cape. Trong khi đó, các đài truyền hình địa phương cho thấy nhiều vụ cướp bóc cửa hàng hơn ở thị trấn Soweto lớn nhất Nam Phi và ở thành phố cảng Durban.

Bạo lực leo thang sau khi cựu Tổng thống Zuma tự ra trình diện cảnh sát hôm 7/7 để thi hành án tù 15 tháng với tội danh bất tuân lệnh triệu tập của tòa án. Những hành vi bạo lực có thể bắt nguồn từ sự kích động về chính trị hoặc sắc tộc, nhưng sau đó đã trở thành những hành vi tội phạm, như cướp bóc và trộm cắp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục