Tổng thống Ai Cập bày tỏ lập trường về một loạt vấn đề khu vực

Tổng thống Sisi cho rằng “không thể chấp nhận được nữa" khi các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vẫn chưa được một số quốc gia thực hiện khi nghĩ rằng họ sẽ không phải chịu trách nhiệm.
Tổng thống Ai Cập bày tỏ lập trường về một loạt vấn đề khu vực ảnh 1Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi. (Nguồn: ahram.org.eg)

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi ngày 22/9 đã kêu gọi truy cứu trách nhiệm đối với các quốc gia vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Lời kêu gọi của ông Sisi được đưa ra trong một bài phát biểu được ghi hình phát tại Kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 75 diễn ra cùng ngày.

Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Ai Cập nêu rõ: “Điều đáng tiếc là cộng đồng quốc tế vẫn tiếp tục làm ngơ trước sự hỗ trợ của một số quốc gia cho những kẻ khủng bố, dù bằng tiền và vũ khí, hay bằng cách cung cấp nơi trú ẩn an toàn, phương tiện truyền thông và các nền tảng chính trị, và thậm chí tạo điều kiện cho các tay súng khủng bố di chuyển đến các khu vực xung đột, đặc biệt là đến Libya và Syria.”

Tổng thống Sisi cho rằng “không thể chấp nhận được nữa" khi các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vẫn chưa được một số quốc gia thực hiện khi nghĩ rằng họ sẽ không phải chịu trách nhiệm.

Đề cập về Libya, ông Sisi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc theo đuổi lộ trình giải quyết khủng hoảng bằng biện pháp chính trị dựa trên thỏa thuận Skhirat do Liên hợp quốc làm trung gian, kết luận của hội nghị Berlin và Tuyên bố Cairo, nhằm đạt được một giải pháp toàn diện để chấm dứt cuộc khủng hoảng ở quốc gia Bắc Phi này.

Theo ông Sisi, cuộc khủng hoảng ở Libya đã vượt ra khỏi biên giới nước này và ảnh hưởng tới an ninh của các nước láng giềng.

Nhà lãnh đạo Ai Cập khẳng định rằng Cairo quyết tâm hỗ trợ Libya xóa sổ các tổ chức khủng bố, giải tán lực lượng dân quân đồng thời chấm dứt sự can thiệp của một số nước đưa lực lượng nước ngoài đến Libya.

Ông Sisi nhắc lại rằng nếu tình hình chiến sự ở Libya vẫn tiếp diễn và vượt qua ranh giới đỏ Sirte hoặc Al-Jufra, Ai Cập sẽ đối phó với tình huống này nhằm bảo vệ an ninh quốc gia và sự an toàn của người dân.

Ngoài ra, Tổng thống Sisi cũng đề cập đến vấn đề Palestine. Theo ông, người dân Palestine khao khát các quyền cơ bản của con người được sống trong một quốc gia độc lập.

[Khẳng định vai trò của LHQ vì một thế giới phát triển bền vững]

Nhà lãnh đạo Ai Cập nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần tái cam kết để đạt được hòa bình vốn đã được mong đợi từ lâu và phải chống lại các quyết định và hành động lấy đất của người Palestine, đồng thời tuân thủ các nghị quyết của Liên hợp quốc về vấn đề này.

Phát biểu về tình hình ở Syria, Tổng thống Sisi cho rằng một giải pháp chính trị toàn diện đã trở thành vấn đề cấp bách để chấm dứt chiến tranh đồng thời kêu gọi thực hiện "tất cả các nội dung của giải pháp chính trị theo nghị quyết số 2254 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc mà không bị rút bớt hoặc đình trệ nhằm đảm bảo sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Syria và các thể chế của nó, đáp ứng nguyện vọng của người dân và loại bỏ hoàn toàn chủ nghĩa khủng bố."

Bên cạnh đó, ông Sisi cũng kêu gọi có một giải pháp cho cuộc xung đột ở Yemen, “bằng cách thực hiện các điều khoản tham chiếu để giải quyết xung đột theo nghị quyết số 2216 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, sáng kiến vùng Vịnh và kết quả của đối thoại quốc gia toàn diện, theo nguyên tắc tôn trọng tính hợp pháp, đảm bảo sự thống nhất và độc lập của Yemen.”

Ông cho rằng phải chấm dứt việc lợi dụng lãnh thổ Yemen nhằm vào các nước láng giềng hoặc cản trở tự do hàng hải ở eo biển Bab el-Mandeb.

Đối với vấn đề của châu Phi, ông Sisi cũng đề nghị cộng đồng quốc tế hỗ trợ các nước đang phát triển, đặc biệt là ở châu Phi, trong thời kỳ xảy ra đại dịch COVID-19, bằng cách cung cấp các gói kích thích, giảm bớt gánh nặng nợ nần và tận dụng các công cụ sẵn có của các tổ chức tài chính quốc tế.

Ngoài ra, ông cũng cho rằng cần mở rộng số lượng thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cả thường trực và không thường trực, để nâng cao uy tín của cơ quan này.

Còn về vấn đề đập thủy điện Đại Phục Hưng, ông Sisi kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp thúc đẩy một thỏa thuận về vấn đề này, vốn là nguồn gốc gây tranh cãi giữa Ai Cập và Ethiopia trong gần một thập kỷ qua. Tổng thống Ai Cập cho biết ông mong muốn cộng đồng quốc tế thúc đẩy tất cả các bên liên quan làm việc theo khung thời gian để đạt được thỏa thuận.

Tổng thống Ai Cập bày tỏ lập trường về một loạt vấn đề khu vực ảnh 2Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa. (Nguồn: GCIS)

Trong khi đó, trong thông điệp gửi phiên họp cấp cao kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hợp quốc (Liên hợp quốc) ngày 22/9, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa hối thúc tăng cường sự hiện diện của châu Phi trong cơ cấu Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc) nhằm giải quyết hiệu quả hơn các cuộc xung đột trên quy mô toàn cầu.

Phát biểu tại phiên thảo luận chung cấp cao của ĐHĐ Liên hợp quốc Khóa 75 diễn ra bằng hình thức trực tuyến, Tổng thống Ramaphosa, đồng thời là Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Phi (AU), chỉ rõ thành phần của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hiện đang không phản ảnh đầy đủ bức tranh tổng thể của “thế giới mà chúng ta đang sống’.’

Theo ông Ramaphosa, các nước châu Phi cần có vai trò rõ rệt hơn tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và việc này cần được triển khai một cách nhanh chóng thông qua các cuộc đàm phán liên chính phủ, cũng như thông qua nỗ lực cải tổ mô hình và hoạt động của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong thời gian tới.

Bước sang năm thứ hai trong vai trò là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Nam Phi đã nhiều lần hối thúc việc cải tổ cơ cấu hội đồng hiện có 5 thành viên thường trực “cứng’’ bao gồm Mỹ, Nga, Pháp, Anh và Trung Quốc.

Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cũng kêu gọi các quốc gia trên thế giới cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong cuộc chiến đẩy lùi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, cho rằng sự đoàn kết chính là vũ khí hiệu quả nhất để xóa xổ đại dịch thế kỷ này.

Ông Ramaphosa cũng kêu gọi một “gói kích thích tăng trưởng tổng thể cho các quốc gia châu Phi’’ nhằm giúp lục địa này phục hồi kinh tế sau khi đã dành phần lớn nguồn lực để ứng phó với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó bao gồm việc xóa bỏ phần lãi cho các khoản mà các nước châu Phi vay trước đó để đầu tư phát triển kinh tế.

Tại phiên họp cấp cao kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hợp quốc, lãnh đạo các nước thành viên đã lần lượt đưa ra phát biểu trực tuyến.

Với chủ đề "Tương lai mà chúng ta mong muốn, Liên hợp quốc mà chúng ta cần: tái khẳng định cam kết chung đối với chủ nghĩa đa phương," Kỳ họp Đại Hội đồng Liên hợp quốc Khóa 75 tập trung vào các chủ đề tăng cường hợp tác đa phương nhằm đối phó với các thách thức chung.

Các bài phát biểu tại cuộc họp nhấn mạnh rằng các thách thức mà thế giới đang phải đối mặt có mối liên hệ với nhau và chỉ có thể được giải quyết thông qua hợp tác đa phương, vốn đóng vai trò cần thiết trong bối cảnh thế giới đang nỗ lực tái thiết một thế giới công bằng hơn, có sức chống chịu tốt hơn và bền vững hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục