Tổng thống Sudan chịu sức ép ngày càng lớn về chuyển giao chính trị

Tổng thống Sudan Omar al-Bashir đang phải chịu sức ép ngày càng lớn khi ba nước phương Tây hối thúc chuyển giao chính trị sau nhiều tháng biểu tình tại quốc gia châu Phi này.
Tổng thống Sudan chịu sức ép ngày càng lớn về chuyển giao chính trị ảnh 1Tổng thống Sudan Omar al-Bashir. (Nguồn: Getty Images)

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 9/4, Tổng thống Sudan Omar al-Bashir đang phải chịu sức ép ngày càng lớn khi ba nước phương Tây hối thúc chuyển giao chính trị sau nhiều tháng biểu tình tại quốc gia châu Phi này.

Mỹ, Anh và Na Uy đã lần đầu tiên kêu gọi một kế hoạch chuyển giao trính trị đáng tin cậy tại Sudan. Tuyên bố chung của phái đoàn ngoại giao ba nước nêu rõ đây là lời thời điểm nhà chức trách Sudan cần đáp lại những yêu cầu của số đông một cách nghiêm túc.

Tuyên bố hối thúc giới chức Sudan đưa ra một kế hoạch đáng tin cậy cho quá trình chuyển giao chính trị, nếu không sẽ đứng trước những rủi ro bất ổn lớn hơn.

Trong khi đó, lãnh đạo đảng đối lập Umma Sadiq al-Mahdi cũng kêu gọi lựa chọn một chỉ huy quân sự để đàm phán quá trình chuyển tiếp. Tuyên bố của ông al-Mahdi được đưa ra trong bối cảnh hàng nghìn người biểu tình vẫn tụ tập bên ngoài khu phức hợp tại trung tâm thủ đô Khartoum trong ngày thứ tư liên tiếp, nơi đặt trụ sở Bộ quốc phòng, tư dinh của Tổng thống Bashir và các trung tâm an ninh quốc gia.

Truyền thông khu vực dẫn lời người đứng đầu đảng Umma đối lập chính tại Sudan cho biết khoảng 20 người đã thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương trong các cuộc biểu tình trước trụ sở Bộ quốc phòng nước này.

Hãng thông tấn Nhà nước Sudan (SUNA) dẫn lời một cảnh sát nước này khẳng định lực lượng cảnh sát đã được chỉ thị không đối đầu trực tiếp với người biểu tình ôn hòa.

Các cuộc biểu tình tại Sudan xảy ra kể từ ngày 19/12/2018, khi người dân phản đối chính phủ tăng gấp 3 lần giá bánh mỳ, đồng thời bày tỏ sự bất bình với những chính sách kinh tế yếu kém của chính quyền khiến các điều kiện sống của người dân khó khăn hơn.

Tổng thống Bashir, 75 tuổi, lên nắm quyền sau cuộc đảo chính do những người Hồi giáo hậu thuẫn năm 1989. Bất chấp phản đối của người dân, Tổng thống Bashir từng tuyên bố không từ chức và khẳng định cách thức duy nhất để thay đổi chính phủ là thông qua bầu cử./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục