TP Hồ Chí Minh ngăn dịch tả lợn châu Phi xâm nhập từ các cửa ngõ

Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh cho biết, để đảm bảo vấn đề kiểm soát dịch bệnh, lực lượng thú y của thành phố luôn túc trực 24/24 giờ tại 12 lò mổ trên địa bàn.
TP Hồ Chí Minh ngăn dịch tả lợn châu Phi xâm nhập từ các cửa ngõ ảnh 1Đoàn kiểm tra liên ngành Thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra công tác kiểm dịch tại lò mổ Xuyên Á. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Rạng sáng 12/3, Đoàn kiểm tra liên ngành của Ban Quản lý An toàn thực phẩm và Chi cục Thú y Thành phố Hồ Chí Minh đã kiểm tra đột xuất việc đảm bảo an toàn thực phẩm tại một số cơ sở giết mổ lợn trên địa bàn nhằm đảm bảo kiểm soát bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhập.

Cơ sở giết mổ Xuyên Á ở huyện Củ Chi, mỗi đêm giết mổ khoảng 1.300 con lợn cung ứng cho thị trường Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Đặng Ngọc Hiệp, đại diện cơ sở giết mổ này cho biết, trước tình hình dịch tả lợn châu Phi, cơ sở đã cam kết chỉ nhận lợn tại khu vực miền Đông, miền Tây Nam Bộ vào giết mổ.

Toàn bộ số lợn vào lò mổ mỗi đêm đều phải qua thú y kiểm dịch và cương quyết không nhập qua các trạm trung chuyển để tránh trường hợp đưa từ bên ngoài khu vực trà trộn vào.

Bình quân, mỗi ngày cơ sở giết mổ khoảng 1.500 con lợn. Tuy nhiên, thời gian qua, sức mua thị trường giảm nhất định nên mỗi đêm cơ sở chỉ giết mổ khoảng 900 con.

Để đảm bảo vấn đề kiểm soát dịch bệnh, lực lượng thú y của Thành phố Hồ Chí Minh luôn túc trực 24/24 giờ tại 12 lò mổ trên địa bàn.

Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện vùng lợn tiêu thụ tại Thành phố chủ yếu đến từ các tỉnh miền Đông Nam Bộ như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận và một số ít của tỉnh Bình Phước, Tiền Giang, Bến Tre…

[Hưng Yên lập 170 chốt kiểm dịch để ngăn dịch tả lợn châu Phi]

Từ ngày 15/2 vừa qua đến nay, các cơ sở giết mổ của thành phố đã nhận “lệnh” không tiếp nhận nguồn lợn từ các tỉnh phía Bắc nhằm ngăn chặn dịch xâm nhập. Trong quá trình giết mổ, cán bộ thú y có trách nhiệm kiểm tra toàn bộ thân thịt, đầu lòng, các mạch bạch huyết để phát hiện dấu hiệu bệnh truyền nhiễm, dấu hiệu của tiêm chích trong quá trình nuôi, áp xe… để có biện pháp xử lý nhằm phát hiện tất cả các con lợn có dấu hiệu bệnh tật trước khi đưa vào chợ đầu mối, ông Phát khẳng định.

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, hiện thành phố vẫn đang “giữ vững trận địa,” chưa xuất dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên nguy cơ dịch bệnh này xâm nhập vào thành phố rất lớn.

Thực tế, đã xảy ra tình trạng lợn đưa từ phía Bắc được đưa vào các tỉnh như Tiền Giang, Vĩnh Long, Long An… và quay ngược trở lại thành phố.

Dịch tả lợn châu Phi không lây lan qua người nhưng làm lây lan mầm bệnh vào các điểm nuôi và nguy cơ thiệt hại rất lớn vì gần như 100% lợn mắc bệnh đều chết. Chính vì thế, cần có biện pháp kiểm soát chặt trước khi dịch bệnh xuất hiện.

Thời gian qua, Ban Quản lý An toàn thực phẩm đã liên tục bắt được hàng tấn thịt lợn có biểu hiện lở mồm long móng, tai xanh hoặc ôi thiu, kém chất lượng định trà trộn vào các chợ đầu mối.

Nguy hiểm nhất là tình trạng giết mổ lậu vẫn còn tồn tại trên địa bàn đồng thời vẫn chưa thể kiểm soát được luồng thịt heo tuồn về thành phố theo đường không chính thống.

Để ứng phó với dịch tả heo châu Phi, hiện Thành phố Hồ Chí Minh đã gia tăng các điểm chốt chặn tại các cửa ngõ vào Thành phố./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục