Trung Quốc chỉ trích Nhật Bản ủng hộ Ấn Độ trong vấn đề Doklam

Trung Quốc ngày 18/8 đã yêu cầu Nhật Bản không nên có những bình luận "tùy tiện" về cuộc đối đầu ở biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ, thậm chí cho dù nước này muốn ủng hộ Delhi.
Trung Quốc chỉ trích Nhật Bản ủng hộ Ấn Độ trong vấn đề Doklam ảnh 1(Nguồn: economictimes.indiatimes.com)

Mạng IANS đưa tin, Trung Quốc ngày 18/8 đã yêu cầu Nhật Bản không nên có những bình luận "tùy tiện" về cuộc đối đầu ở biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ, thậm chí cho dù nước này muốn ủng hộ Delhi.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh phát biểu: "Tôi đã thấy Đại sứ Nhật Bản tại Ấn Độ thực sự muốn ủng hộ Ấn Độ. Tôi muốn nhắc nhở ông ấy rằng không nên có những bình luận tùy tiện trước khi làm rõ những sự thật liên quan."

Bà Hoa Xuân Oánh cũng bác bỏ tuyên bố của Đại sứ Nhật Bản Kenji Hiramatsu rằng Doklam là khu vực tranh chấp và không nước nào được thay đổi hiện trạng bằng cách sử dụng vũ lực.

Bà tuyên bố: "Ở khu vực Động Lãng (tên tiếng Trung Quốc của Doklam), không có tranh chấp lãnh thổ. Và đường biên giới đã được hai bên phân định và thừa nhận. Nỗ lực làm thay đổi hiện trạng bằng cách đưa quân qua biên giới là ở phía Ấn Độ chứ không phải Trung Quốc."

[Căng thẳng leo thang, binh sỹ Trung Quốc-Ấn Độ đụng độ tại Kashmir]

Người phát ngôn này một lần nữa yêu cầu Ấn Độ lập tức rút quân khỏi Doklam, cho rằng việc rút quân vô điều kiện sẽ là cơ sở cho bất kỳ cuộc đối thoại có ý nghĩa nào để giải quyết cuộc khủng hoảng khiến cho quan hệ hai nước xuống một mức thấp mới.

Trước đó, Nhật Bản đã bày tỏ ủng hộ Ấn Độ trong vấn đề Doklam khi Đại sứ Hiramatsu cho hay khu vực này là khu vực tranh chấp và Tokyo hiểu tại sao New Delhi lại liên quan tới vấn đề này. Nhật Bản là nước đầu tiên công khai đề cập đến cuộc khủng hoảng nói trên và ủng hộ Ấn Độ.

Trong diễn biến liên quan, hãng ANI News cùng ngày đưa tin, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ thăm Ấn Độ trong tháng Chín để tham dự lễ khởi công tuyến đường sắt cao tốc chạy từ thành phố Mumbai tới Ahmedabad sử dụng công nghệ tàu cao tốc của Nhật Bản.

Trong chuyến thăm, Thủ tướng Abe sẽ có cuộc gặp song phương với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và dự kiến giới thiệu cho nước chủ nhà sử dụng công nghệ tàu Shinkansen trong bối cảnh Trung Quốc cũng đang đặt mục tiêu giành được những hợp đồng từ các dự án đường sắt của Ấn Độ.

Tuyến đường sắt dài 500km nối Mumbai với Ahmedabad nằm ở miền Tây Ấn Độ dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2023. Ấn Độ đã cam kết xây dựng các tuyến đường sắt cao tốc tập trung ở bốn thành phố lớn là Delhi, Mumbai, Kolkata và Chennai./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục