Trung Quốc: Luật chống bán phá giá mới của EU không hợp quy định WTO

Trung Quốc khẳng định luật chống bán phá giá mới của EU trong đó phân biệt đối xử với hàng hóa nhập khẩu dựa trên quan điểm về “sự bóp méo thị trường nghiêm trọng," không phù hợp với quy định của WTO.
Trung Quốc: Luật chống bán phá giá mới của EU không hợp quy định WTO ảnh 1Kho hàng thép cuộn tại nhà máy thép Han ở Handan, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tuyên bố của Bộ Thương mại Trung Quốc (MOC) ngày 16/11 khẳng định luật chống bán phá giá mới của Liên minh châu Âu (EU), trong đó phân biệt đối xử với hàng hóa nhập khẩu dựa trên quan điểm về “sự bóp méo thị trường nghiêm trọng," không phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Theo MOC, khái niệm “sự bóp méo thị trường nghiêm trọng” không tồn tại trong hệ thống quy định của WTO, trong khi đó cũng không hề có sự xuất hiện của cái gọi là “phá giá xã hội và môi trường." Vì vậy, quyết định nói trên của EU là không có cơ sở và sẽ “gây tổn hại nghiêm trọng” hệ thống luật chống bán phá giá của WTO, đồng thời gây ra quan ngại sâu sắc cho nhiều thành viên của tổ chức này.

Nghị viện châu Âu hôm 15/11 đã thông qua luật mới cho phép Liên minh châu Âu (EU) “tự do hơn” về mặt pháp lý trong việc thắt chặt các rào cản thương mại đối với hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc.

[EP thông qua các biện pháp hạn chế hàng nhập khẩu giá rẻ Trung Quốc]

Trong các điều khoản gia nhập WTO của Trung Quốc vào năm 2001 có nội dung quy định các nước thành viên có thể không công nhận Trung Quốc là nền kinh tế thị trường trong 15 năm. Theo đó, EU và các thành viên lớn thuộc WTO có quyền đơn phương thiết lập nhanh các quy định chống bán phá giá khắt khe mà không vi phạm quy định của WTO.

Điều luật mới của EU được đưa ra trong bối cảnh thời hạn 15 năm nói trên đã kết thúc vào cuối năm 2016 và Bắc Kinh đã lên tiếng yêu cầu các nước thành viên WTO công nhận Trung Quốc là nền kinh tế thị trường.

Theo MOC, vấn đề đáng lo ngại nhất của luật mới là sử dụng khái niệm “sự bóp méo thị trường nghiêm trọng” để thay thế cho “phương pháp quốc gia thay thế” trong tính toán biên độ phá giá, đồng thời kêu gọi với vai trò là một thành viên quan trọng của WTO, EU cần phải tôn trọng luật pháp quốc tế.

MOC khẳng định Trung Quốc bảo lưu mọi quyền lợi trong cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO, và sẵn sàng triển khai các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp nước này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục