Trung Quốc ngăn chặn thương vụ sáp nhập do Tencent dẫn dắt

Tencent hiện đang là cổ đông lớn trong Huya và đang nắm giữ 38% cổ phần trong Douyu. Việc sáp nhập Huya với Douyu sẽ trao cho Tencent quyền kiểm soát đa số trong thực thể mới.
Trung Quốc ngăn chặn thương vụ sáp nhập do Tencent dẫn dắt ảnh 1Dịch vụ phát trực tuyến Huya và Douyu. (Ảnh: AP) 

Cơ quan Quản lý Quy định thị trường Trung Quốc (SAMR) ngày 10/7 thông báo ngăn chặn việc sáp nhập hai trang web phát trực tiếp trò chơi điện tử lớn nhất nước theo kế hoạch của “gã khổng lồ công nghệ” Tencent, do những lo ngại về độc quyền.

Chính phủ Trung Quốc đã mạnh tay siết chặt quản lý những “gã khổng lồ công nghệ” sau nhiều năm ngành này tăng trưởng “vũ bão” với quy định lỏng lẻo.

Động thái này của Bắc Kinh diễn ra một phần do lo ngại những ảnh hưởng ngày càng tăng của các công ty công nghệ lớn này và vấn đề bảo mật dữ liệu người tiêu dùng nhạy cảm.

Các nhà phân tích ước tính thương vụ “sáp nhập” hai dịch vụ phát trực tuyến Huya và Douyu, nếu diễn ra theo đúng kế hoạch của Tencent, có thể nâng thị phần trong nước của nền tảng này (sau khi kết hợp) lên 80-90%.

Trong một thông báo trực tuyến, SAMR cho biết nếu Huya và Douyu “sáp nhập,” điều đó sẽ củng cố thêm vị thế thống trị của Tencent trong thị trường phát trực tuyến trò chơi điện tử.

Như vậy sẽ làm hạn chế hoặc loại bỏ sự cạnh tranh, không có lợi cho cạnh tranh công bằng trên thị trường, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh và bền vững của thị trường trò chơi điện tử và phát trực tuyến trò chơi điện tử.

[Trung Quốc phạt tập đoàn Alibaba hơn 2 tỷ USD do hành vi độc quyền]

Tencent hiện đang là cổ đông lớn trong Huya và đang nắm giữ 38% cổ phần trong Douyu. Việc sáp nhập sẽ trao cho Tencent quyền kiểm soát đa số trong thực thể mới.

Cả Huya và Douyu đều đã niêm yết tại Mỹ, với giá trị vốn hóa thị trường lần lượt là 3,57 tỷ USD và 1,77 tỷ USD.

Việc ngăn chặn thương vụ sáp nhập trên diễn ra sau khi các cơ quan quản lý bất ngờ thông báo có một cuộc đánh giá an ninh mạng đối với ứng dụng gọi xe Didi Chuxing sau đợt IPO của Mỹ, huy động được 4,4 tỷ USD.

Trong một diễn biến khác, Cơ quan Quản lý Không gian mạng của Trung Quốc (CAC) ngày 9/7 thông báo sẽ gỡ bỏ 25 ứng dụng di động do Didi Global Inc điều hành khỏi các cửa hàng ứng dụng trong bối cảnh chính phủ tăng cường quản lý dịch vụ gọi xe này.

Trong một tuyên bố, CAC cho biết các ứng dụng được đề cập đã sử dụng dữ liệu do Didi thu thập bất hợp pháp và bao gồm các dữ liệu cho dịch vụ giao hàng, thiết bị camera và dịch vụ tài chính.

Tuần trước, chỉ vài ngày sau khi Didi niêm yết thành công trên sàn chứng khoán New York và huy động được 4,4 tỷ USD, CAC đã ra lệnh cho các cửa hàng ứng dụng gỡ bỏ ứng dụng gọi xe chính của Didi, đồng thời yêu cầu Didi dừng việc đăng ký người dùng mới khi cơ quan này tiến hành một cuộc điều tra, với lý do an ninh quốc gia và lợi ích cộng đồng.

Mức tăng giá cổ phiếu của DiDi chỉ còn khoảng 4% sau thông báo mới nhất hôm 9/7, trong khi trước đó đang “tận hưởng” mức tăng 9%.

Ngoài ra, giá trị thị trường của DiDi cũng bị “bốc hơi” khoảng 21,5 tỷ USD trong ba phiên trong tuần này do lo ngại về những tác động từ việc Trung Quốc tăng cường giám sát các công ty công nghệ trong nước và các công ty niêm yết ở nước ngoài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục