Trung Quốc sử dụng kinh tế làm mồi nhử để "mua" sự ủng hộ như thế nào

Chuyên gia: Trung Quốc sử dụng kinh tế làm mồi nhử để "mua" sự ủng hộ

Trung Quốc đang sử dụng các khoản vay, viện trợ tài chính, dự án cơ sở hạ tầng, thương mại và các biện pháp kinh tế khác như những công cụ chính sách đối ngoại.
Chuyên gia: Trung Quốc sử dụng kinh tế làm mồi nhử để "mua" sự ủng hộ ảnh 1Căng thẳng giữa Trung Quốc và Australia gia tăng trong thời gian gần đây là ví dụ cho thấy Bắc Kinh dùng kinh tế như "đòn trừng phạt" với đối thủ (Nguồn: ABC)

Trung Quốc đang sử dụng các khoản vay, viện trợ tài chính, dự án cơ sở hạ tầng, thương mại và các biện pháp kinh tế khác như những công cụ chính sách đối ngoại. Đây là nhận định của Tiến sỹ Pradhan, nguyên Chủ tịch Ủy ban Tình báo chung, Thư ký Hội đồng an ninh quốc gia của Ấn Độ, đăng trên tờ Times of India. VietnamPlus xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Trung Quốc đã mở rộng tập hợp các công cụ kinh tế không chỉ bao gồm “củ cà rốt,” mà còn có “cây gậy,” sử dụng chúng làm đòn bẩy để củng cố yêu sách ở Biển Đông cũng như tăng cường ảnh hưởng trên toàn cầu; trừng phạt các nước phản đối yêu sách lãnh thổ và các mục tiêu đối ngoại của mình bằng các biện pháp như hạn chế thương mại, khuyến khích người dân tẩy chay và giảm hoạt động du lịch, cũng như giảm viện trợ tài chính.

[Mỹ: Yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông là trái luật]

Trung Quốc đã thử nghiệm việc sử dụng đòn bẩy kinh tế cưỡng ép nhiều hơn bất kỳ nước nào. Việc Trung Quốc sử dụng biện pháp kinh tế để theo đuổi các mục tiêu chính trị, quân sự và ngoại giao là điều rất đáng lo ngại bởi mục tiêu sâu xa của nước này là thiết lập bá quyền trong khu vực.

Các biện pháp đó có thể có tác động dài hạn trong ngăn chặn và định hình lợi ích chính sách đối ngoại của nước khác. Điều này thậm chí còn quan trọng hơn những rủi ro kinh tế về ngắn hạn.

Việc triển khai các đòn bẩy kinh tế cưỡng ép đã được hệ thống hóa sau khi ông Tập Cận Bình nắm quyền.

Trước đây, ông Tập Cận Bình đã nói với cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo rằng các vấn đề chính trị không nhất thiết phải cản trở quan hệ kinh tế song phương, song nước Trung Quốc dưới thời ông cầm quyền lại đang đi ngược lại điều đó.

Trung Quốc trừng phạt Hàn Quốc vì triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) bằng cách cấm các đoàn khách du lịch Trung Quốc tới Hàn Quốc, gây tổn thất lớn cho ngành hàng không, khách sạn và du lịch Hàn Quốc.

Chuỗi siêu thị Lotte Mart của Hàn Quốc cũng buộc phải bán tất cả các cửa hàng tại Trung Quốc.

Do Mỹ đã bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, cho nên Trung Quốc sẽ không tăng cường nhập khẩu hàng hóa của Mỹ như đã cam kết trong thỏa thuận trước đó.

Trung Quốc đáp trả việc Mỹ quyết định bán tên lửa cho Đài Loan bằng cách tuyên bố áp đặt lệnh trừng phạt với Tập đoàn Lockheed Martin, một trong những nhà thầu quan trọng nhất của Mỹ; đồng thời, truyền thông Trung Quốc cũng ám chỉ việc cắt nguồn cung cấp đất hiếm.

Tương tự, Trung Quốc đã trả đũa việc Mỹ cấm Huawei thông qua tuyên bố qua các phương tiện truyền thông nhà nước rằng Apple sẽ bị cấm tại Trung Quốc.

Khi Australia đệ trình công hàm lên Tổng Thư ký Liên hợp quốc bác bỏ các yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông, giữa các thành viên Phái đoàn Trung Quốc, Australia tại Ấn Độ đã tranh cãi gay gắt.

Trung Quốc dự kiến sẽ tăng cường sử dụng các biện pháp kinh tế cưỡng chế mà vốn đang được triển khai kể từ khi Australia ủng hộ cuộc điều tra về nguồn gốc COVID-19.

Các bước đi của Bắc Kinh bao gồm tăng thuế đối với lúa mạch xuất khẩu của Australia, ngừng nhập khẩu thịt bò, đe dọa, ngăn cản công dân Trung Quốc du lịch tới Australia. Những ví dụ kể trên đã giải thích cách Trung Quốc sử dụng nền kinh tế như một công cụ nhà nước.

Trung Quốc đang lạm dụng sức mạnh kinh tế trong Sáng kiến Vành đai Con đường (BRI).

Trong khi BRI nhằm phục vụ lợi ích của các công ty quốc doanh Trung Quốc thông qua việc đưa vào điều khoản hợp đồng là thuê công ty, công nghệ, thiết bị Trung Quốc, sáng kiến này cũng được sử dụng để chuyển nợ thành vốn chủ sở hữu, đặc biệt là tại các nước kém phát triển hơn.

Trung Quốc ngày càng phụ thuộc vào biện pháp kinh tế để răn đe, trừng phạt về hoặc lôi kéo các nước tham gia tranh chấp ở Biển Đông ủng hộ hoặc ngừng phản đối yêu sách của mình.

Việc Trung Quốc sử dụng các biện pháp cưỡng ép hoặc viện trợ tài chính để đảm bảo các nước ASEAN không có lập trường thống nhất chống lại lợi ích của Trung Quốc là khá phổ biến. Trung Quốc cũng không cho phép các nước ven biển có quan hệ đối tác thăm dò với bất kỳ cường quốc nào khác.

Trong tranh chấp năm 2012 với Philippines liên quan hoạt động của ngư dân Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough, Bắc Kinh đã áp đặt các biện pháp thắt chặt hàng nông sản nhập khẩu từ Philippines, đặc biệt là chuối.

Xét tầm quan trọng của chuối và việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản khác đối với nền kinh tế Philippines, Trung Quốc đã nhanh chóng thuyết phục Manila nhanh chóng giải quyết tranh chấp.

Tiếp theo, khi Philippines thắng Trung Quốc trong vụ kiện Tòa PCA, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã được đề nghị một thỏa thuận trị giá 13,5 tỷ USD.

Philippines dưới thời Tổng thống Duterte đã không theo đuổi vụ kiện. Sau đó, Trung Quốc cam kết đầu tư vào Philippines thông qua BRI và hợp tác để “thăm dò chung” các vùng biển tranh chấp tại Biển Đông, thúc đẩy Philippines chấm dứt Thoả thuận các lực lượng thăm viếng Mỹ-Philippines (VFA).

Việc chấm dứt thỏa thuận này đã bị đình chỉ hồi tháng 6 do Trung Quốc tiếp tục các hành động quấy rối.

Trung Quốc cũng cảnh báo Philippines rằng không được thực hiện các hoạt động thăm dò mà không có Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế trước đây.

Tuyên bố của ông Duterte vào tháng 7 vừa qua rằng ông không đủ khả năng gây chiến với Trung Quốc nhằm khẳng định chủ quyền của Philippines ở Biển Đông đã phản ánh mức độ cưỡng chế của Trung Quốc.

Các khoản nợ của Campuchia với Trung Quốc đã lên tới 25% GDP, do đó Campuchia vẫn phải chịu ảnh hưởng của Trung Quốc.

Năm 2012, do tác động của Trung Quốc, ASEAN trong nhiệm kỳ Chủ tịch của Campuchia lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm không thể đưa ra thông cáo chung. Thỏa thuận quân sự bí mật giữa Campuchia và Trung Quốc tại căn cứ hải quân Ream là một dấu hiệu khác cho thấy Phnom Penh đang ngả về Bắc Kinh.

Malaysia dưới thời cựu Thủ tướng Najib Razak đã ký kết với Trung Quốc nhiều thỏa thuận bất lợi cho nước này và dần nghiêng về phía Trung Quốc.

Vị trí trung tâm của Malaysia ở Đông Nam Á, ở các tuyến đường thương mại trên biển và trên bộ Đông-Tây cùng mức thu nhập trung bình đã khiến Malaysia đóng vai trò then chốt trong BRI của Trung Quốc.

Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi khi Thủ tướng Malaysia tiếp theo cho biết ông không có ý định thực hiện các thỏa thuận trên.

Trong bối cảnh những bất ổn chính trị tiếp diễn trong nước, Malaysia đã tiếp cận Liên hợp quốc nhằm thúc đẩy việc thực hiện Phán quyết của Tòa PCA sau khi tàu khảo sát Haiyang Dizhi 8 của Trung Quốc cùng lực lượng cảnh sát biển và tàu dân quân hộ tống xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia.

Việt Nam là đối tượng thường xuyên ở trong tầm ngắm bởi Việt Nam là nước phản đối các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc mạnh mẽ nhất.

Trung Quốc đã dùng các biện pháp cưỡng chế tàu thăm dò của Việt Nam (bao gồm việc cắt cáp) để gây sức ép. Repsol của Tây Ban Nha và Mubadala của UAE cũng phải hủy bỏ kế hoạch khoan thăm dò do bị Trung Quốc cản trở.

Trung Quốc cũng phản đối các hoạt động khoan thăm dò của Ấn Độ trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Vào tháng 7 vừa qua, tàu khảo sát Haiyang Dizhi 8 của Trung Quốc đã đi vào vùng biển tại Bãi Tư Chính do Việt Nam kiểm soát.

Bên cạnh đó, việc kiểm soát các dòng sông cũng được Trung Quốc sử dụng một cách tinh vi để củng cố yêu sách tại Biển Đông. Trung Quốc đã xây dựng một số đập và đê trên sông Mekong.

Năm ngoái, Trung Quốc đã ngăn dòng chảy của sông Mekong để trừng phạt Việt Nam và Thái Lan vì phản đối những lợi ích của Trung Quốc.

Thái Lan đã phải chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất trong vòng 40 năm. Sản lượng đường của Thái Lan chạm mức thấp nhất trong thập kỷ. Những cánh đồng lúa của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng do thiếu nước sông.

Trung Quốc cũng đang sử dụng viện trợ y tế và các hoạt động gây ảnh hưởng nhằm thay đổi nhận thức của các nước khác về yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh. Việc tuyên truyền giờ đây nhằm vào những đối tượng chưa biết đến các tranh chấp tại Biển Đông như những nhà khoa học và các nước tại châu Phi và Mỹ Latinh.

Trung Quốc đang tăng cường sử dụng các biện pháp kinh tế cưỡng ép để buộc các nước khác, đặc biệt là các nước trong khu vực Biển Đông ủng hộ lập trường của mình.

Mặc dù trước đó Trung Quốc đã thành công trong việc chia rẽ ASEAN, song giờ đây tình hình sẽ khó khăn hơn bởi các nước này đều có thể nhìn thấy âm mưu của Trung Quốc.

BRI đang trở nên mất thiện cảm. Các khoản vay của Trung Quốc là những bẫy nợ và nếu một nước sẵn sàng hy sinh nền độc lập thì mới tham gia BRI.

Những nỗ lực của Trung Quốc nhằm kiểm soát mọi hoạt động khoan dò tại Biển Đông cũng ngày càng bị phản đối. Yêu sách của Trung Quốc đối với khu vực trong đường chín đoạn là bất hợp pháp.

Một số nước đã tiếp cận Hội đồng Bảo an để thúc đẩy việc thực thi Phán quyết của Tòa PCA. Hơn nữa, những hành vi cưỡng bức kinh tế của Trung Quốc không thể được thực hiện mà không đem lại tổn thất cho chính nước này.

Có thể thấy điều đó từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Hy vọng rằng Trung Quốc đã học được một bài học và sẽ chấm dứt cách tiếp cận thao túng không chỉ đang gây tổn hại cho nước khác, mà còn ảnh hưởng đến lợi ích của chính Trung Quốc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục