Truyền thông góp phần thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước

Theo Thứ trưởng Trần Thị Hà, các cơ quan thông tấn, báo chí, đặc biệt là Thông tấn xã Việt Nam đã góp phần tích cực tuyên truyền về các tấm gương điển hình, tích cực tham gia phong trào thi đua.
Truyền thông góp phần thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước ảnh 1Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà. (Ảnh: Phạm Minh Tuấn/TTXVN)

Cách đây 70 năm, giữa thời kỳ gian khổ, ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra sáng kiến tổ chức phong trào thi đua ái quốc, kêu gọi toàn dân tộc tích cực thi đua. Đến nay, tư tưởng "thi đua là yêu nước" của Người vẫn còn nguyên giá trị, phong trào thi đua yêu nước đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Nhân dịp cả nước hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với bà Trần Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương về những hành động cụ thể để đưa phong trào thi đua yêu nước tiếp tục phát huy hiệu quả, lan tỏa sâu rộng hơn trong các tầng lớp nhân dân.

- Chỉ còn ít ngày nữa sẽ diễn ra Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (1948-2018). Xin bà cho biết ý nghĩa, tác động tích cực của Phong trào thi đua yêu nước trong thời gian qua?

- Thứ trưởng Bộ Nội vụ,Trưởng Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà: Cách đây 70 năm, vào ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc. Hưởng ứng lời kêu gọi của Người, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đoàn kết một lòng, đem hết sức mình tham gia kháng chiến và kiến quốc thành công. Cũng từ đó, phong trào thi đua đã phát triển ngày càng mạnh mẽ, sâu rộng qua các thời kỳ, trong các tầng lớp nhân dân, các lực lượng vũ trang, với nhiều nội dung, hình thức sinh động, phong phú.

[Photo] Triển lãm hơn 100 bức ảnh "70 năm thi đua yêu nước"

Từ những phong trào “Ba sẵn sàng,” “Ba đảm đang” trong thanh niên, phụ nữ... từ những năm đầu hưởng ứng Lời kêu gọi thi đua ái quốc, đến nay nhân dân cả nước đang ra sức thực hiện nhiều phong trào thi đua yêu nước như: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới,” “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa,” “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc,” “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” (trong công nhân), “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu” (trong cán bộ, công chức), “Thi đua dạy tốt, học tốt” (trong giáo dục), “Công an nhân dân học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy”...

Qua 9 kỳ Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc, hàng vạn tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước đã được tôn vinh, trao tặng các phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương.

Năm 2018, là năm cả nước tổ chức nhiều hoạt động tiến tới kỷ niệm 70 Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc. Đây là dịp để toàn Đảng, toàn dân ôn lại truyền thống 70 năm xây dựng, phát triển phong trào này. Có thể nói rằng, 70 năm qua, các phong trào thi đua yêu nước với nhiều tên gọi khác nhau nhưng vẫn làm nổi bật tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua. Các phong trào thi đua đã góp phần động viên toàn thể hệ thống chính trị tham gia vào xây dựng, bảo vệ đất nước, giúp nhân dân Việt Nam giành chiến thắng trong 2 cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước ngày càng phát triển, có vị thế trên trường quốc tế.

- Bên cạnh những mặt tích cực, hiện nay phong trào thi đua yêu nước có gặp phải những khó khăn, thách thức nào không, thưa bà?

- Thứ trưởng Bộ Nội vụ,Trưởng Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà: Những năm gần đây, trước những chuyển biến về kinh tế, chính trị, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, cách mạng công nghiệp 4.0, rất nhiều phong trào, hoạt động phải đối mặt với thách thức mới, trong đó có phong trào thi đua yêu nước. Tuy nhiên, càng khó khăn lại càng phải thi đua.

Để vượt qua khó khăn, thách thức, các phong trào thi đua cần tiếp tục đổi mới, đa dạng cả về nội dung, hình thức; bám sát việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của đất nước, phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương, có nhiều đổi mới về hình thức, bên cạnh các phong trào thi đua truyền thống cũng cần có các phong trào thi đua phù hợp với hội nhập quốc tế. Đặc biệt trong thi đua cần đề cao sáng kiến, sáng tạo, đổi mới để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

- Vậy thời gian tới, các phong trào thi đua sẽ được đổi mới như thế nào và tập trung vào các hoạt động cụ thể nào, thưa bà?

- Thứ trưởng Bộ Nội vụ,Trưởng Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà: Ngày 1/6 tới đây, Lễ kỷ niệm 70 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc sẽ diễn ra trang trọng nhằm ôn lại truyền thống, đặc biệt hướng tới việc đổi mới tổ chức để các phong trào thi đua trở nên thiết thực, hiệu quả hơn. Các phong trào sẽ bám sát, đi sâu vào những công việc, nhiệm vụ cấp bách, đặc biệt là đẩy mạnh các phong trào thi đua trọng tâm mà Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương, Thủ tướng Chính phủ đã phát động như: “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới," “Chung tay vì người nghèo," “Doanh nghiệp hội nhập và phát triển”...

Cùng với mục tiêu bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, các phong trào thi đua cũng bám sát hoạt động, nhiệm vụ từng bộ ngành, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế, xã hội mà Đại hội XII của Đảng đã đề ra.

Một trọng tâm mà các phong trào thi đua yêu nước hướng đến trong thời gian tới là tiếp tục tuyên truyền nhân rộng các tấm gương điển hình ở cả 4 khâu (phát hiện-bồi dưỡng-tổng kết-nhân rộng điển hình tiên tiến), trên tất cả các lĩnh vực, vùng miền, đặc biệt là những người trực tiếp lao động, sản xuất ở vùng sâu, vùng xa, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở khu vực hải đảo, biên giới của Tổ quốc để phong trào càng ngày càng lan tỏa góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới đất nước.

Thêm vào đó, phong trào thi đua thời gian tới phải bám sát quá trình hội nhập, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để vươn xa, đổi mới, theo kịp với công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế của đất nước.

- Với tư cách là Trưởng Ban Thi đưa khen thưởng Trung ương, bà có nhận xét và đánh giá như thế nào về vai trò của các cơ quan truyền thông, báo chí, trong đó có Thông tấn xã Việt Nam trong phong trào thi đua yêu nước? Đặc biệt là về sáng kiến tổ chức Triển lãm “70 năm thi đua yêu nước” của Thông tấn xã Việt Nam vừa khai mạc sáng 28/5?

- Thứ trưởng Bộ Nội vụ,Trưởng Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà: Những năm qua, trong các phong trào thi đua, công tác tuyên truyền luôn được đề cao. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là một “tấm gương sống” cho chủ trương này với việc Người là tác giả của hơn 100 bài viết tuyên truyền đăng, phát trên nhiều phương tiện truyền thông.

Truyền thông góp phần thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước ảnh 2Khai mạc triển lãm ảnh '70 năm thi đua yêu nước.' (Nguồn: TTXVN)

Các cơ quan thông tấn, báo chí, đặc biệt là Thông tấn xã Việt Nam đã góp phần tích cực tuyên truyền về các tấm gương điển hình, tích cực tham gia phong trào thi đua, có nhiều sáng kiến, sáng tạo, tạo ra nhiều sản phẩm, nâng cao năng suất lao động, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển đất nước. Việc tuyên truyền các tấm gương thi đua ái quốc đã được các cơ quan truyền thông trú trọng, gắn với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, các cơ quan truyền thông đã tăng cường tuyên truyền, phối hợp với các cơ quan chuyên trách về thi đua khen thưởng các cấp để kịp thời giới thiệu, làm lan tỏa sâu rộng những việc làm tốt, mô hình hay trong cuộc sống, để cộng đồng người dân học tập, noi theo.

Với vị trí quan trọng của mình, các cơ quan truyền thông cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, đưa tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với đông đảo quần chúng nhân dân cùng với các chủ trương, đường lối, chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác thi đua. Cơ quan báo chí truyền thông cũng cần thông tin rộng rãi phong trào thi đua yêu nước mà các bộ, ngành, địa phương đang thực hiện, trong đó chú trọng nêu gương kịp thời các điển hình tiên tiến trong các phong trào để khơi dậy truyền thống, tạo không khí thi đua sôi nổi từ cơ sở, trong các cấp, các ngành.

Việc tổ chức Triển lãm “70 năm thi đua yêu nước” đã góp phần thực hiện tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những tấm hình được trưng bày trong triển lãm đều là những hình ảnh quý, là nguồn động lực, động viên, tôn vinh, cổ vũ các tấm gương điển hình trong suốt 9 kỳ Đại hội Thi đua yêu nước. Họ là những người anh hùng trong lao động, anh hùng trong lực lượng vũ trang, các chiến sỹ thi đua toàn quốc, điển hình tiêu biểu của các vùng miền, lĩnh vực góp phần xây dựng, phát triển đất nước trong 70 năm qua.

Những tấm gương xuất hiện trong triển lãm đều rất thuyết phục, là nguồn động viên lớn cho các phong trào thi đua tiếp theo lan tỏa, làm xuất hiện nhiều nữa những tấm gương tiêu biểu trong thời gian tới. Đặc biệt, triển lãm diễn ra từ ngày 28/5-3/6 tại Hà Nội chắc chắn có thu hút nhiều người dân tới xem, cổ vũ các tấm gương thi đua ái quốc đã được Thông tấn xã Việt Nam lưu lại bằng hình ảnh.

- Trân trọng cám ơn bà./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục