UNCTAD: Mỹ Latinh nằm trong số các nền kinh tế suy thoái mạnh nhất

Mỹ Latinh và Caribe sẽ trải qua một trong những đợt suy thoái mạnh nhất và chỉ tăng trưởng 2,6% trong năm nay, so với mức phục hồi 6,6% trong năm 2021.
UNCTAD: Mỹ Latinh nằm trong số các nền kinh tế suy thoái mạnh nhất ảnh 1Người dân mua sắm tại một chợ ở Mexico City, Mexico. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) ngày 3/10 cảnh báo trong năm nay và năm tới, các nền kinh tế Mỹ Latinh và Caribe sẽ hứng chịu đợt suy thoái tồi tệ nhất trong số các khu vực có những nước đang phát triển.

Cơ quan này đã đưa ra một trong những tài liệu toàn diện nhất từ trước đến nay về những yếu tố đan xen trong những năm qua - gồm đại dịch COVID-19, sự gián đoạn chuỗi cung ứng, chiến sự ở Ukraine và lạm phát, những yếu tố tạo tiền đề cho đợt suy thoái sâu sắp tới.

Trong số tất cả các khu vực, Mỹ Latinh và Caribe sẽ trải qua một trong những đợt suy thoái mạnh nhất và chỉ tăng trưởng 2,6% trong năm nay, so với mức phục hồi 6,6% trong năm 2021. Tình hình còn tồi tệ hơn trong năm tới, với dự báo tăng trưởng chỉ đạt 1,1%.

[Lạm phát và rủi ro chính trị sẽ làm suy yếu tăng trưởng của Mỹ Latinh]

Bức tranh toàn cảnh Mỹ Latinh sẽ đi theo mô hình tăng trưởng của 3 nền kinh tế lớn nhất khu vực. Brazil và Mexico có dự báo bi quan nhất với mức tăng trưởng chỉ 1,8% trong năm nay và 0,6% trong năm tới. Argentina được dự báo tăng trưởng 4,1% trong năm 2022, song kỳ vọng cho cả ba nền kinh tế đều giảm một nửa so với năm 2021.

Tăng trưởng của Trung Mỹ và Caribe có thể giảm từ 7,8% trong năm 2021 xuống còn 4,1% trong năm nay, trong khi Nam Mỹ (trừ Brazil và Argentina) sẽ suy thoái mạnh hơn, từ 9,1% xuống còn 3,1%.

Người đứng đầu UNCTAD, bà Rebeca Grynspan, nhấn mạnh nhiều quốc gia trong khu vực đang chịu áp lực ngày càng gia tăng từ các khoản nợ nước ngoài và chi phí sinh hoạt leo thang.

Gánh nặng nợ nước ngoài là một trong những yếu tố khiến UNCTAD quan ngại lớn nhất, trong bối cảnh nhiều quốc gia (đặc biệt là ở tiểu vùng Caribe) đang đứng trước bờ vực vỡ nợ và nhiều nước khác cũng có nguy cơ đặc biệt cao.

Các nhà phân tích kết luận rằng việc Mỹ Latinh thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa có thể giúp kiềm chế lạm phát và biến động tỷ giá hối đoái so với đồng USD, song đồng thời sẽ làm suy yếu thêm nhu cầu trong nước, dẫn đến suy thoái và bất ổn xã hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục