UNDP đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam về Mục tiêu phát triển bền vững

Theo đại diện UNDP, từ trước đại dịch, Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình và đây là minh chứng cho tiến bộ cũng như nỗ lực của Việt Nam trong thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững.
UNDP đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam về Mục tiêu phát triển bền vững ảnh 1Quyền Trưởng đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam Terence D. Jones trả lời phỏng vấn TTXVN.

Việt Nam thuộc nhóm đầu trong 3 nhóm quốc gia trên thế giới có tiến bộ nhanh nhất trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), ông Terence D. Jones, quyền Trưởng đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam khẳng định.

Tại hội thảo công bố Báo cáo Quốc gia năm 2020 “Tiến độ 5 năm thực hiện SDG” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 21/10 tại Hà Nội, ông Jones nhấn mạnh, Việt Nam là một trong những quốc gia có tiến độ thực hiện tốt nhất các tiêu chí mục tiêu toàn cầu ở châu Á.

Theo đại diện UNDP, từ trước đại dịch COVID-19, Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình và đây là minh chứng cho những tiến bộ cũng như nỗ lực của Việt Nam trong thực hiện SDG.

Ông Jones bày tỏ “là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam đang làm tốt hơn mong đợi. Đây là kết quả rất đáng khích lệ.”

Theo ông Jones, Báo cáo Quốc gia năm 2020 về SDG cho thấy, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc thực hiện các mục tiêu trong thời gian qua và đến năm 2030, có khả năng sẽ đạt được 5 trong số 17 mục tiêu, bao gồm: Mục tiêu 1 về xóa nghèo, Mục tiêu 2 về xóa đói, Mục tiêu 4 về giáo dục có chất lượng, Mục tiêu 13 về các hành động bảo vệ khí hậu và Mục tiêu 17 về quan hệ đối tác toàn cầu.

Quyền Trưởng đại diện UNDP cũng nhận định, dù đã có tiến độ rõ rệt ở một số mục tiêu, nhưng Việt Nam cũng gặp khó khăn ở một số tiêu chí, tuy nhiên nhiều quốc gia cũng đang gặp phải những khó khăn tương tự.

Chính phủ Việt Nam đang theo dõi sát sao tiến độ hoàn thành SDG để điều chỉnh chính sách và hướng đầu tư nhằm cải thiện những mục tiêu đang thực hiện chưa hiệu quả như báo cáo đã đề cập, theo đại diện UNDP.

[Việt Nam cần "nỗ lực gấp bội" để đạt SDGs vào năm 2030]

Ông Jones cho rằng mặc dù vẫn còn thách thức, nhưng việc Chính phủ Việt Nam đã tích hợp các mục tiêu SDG vào các Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội trong 5 và 10 năm tới là một tín hiệu tích cực, đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng Việt Nam sẽ cải thiện hơn nữa tiến độ thực hiện SDG trong tương lai.

Việt Nam đã quốc gia hóa Chương trình Nghị sự 2030 của toàn cầu thành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 với 17 mục tiêu phát triển bền vững và 115 mục tiêu cụ thể phù hợp với điều kiện và ưu tiên phát triển của quốc gia.

Quyền Trưởng đại diện UNDP nhấn mạnh, bên cạnh đề ra mục tiêu phát triển ở tầm quốc gia, Chính phủ Việt Nam còn đề ra kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện SDG xuống từng địa phương.

Đề cập tới những khuyến nghị dành cho Việt Nam để đẩy nhanh tiến độ thực hiện SDG trong thập kỷ hành động này, ông Jones cho rằng điều đầu tiên Việt Nam cần quan tâm là xây dựng dữ liệu vì dữ liệu đóng vai trò quan trọng trong việc đo lường sự cải thiện, cho phép Việt Nam tiếp nhận phản hồi về những hạn chế còn tồn tại.

UNDP đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam về Mục tiêu phát triển bền vững ảnh 2Quyền Trưởng đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam Terence D. Jones trả lời phỏng vấn TTXVN.

Ông đề xuất Việt Nam nên tận dụng tối đa các nguồn lực sẵn có, đồng thời cho biết UNDP đang hợp tác với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhằm sử dụng hiệu quả hơn các nguồn tài chính bao gồm từ ngân sách nhà nước cũng như từ khu vực tư nhân và nguồn lực khác trong xã hội.

Việt Nam cũng cần huy động nhiều hơn nữa sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế để thu hút đầu tư cho những mục tiêu mà Việt Nam đang nỗ lực để đạt được. Ông cũng kêu gọi Chính phủ Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa chiến lược phát triển chính phủ điện tử và khuyến khích sự tham gia, đóng góp của các tổ chức xã hội cũng như khu vực tư nhân.

Theo Báo cáo Quốc gia năm 2020, thứ hạng của Việt Nam về kết quả thực hiện SDG liên tục tăng trong giai đoạn 2016-2020. Năm 2020, Việt Nam được đánh giá đứng thứ 49/166 nước về chỉ số SDG, tăng 5 bậc so với bảng xếp hạng năm 2019.

Việt Nam là quốc gia cam kết mạnh mẽ trong thực hiện SDG thông qua việc ban hành Định hướng Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam năm 2004, Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và gần đây nhất là Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Mục tiêu phát triển bền vững kêu gọi hành động toàn cầu nhằm xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường và bảo vệ khí hậu Trái Đất, đảm bảo mọi người ở khắp mọi nơi đều có thể tận hưởng hòa bình và thịnh vượng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục