Vì sao lãi suất huy động đột ngột tăng mạnh thời điểm hiện nay?

Các chuyên gia cho rằng, lý do khiến một số ngân hàng đang thực hiện tăng lãi suất nhất là ở kỳ hạn trung, dài hạn có thể ngân hàng chuẩn bị nguồn vốn phục vụ cho các doanh nghiệp.
Vì sao lãi suất huy động đột ngột tăng mạnh thời điểm hiện nay? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Thường thì gần cuối năm các ngân hàng mới tăng lãi suất để hút dòng tiền nhằm phục vụ sản xuất kinh doanh, tuy nhiên khác với mọi năm, năm nay còn gần 5 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng đã có nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động với các kỳ hạn từ 3 tháng trở lên với mức tăng từ 0,1%-1,4%/năm.

"Ông lớn" cũng nhập cuộc

Sau khi một loạt các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân thông báo tăng lãi suất huy động thì ngày 5/9 "ông lớn" BIDV đã có thông báo cộng thêm lãi suất từ 0,1 đến 0,2%/năm cho người gửi tiền ở một số kỳ hạn khi gửi online. Trước đó, ngân hàng này cũng đã tăng lãi suất thêm 0,2% đối với nhiều kỳ hạn ngắn.

[Giảm lãi suất cho vay trong năm 2018 là một nhiệm vụ trọng tâm]

Ngay sau đó, hai "ông lớn" trong khối ngân hàng thương mại có vốn chi phối của Nhà nước là VietinBank và Agribank cũng đã có động thái tăng lãi suất huy động ở một số kỳ hạn.

Cụ thể, trên biểu lãi suất huy động của VietinBank ngày 5/9, kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng tăng thêm 0,2% lên 4,3%/năm. Kỳ hạn từ 4 tháng đến dưới 6 tháng cũng tăng thêm 0,2% lên 4,8%.

Tương tự, kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 9 tháng được ngân hàng này tăng 0,2% lên 5,3%; các kỳ hạn dài không có thay đổi so với mức khảo sát cuối tháng 7.

Bên cạnh VietinBank, Agribank cũng đã tăng lãi suất thêm 0,1-0,2% ở nhiều kỳ hạn. Trong đó, kỳ hạn 1 tháng tăng thêm 0,2%/năm lên 4,3%/năm; kỳ hạn 12 tháng tăng 0,2%/năm lên 6,8%/năm; kỳ hạn 24 tháng tăng thêm 0,1%/năm lên 6,8%/năm.

Như vậy, 3 "ông lớn" có lượng tiền gửi lớn nhất hệ thống ngân hàng đều đã tăng lãi suất, nhập cuộc cùng với các ngân hàng tư nhân để hút tiền gửi. Mức lãi suất ở các ngân hàng lớn này hiện khá cạnh tranh với những ngân hàng tư nhân khác, thậm chí còn có thể cao hơn ở một vài kỳ hạn.

Trước đó, hàng loạt ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất tiết kiệm lên 0,1-1,4%/năm ở nhiều kỳ hạn theo hướng tiền gửi càng nhiều, kỳ hạn càng dài, lãi suất càng cao. Mở đầu đợt tăng này là Ngân hàng Bản Việt với mức tăng lãi suất mạnh nhất áp dụng cho khoản tiền gửi kỳ hạn trên 24 tháng từ 7,2% lên tới 8,6%/năm. Ðây cũng là mức lãi suất tiền gửi ngân hàng dài hạn cao trên thị trường hiện nay.

Còn các ngân hàng khác như Techcombank, SHB, TPBank, SeABank, Nam Á Bank, VIB... cũng đẩy mức lãi suất tiền gửi lên cao. Trong đó có ngân hàng tăng lãi suất từ 0,2%-0,5%/năm đối với vay trung và dài hạn.

Ðiều này cũng đã được phản ánh ở thị trường liên ngân hàng trong những ngày gần đây, lãi suất cũng được đẩy lên khá cao. Theo thống kê của Công ty chứng khoán MBS, từ ngày 15-30/8, lãi suất liên ngân hàng tiếp tục tăng mạnh từ 1,26%; 1,12%; 1,02%; 0,76%/năm lên mức 4,27%; 4,37%; 4,4% và 4,47%/năm đối với kỳ hạn qua đêm, 1 tuần, 2 tuần và 1 tháng. Ðây là mức lãi suất cao nhất kể từ cuối năm 2016 cho đến nay.

Các chuyên gia của MBS phân tích, lãi suất liên ngân hàng tăng đến từ động thái "hút" tiền bớt ra khỏi hệ thống của Ngân hàng Nhà nước. Ði kèm là xu hướng dòng tiền chảy vào ngân hàng trên thị trường tổ chức kinh tế và dân cư cũng giảm bớt.

Cũng đồng tình với quan điểm trên, các chuyên gia của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), việc lãi suất liên ngân hàng neo ở mức cao trong nhiều tuần liên tục phản ánh sự eo hẹp trong thanh khoản của toàn hệ thống ngân hàng nói chung.

Vì sao lãi suất huy động đột ngột tăng mạnh thời điểm hiện nay? ảnh 2Giao dịch tại HDBank. (Nguồn: HDBank)

Có phải do thanh khoản?

Câu hỏi đặt ra là điều gì đã khiến thanh khoản hệ thống trong 2 tháng gần đây trái ngược hoàn toàn với sự dư thừa trong 6 tháng đầu năm? Điều gì khiến các ngân hàng thương mại phải tăng lãi suất huy động?

Theo thống kê của BVSC, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng tổng cộng 23.687 tỷ đồng thông qua nghiệp vụ thị trưởng mở OMO (435 tỷ đồng) và tín phiếu (23.252 tỷ đồng). Cùng với đó, hoạt động bơm tiền đồng mua ngoại tệ cũng đã không được thực hiện kể từ đầu quý 3. Thậm chí, với sự căng thẳng của tỷ giá USD/VND, ước tính Ngân hàng Nhà nước cũng đã phải bán ra trên 2 tỷ USD, đồng nghĩa hút thêm 46.000 tỷ đồng về. Diễn biến này là hoàn toàn đối lập với việc bơm 250.000 tỷ đồng để mua vào ngoại tệ trong hai quý đầu năm.

Các chuyên gia của BVSC cho rằng, những động thái trên cho thấy Ngân hàng Nhà nước đang chủ động rút bớt thanh khoản ra khỏi hệ thống ngân hàng. Ðiều này nhằm hai mục đích. Thứ nhất, là thực thi chính sách tiền tệ theo hướng chặt chẽ hơn nhằm đối phó với nguy cơ lạm phát tăng mạnh. Thứ hai, là giảm áp lực lên tỷ giá USD/VND. Khi cung không còn quá dư thừa, tiền đồng sẽ lên giá trở lại so với USD. Ngoài ra, lãi suất cho vay liên ngân hàng neo ở mức cao (trên 4%) khiến chi phí vay tiền đồng tăng, qua đó giúp giảm bớt hiện tượng đầu cơ USD trong hệ thống ngân hàng.

Bên cạnh đó, một số chuyên gia cho biết, lý do khiến một số ngân hàng đang thực hiện tăng lãi suất nhất là ở kỳ hạn trung, dài hạn có thể ngân hàng chuẩn bị nguồn vốn phục vụ cho các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh vào các tháng cuối năm, cũng như các dịp lễ tết. Năm nào cũng vậy đây là thời điểm nhu cầu sử dụng vốn của doanh nghiệp tăng cao. Tuy nhiên các chuyên gia cũng thừa nhận, hiện tượng tăng lãi suất huy động năm nay sớm hơn các năm trước.

Lý do nữa là các ngân hàng muốn chuẩn bị dư dả nguồn vốn trung dài hạn trước khi thực hiện yêu cầu của Thông tư 06 từ ngày 1/1/2019 các ngân hàng chỉ được phép sử dụng 40% vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn thay vì 45% như hiện nay.

Có chung quan điểm trên, nhưng Tổng giám đốc OCB Nguyễn Ðình Tùng cho rằng, lãi suất tăng chỉ là cục bộ vài ngân hàng. Bởi hiện tại phần lớn các ngân hàng đang trong trạng thái dư thanh khoản.

Ông Tùng phân tích, trước yêu cầu kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước thì đầu ra tín dụng của các ngân hàng từ giờ đến cuối năm không quá lớn nhất là những ngân hàng đã sử dụng gần hết room tín dụng thì nhu cầu huy động vốn sẽ không quá lớn. Chưa kể, tín dụng những năm gần đây đã dàn đều qua các tháng chứ không dồn cục vào những tháng cuối năm như trước đây nữa.

Cũng có ý kiến lo ngại liệu lãi suất huy động tăng thì lãi suất cho vay có tăng lên hay không, điều này được ông Tùng chỉ ra hiện chưa có áp lực tăng lãi suất cho vay, bởi thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang khá tốt.

Tuy nhiên, ông Tùng cho rằng, muốn giảm lãi suất trong bối cảnh hiện nay là rất khó. Hiện tại ngân hàng cố gắng duy trì sự ổn định mặt bằng lãi suất huy động và cho vay như hiện nay để phù hợp với các diễn biến vĩ mô của nền kinh tế và đảm bảo hoạt động của hệ thống ngân hàng, ông Tùng thông tin thêm./.

Đẩy mạnh tín dụng cuối năm cho doanh nghiệp nhỏ và hộ kinh doanh. (Nguồn: Vnews)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục