Giảm lãi suất cho vay trong năm 2018 là một nhiệm vụ trọng tâm

Thống đốc đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục rà soát và cân đối khả năng tài chính để áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý, trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay.
Giảm lãi suất cho vay trong năm 2018 là một nhiệm vụ trọng tâm ảnh 1Giao dịch tại Vietcombank. (Nguồn: Vietcombank)

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc phấn đấu giảm lãi suất cho vay trong năm 2018 được Ngân hàng Nhà nước xem là một nhiệm vụ trọng tâm. Chính vì vậy, ngày 27/2, Ngân hàng nhà nước phát đi thông điệp cho biết đã yêu cầu các nhà băng vào cuộc, phấn đấu giảm lãi suất cho vay trong năm nay.

Nhiều yếu tố thuận lợi

Kết thúc năm 2017, hàng loạt ngân hàng công bố lãi nghìn tỷ đồng đã khiến nhiều người kỳ vọng về việc lãi suất sẽ giảm thêm trong năm 2018.

Dẫn đầu lợi nhuận trong năm 2017 là với lợi nhuận trước thuế đạt tới trên 11.000 tỷ đồng, tăng 32,9% so với năm trước. Đứng sau VietinBank với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 9.200 tỷ đồng, BIDV cũng đạt con số kỷ lục, lên tới 8.800 tỷ đồng.

[Thống đốc yêu cầu các ngân hàng cắt giảm chi phí để hạ lãi suất]

Ở nhóm ngân hàng cổ phần, năm nay, nhiều ngân hàng cũng đạt mức lợi nhuận trước thuế cũng tăng khủng, trên 40%. VPBank báo lợi nhuận trước thuế năm 2017 đạt 8.126 tỷ đồng, VPBank cũng cho biết, trong năm 2017, ngân hàng đã hoàn tất thu nợ được gần 3.000 tỷ đồng, trong đó có gần 1.100 tỷ đồng từ các khoản nợ đã xử lý rủi ro ngoại bảng.

Tiếp sau đó là Techcombank thu về khoản lợi nhuận trước thuế chưa kiểm toán lên tới 8.036 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2016 và vượt 60% so với kế hoạch đặt ra trước đó. Đây là năm đầu tiên Techcombank đạt được con số lợi nhuận "khủng" như trên.

Giảm lãi suất cho vay trong năm 2018 là một nhiệm vụ trọng tâm ảnh 2Lợi nhuận trước thuế năm 2017 của các ngân hàng. (Đơn vị: Tỷ đồng)

Ông Ngô Hoàng Hà, Phó Giám đốc khối Tài chính kế hoạch Techcombank cho biết, để có được mức lợi nhuận “khủng” như trên, các mục tiêu đề ra từ đầu năm luôn được thực hiện một cách khẩn trương. Đầu tiên là phải đảm bảo ngân hàng phát triển bền vững, đa dạng hóa nguồn thu, tăng thu nhập ngoài lãi, tức là không chỉ dựa vào thu nhập từ tăng trưởng tài sản mà phải có nguồn thu từ phí và các dịch vụ khác, tỷ lệ này tăng từ 31% lên 45% năm 2017.

Cũng theo ông Hà, cơ cấu lợi nhuận của ngân hàng bao gồm nhiều yếu tố như nguồn vốn giá rẻ của ngân hàng năm qua đã tăng từ 22% lên hơn 24,1%, điều này giúp ngân hàng giảm chi phí cho vay.

Ngoài ra, còn một loạt các ngân hàng khác cũng báo lãi khủng như MB, VIB, SHB... cho thấy việc giảm lãi suất trong năm 2018 là hoàn toàn có cơ cở.

Chính vì vậy, ngay từ đầu năm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã định hướng năm 2018 ngành ngân hàng tiếp tục phấn đấu giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiêp và nền kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bốn ngân hàng thương mại Nhà nước là Vietcombank, Agribank, VietinBank và BIDV đã thực hiện điều chỉnh giảm ngay 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn, trung, dài hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên và Ngân hàng thương mại cổ phần VPBank cũng điều chỉnh giảm 0,5-1%/năm lãi suất cho vay đối với khách hàng là các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động tốt trong các lĩnh vực hàng tiêu dùng, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo và môi trường.

Theo đó, sau khi điều chỉnh, lãi suất cho vay của khối ngân hàng thương mại nhà nước (chiếm khoảng trên 48% thị phần cấp tín dụng của toàn hệ thống tổ chức tín dụng) phổ biến ở mức 6%/năm đối với ngắn hạn và khoảng 9-10%/năm đối với trung dài hạn.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank khẳng định: "Với chiến lược đúng đắn trong chuyển dịch cơ cấu nguồn vốn, Vietcombank có lợi thế với nguồn vốn có lãi suất đầu vào thấp nhất thị trường, đó là điều kiện quan trọng để giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp, chia sẻ với những khó khăn của nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp."

Ông Thành cũng chia sẻ thêm, về mặt hiệu quả, khi giảm lãi suất thì dễ hiểu là lợi nhuận ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng, tuy nhiên đó chỉ là vấn đề trước mắt. Còn về lâu dài, các doanh nghiệp được hỗ trợ để phát triển ổn định, bền vững chính là yếu tố quan trọng trong mục tiêu phát triển kinh tế quốc gia, sự gắn bó bền chặt của doanh nghiệp với ngân hàng thông qua các hoạt động tương tác sẽ mang lại lợi ích to lớn, lâu dài cho cả ngân hàng và doanh nghiệp.

Nhiệm vụ trọng tâm

Ngay trong ngày làm việc đầu tiên của năm mới (21/2), Thủ tướng Chính phủ đã có công điện số 240/CĐ-TTg đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được Thủ tướng giao có giải pháp đồng bộ ổn định tỷ giá, thị trường ngoại tệ, quản lý chặt chẽ giao dịch tiền điện tử; tiếp tục điều hành, phấn đấu giảm lãi suất cho vay phù hợp với điều kiện kinh tế vĩ mô, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; mở rộng tín dụng đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng ngay từ đầu năm; tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt, giảm tiền mặt trong lưu thông.

Chính vì vậy, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, việc phấn đấu giảm lãi suất cho vay trong năm 2018 được Ngân hàng Nhà nước xem là một nhiệm vụ trọng tâm.

Theo đó, để nâng cao tính lan tỏa trong việc điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng chủ động truyền thông trên trang thông tin điện tử chính thức của ngân hàng mình ngay sau khi điều chỉnh giảm lãi suất.

Ngay sau Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2018, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 10/1/2018 chỉ đạo toàn hệ thống các tổ chức tín dụng triển khai nhiệm vụ kế hoạch ngành ngân hàng; trong đó chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục rà soát và cân đối khả năng tài chính để áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay, tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng vay.

Phó Thống đốc cho biết, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ hỗ trợ tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp để phấn đấu giảm lãi suất cho vay trên cơ sở đảm bảo hoạt động an toàn, lành mạnh tài chính.

Cũng theo bà Hồng, Thống đốc đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục rà soát và cân đối khả năng tài chính để áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý, trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay, tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng vay.

“Thời gian tới, Ngân hàng nhà nước tiếp tục điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ hỗ trợ tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp để phấn đấu giảm lãi suất cho vay trên cơ sở đảm bảo hoạt động an toàn, lành mạnh tài chính," bà Hồng cho biết.

Mặc dù mong muốn lãi suất cho vay sẽ giảm nhưng chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cũng đưa ra phân tích, nếu không kiểm soát được lạm phát khiến lạm phát tăng thì sẽ khó giảm lãi suất huy động và như vậy lãi suất cho vay cũng sẽ tăng.

"Kỳ vọng của tôi là lãi suất sẽ giảm đôi chút, tuy nhiên thực tế tùy thuộc nhiều yếu tố. Trong đó, những yếu tố quan trọng có thể sẽ tác động đến lãi suất như lạm phát và tăng trường tín dụng,” chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục