Vì sao quốc gia mới nổi đối phó cú sốc kinh tế do COVID-19 tốt hơn?

Thay vì tranh luận về các gói kích thích kinh tế lớn chỉ tạo ra sự tăng trưởng chớp nhoáng, các quốc gia mới nổi đang tiến hành một loạt cải cách nhằm nâng cao năng suất và thúc đẩy tăng trưởng.
Người dân mua sắm tại một khu chợ ở Jakarta, Indonesia ngày 30/6/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)
Người dân mua sắm tại một khu chợ ở Jakarta, Indonesia ngày 30/6/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ruchir Sharma, chiến lược gia trưởng của Morgan Stanley Investment Management và cũng là tác giả cuốn “Mười quy tắc của các quốc gia thành công,” có bài viết trên tờ Financial Times của Anh cho rằng các quốc gia mới nổi đã được trang bị tốt hơn để vượt qua cú sốc về kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra và sau khi tác động của các gói kích thích giảm dần đi, các nước phát triển sẽ rút ra bài học từ thực tế này.

Theo ông Ruchir Sharma, trong khi các nước giàu có tranh luận về việc làm thế nào để thực hiện các gói kích thích "lớn" trong thời kỳ đại dịch, các quốc gia mới nổi đang lại có một cuộc thảo luận khác, đó là làm thế nào để cố gắng thúc đẩy cải cách - và các nước này có khả năng sẽ vượt qua đại dịch tốt hơn nhờ điều đó.

Các nước mới nổi sẽ không bao giờ có đủ các nguồn tài chính để chi tiêu cho kích thích kinh tế như các nước giàu có. Nhưng trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, các quốc gia mới nổi đã đưa ra các biện pháp kích thích hào phóng gần như các nước giàu có.

Khi đó, các nước này có đủ khả năng thực hiện các biện pháp kích thích này vì sau nhiều năm tăng trưởng vượt bậc, họ đã có tiền để chi tiêu.

Tuy nhiên, những khoản kích thích đó chỉ tạo ra sự tăng trưởng chớp nhoáng và trong những năm 2010, các quốc gia này đã phải vật lộn để trả nợ khi tăng trưởng chậm lại.

Năm 2020, khi đại dịch xảy ra, nhiều quốc gia mới nổi vẫn đang phải vật lộn với việc trả nợ. Giờ đây, do không có tiền để vực dậy nền kinh tế thông qua các gói kích thích, các nước này không có nhiều sự lựa chọn ngoài việc thúc đẩy cải cách nâng cao năng suất.

Nghiên cứu cho thấy, một quốc gia mới nổi điển hình đã tăng tổng chi tiêu cho kích thích kinh tế - bao gồm cả về tài chính, tiền tệ và bảo lãnh tín dụng - từ mức 6% năm 2008 lên 9% GDP năm 2020.

Tuy nhiên, đó là một sự thay đổi không đáng kể so với các quốc gia phát triển, khi các nước này tăng tổng chi cho kích thích kinh tế hơn gấp 3 lần, từ mức 10% lên 33% GDP trong cùng khoảng thời gian này.

Trên thực tế, năm 2020, các quốc gia phát triển đã chi cho kích thích kinh tế nhiều gần gấp 4 lần so với các quốc gia mới nổi.

Thay vì tranh luận về các gói kích thích lớn hơn, các quốc gia mới nổi đang tiến hành một loạt cải cách nhằm nâng cao năng suất và thúc đẩy tăng trưởng.

Ấn Độ đang thu hút sự chú ý khi nông dân nước này biểu tình phản đối việc chấm dứt các biện pháp bảo hộ nông nghiệp, nhưng việc chấm dứt bảo hộ này chỉ là một phần trong nỗ lực chung nhằm thúc đẩy cạnh tranh tư nhân và chuyển chi tiêu công khỏi các khoản trợ cấp, hướng vào cơ sở hạ tầng.

Vì sao quốc gia mới nổi đối phó cú sốc kinh tế do COVID-19 tốt hơn? ảnh 1Các cửa hàng đóng cửa do dịch COVID-19 ở Dubai, UAE ngày 25/3/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Indonesia năm ngoái đã cắt giảm thuế và các quy định, đồng thời nới lỏng các quy định về lao động và giờ nước này đang chuyển sang mở cửa lĩnh vực tài chính. Philippines vừa cắt giảm thuế doanh nghiệp từ mức tương đối cao xuống mức cạnh tranh hơn.

Ai Cập, Saudi Arabia và Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đang áp dụng những hạn chế mới đối với chi tiêu của chính phủ. Hai nước, Saudi Arabia và UAE, lần đầu tiên cho phép người nước ngoài mua các cơ sở kinh doanh và nhà ở sở tại.

[Thước đo hợp tác kinh tế quốc tế thời kỳ hậu dịch bệnh COVID-19]

Ngay cả nước chi tiêu lớn như Brazil cũng đang tiến tới giành lại quyền kiểm soát ngân sách bằng các biện pháp như cắt giảm lương hưu, tạo điều kiện dễ dàng hơn trong việc sa thải và cắt giảm phúc lợi của công nhân viên chức.

Sự thay đổi lớn nhất là ở Trung Quốc. Mặc dù chi tiêu cho kích thích kinh tế năm 2008 được ca ngợi là đã "cứu" nền kinh tế toàn cầu, nhưng hệ lụy là các khoản nợ đã góp phần làm tăng trưởng chậm lại.

Giờ đây Bắc Kinh đang phản ứng một cách rất khác. Trong khi tất cả các nước phát triển lớn triển khai nhiều biện pháp kích thích hơn so với năm 2008, Trung Quốc cam kết chi cho kích thích ít hơn: khoảng 9% GDP, thấp hơn mức 13,5% GDP năm 2008.

Thay vì hứa hẹn sẽ có những đợt bơm tiền vô tận, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) đang bắt đầu cắt giảm kích thích tiền tệ với lý do nguy cơ nợ và bong bóng tài chính gia tăng.

Trong khi đó, Bắc Kinh đang đưa ra những cải cách kinh tế mới đầy tham vọng, bao gồm việc mở cửa hơn nữa thị trường tài chính của mình với thế giới bên ngoài.

Câu chuyện về hai cách phản ứng với đại dịch này là một lời nhắc nhở rằng các quốc gia mới nổi có ý tưởng riêng về việc vượt qua khó khăn kinh tế.

Quay lại những năm 1990, khi cuộc khủng hoảng tài chính tấn công các quốc gia mới nổi từ Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ và Thái Lan, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã yêu cầu các quốc gia mới nổi duy trì việc hạn chế chi tiêu và lãi suất thực ở mức cao, cùng với cải cách cơ cấu để thúc đẩy tăng trưởng. Lãnh đạo các nước mới nổi đã phản đối các chương trình thắt lưng buộc bụng tàn bạo này.

Bây giờ tình thế đã đảo ngược hoàn toàn. Phản ánh sự đồng thuận của phái Keynes mới đang phổ biến ở thủ đô các nước phương Tây, IMF hiện khuyên các quốc gia giàu và nghèo bớt quan tâm đến thâm hụt và chi tiêu hào phóng.

Không một quốc gia mới nổi lớn nào tìm kiếm sự giúp đỡ của IMF và nhiều nước đang bắt tay vào các chiến dịch cải cách cơ cấu tương tự như những gì quỹ này đã đề xuất vào những năm 1990.

Thị trường tài chính đang hoan nghênh sự tiến bộ của những nước này. Sau một thập kỷ mất mát, các thị trường chứng khoán mới nổi cuối cùng đã hoạt động tốt hơn các thị trường chứng khoán phát triển. Cải cách không phải là lý do duy nhất, nhưng là một trong trong các lý do giúp có được điều đó.

Khi đại dịch qua đi và hiệu ứng tức thời của các biện pháp kích thích giảm đi, hiệu quả sẽ được cảm nhận không đồng đều. Các quốc gia mới nổi có thể thấy triển vọng tăng trưởng của họ tiếp tục được cải thiện.

Các quốc gia phát triển, bằng việc chi tiêu ồ ạt và lảng tránh việc cải cách, sẽ tăng trưởng chậm hơn do sức ép nợ nần. Các nước phát triển có thể phải đối mặt với bài học khắc nghiệt giống như các quốc gia mới nổi đã phải đối mặt sau cuộc khủng hoảng năm 2008: vội vàng kích thích và ăn năn khi rảnh rỗi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục