Ngày 9/2, tiếp tục phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên Phó Phòng quản lý rủi ro Vietinbank Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh) và Võ Anh Tuấn (nguyên Phó Giám đốc Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” số tiền hơn 1.085 tỷ đồng của năm công ty, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã đề nghị mức án đối với hai bị cáo.
Theo đại diện Viện Kiểm sát, cáo trạng đã xác định từ tháng 5-9/2011, Huỳnh Thị Huyền Như khi đó là Kiểm soát viên, Quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, Vietinbank Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh đã lấy danh nghĩa đi huy động tiền gửi cho Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè, Vietinbank Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh để huy động vốn của năm công ty (Công ty Cổ phần chứng khoán Phương Đông, Công ty Cổ phần đầu tư Hưng Yên, Công ty Cổ phần chứng khoán Saigonbank Berjara (SBBS), Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu và Công ty An Lộc) gửi tiền vào Vietinbank hưởng lãi suất cao vượt trần trái quy định Nhà nước.
Do có ý định chiếm đoạt tài sản từ đầu, Huỳnh Thị Huyền Như đã lợi dụng lòng tham của những người môi giới, người đại diện của các công ty, dẫn dụ các công ty này gửi tiền vào Vietinbank để hưởng lãi suất cao. Như cũng hứa hẹn trả cho người môi giới, đại diện của các công ty tiền chênh lệch ngoài hợp đồng, phí môi giới. Ngoài lãi suất theo quy định do Vietinbank trả, Như còn trả tiền chênh lệch ngoài hợp đồng, tiền hoa hồng, môi giới bằng tiền cá nhân.
Khi các đơn vị chuyển tiền vào tài khoản của họ mở tại Vietinbank, Như lập các chứng từ, ký giả chữ ký của chủ tài khoản và sử dụng quyền hạn, chức vụ của mình để thực hiện chuyển tiền từ tài khoản của các đơn vị đi trả nợ cá nhân. Tổng số tiền mà Như lừa đảo chiếm đoạt là hơn 1.085 tỷ đồng, gây thiệt hại nghiêm trọng.
[Xét xử hành vi lừa đảo hơn 1.085 tỷ đồng của Huỳnh Thị Huyền Như]
Giúp sức cho Như, Võ Anh Tuấn đã cùng Như ra Hà Nội gặp đại diện của Công ty Hưng Yên để giúp Như huy động tiền của Công ty này. Tuấn biết hành vi gian dối của Như nhưng đã để mặc cho Như làm giả các hợp đồng tiền gửi của Vietinbank chi nhánh Nhà Bè với Công ty Hưng Yên. Võ Anh Tuấn hưởng lợi từ hành vi lừa đảo của Như số tiền 10 tỷ đồng.
Đại diện Viện Kiểm sát cho rằng cáo trạng đã truy tố đúng người, đúng tội. Hành vi của Huỳnh Thị Huyền Như là hành vi phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” chứ không phải “Tham ô tài sản.” Hành vi của Như và Tuấn là đặc biệt nguy hiểm ảnh hưởng tới xã hội bởi đã xâm phạm tới tài sản của nhiều đơn vị, trong đó có sở hữu của Nhà nước. Hành vi của các bị cáo còn xâm phạm đến trật tự về quản lý kinh tế, phần nào làm ảnh hưởng tới cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng, gây mất niềm tin của người dân với hệ thống ngân hàng.
Viện Kiểm sát đề nghị Huỳnh Thị Huyền Như mức án chung thân; đề nghị Võ Anh Tuấn mức án từ 12-14 năm tù cùng tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” - tổng hợp với hình phạt tại bản án trước đó thành 30 năm tù. Về trách nhiệm dân sự, Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên buộc Huỳnh Thị Huyền Như có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho năm công ty.
Tại phiên tòa, đại diện năm công ty đề nghị Hội đồng xét xử buộc Vietinbank phải bồi thường cả gốc lẫn lãi số tiền bị Huyền Như chiếm đoạt vì tài khoản của họ là có thật tại Vietinbank. Cụ thể, Công ty Cổ phần đầu tư Hưng Yên yêu cầu bồi thường hơn 400 tỷ đồng, Công ty Cổ phần chứng khoán Saigonbank Berjara (SBBS) hơn 220 tỷ đồng, Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu hơn 149 tỷ đồng, Công ty Cổ phần chứng khoán Phương Đông gần 900 tỷ đồng, Công ty An Lộc hơn 400 tỷ đồng.
Đại diện Vietinbank trình bày: “Tất cả chủ trương và hoạt động của ngân hàng là không trái pháp luật, không trái quy định của Ngân hàng Nhà nước.” Theo đại diện Vietinbank, năm công ty nghe theo dụ dỗ của Huyền Như làm trái quy định của pháp luật, đã ký hợp đồng giả, cho thuê, cho mượn tài khoản.
Các công ty bị Huyền Như chiếm đoạt tiền do xuất phát từ lòng tham của họ và lợi ích cá nhân của người môi giới. Từ đó, Vietinbank đề nghị bác bỏ các yêu cầu bồi thường của năm công ty đối với ngân hàng.
Dự kiến, phiên tòa xét xử đến ngày 12/2./.