Vĩnh Phúc: Tìm thấy thi thể hai mẹ con bị lũ cuốn trôi

Vào ngày 17/8, một chiếc xe ôtô bán tải đi qua đập tràn, đoạn đường có cống xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên đúng thời điểm nước lũ chảy mạnh, khiến ôtô bị lật, cuốn trôi khi trên xe có ba người.
Vĩnh Phúc: Tìm thấy thi thể hai mẹ con bị lũ cuốn trôi ảnh 1(Ảnh minh họa: TTXVN phát)

Liên quan đến vụ việc hai vợ chồng và một con nhỏ bị lũ cuốn trôi ở thành phố Phúc Yên, ngày 19/8, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Phúc Yên (Vĩnh Phúc) Phan Tiến Dũng cho hay, sau nhiều nỗ lực tìm kiếm, lực lượng chức năng tỉnh Vĩnh Phúc đã tìm thấy thi thể hai mẹ con bị nước lũ cuốn trôi trong xe ôtô.

Đại diện chính quyền và các ban, ngành đã đến thăm hỏi, chia sẻ mất mát với gia đình nạn nhân.

Như tin đã đưa, vào lúc gần 21 giờ ngày 17/8,  một chiếc xe ôtô bán tải đi qua đập tràn, đoạn đường có cống xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên đúng thời điểm nước lũ chảy mạnh, khiến ôtô bị lật, cuốn trôi khi trên xe có ba người.

Lái xe là anh Trần Như Quyền, sinh năm 1985, trú tại phường Trưng Trắc, thành phố Phúc Yên. Anh Quyền đã kịp nhảy khỏi xe ra ngoài thoát chết, hai người tử vong là vợ và con anh Quyền.

Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã có mặt tìm kiếm nạn nhân, điều tra làm rõ sự việc.

Lực lượng chức năng tìm thấy thi thể bé gái 2 tuổi, thi thể người mẹ được tìm thấy vào cuối chiều 18/8.

[Mưa lớn tại tỉnh Sơn La, một người mất tích do nước cuốn trôi]

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mực nước sông Thao tại Yên Bái và Phú Thọ đang lên nhanh. Lúc 9 giờ ngày 19/8, mực nước tại tại Yên Bái đạt 32,49m, trên báo động 3 là 0,49m; tại Phú Thọ đạt 17,04m, dưới báo động 1là 0,46m.

Dự báo, vào khoảng 21 giờ ngày 19/8, mực nước sông Thao tại Yên Bái sẽ lên mức 32,90m (cao hơn 0,90m so với báo động 3); tại Phú Thọ lên mức 17,70m (cao hơn 0,20m so với báo động 1).

Vào khoảng 9 giờ ngày 20/8, mực nước sông Thao tại Yên Bái xuống mức 32,40 m (cao hơn 0,40m so với báo động 3), tại Phú Thọ mực nước lên mức 18,10m (thấp hơn 0,10 m so với báo động 2).

Từ ngày 20/8-22/8,  khu vực Đông Bắc có mưa to (phổ biến 50-150 mm/đợt, có nơi trên 150 mm/đợt).

Từ chiều 20/8 đến ngày 22/8, khu vực Việt Bắc, Tây Bắc có mưa to đến rất to (phổ biến 100-200 mm/đợt, có nơi trên 250 mm/đợt); các khu vực khác ở đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa và Tây Nguyên có mưa vừa, có nơi mưa to.

Do mưa lớn, mực nước trên các sông suối khu vực thượng lưu lưu vực sông Hồng - Thái Bình sẽ lên lại, các sông ở Thanh Hóa và Tây Nguyên sẽ xuất hiện đợt lũ với biên độ lũ lên từ 2-6 m.

Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ trên sông Thao có khả năng lên mức trên báo động 3; sông Lô, thượng lưu sông Chảy và các sông suối nhỏ lên mức báo động 2 - báo động 3.

Mực nước các sông thuộc hệ thống Thái Bình là sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam lên mức báo động 1 và trên báo động 1, thượng lưu các sông ở Thanh Hóa lên mức báo động 1 - báo động 2, hạ lưu các sông chính ở dưới mức báo động 1.

Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia nhận định, nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở nhiều tỉnh miền núi khu vực Bắc Bộ, đặc biệt là các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Thanh Hóa và khu vực Tây Nguyên.

Viện Khoa học địa chất và khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, trong những năm gần đây, các loại hình thiên tai như trượt, lở đất đá, lũ quét xảy ra đặc biệt nghiêm trọng tại các tỉnh Lào Cai, Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình, Lai Châu, Hòa Bình, Thanh Hóa và một số địa phương khác gây thiệt hại lớn về tính mạng và tài sản của nhân dân.

Nguyên nhân gây sạt, trượt ở Việt Nam, chủ yếu là do các hiện tượng thời tiết bất thường, trong đó có mưa lớn kéo dài xảy ra ngày càng nhiều, cùng với các hoạt động nhân sinh như phá rừng, khai khoáng, xây dựng các công trình giao thông, nhà cửa… 

Đồng thời, việc thúc đẩy các quá trình tai biến địa chất, đặc biệt là hiện tượng trượt, lở đất đá, lũ ống, lũ quét phát triển mạnh mẽ với quy mô ngày càng lớn, mức độ thiệt hại ngày càng tăng, đe dọa đến an sinh cộng đồng. 

Bên cạnh đó còn  một số nguyên nhân khác như các khu vực có địa hình phân cắt mạnh, bề mặt địa hình dốc; lớp vỏ phong hóa dày, nhanh ngấm nước, dễ bị nước mưa làm cho bão hòa, giảm độ ổn định sườn dốc; rừng tự nhiên, rừng phòng hộ còn rất ít khiến lớp phủ thực vật mỏng; mưa kéo dài hoặc mưa cục bộ với cường độ lớn trong mùa mưa bão.

Nguy cơ ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp ven sông, các khu đô thị, các tỉnh và thành phố như: Lào Cai, Yên Bái (huyện Trấn Yên, Văn Yên, thành phố Yên Bái), Phú Thọ (huyện Thanh Ba, Hạ Hòa, Thị xã Phú Thọ), Hà Giang, Thái Nguyên, Lai Châu, Vĩnh Phúc (thành phố Vĩnh Yên), Quảng Ninh (thành phố Móng Cái, thành phố Cẩm Phả, thành phố Hạ Long, thành phố Uông Bí), Thanh Hóa, Kon Tum, Buôn Mê Thuột, Gia Nghĩa, Lâm Đồng (thành phố Đà Lạt, huyện Bảo Lộc). Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, lũ quét, sạt lở đất cấp 2./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục