Xô viết Nghệ-Tĩnh: Sức mạnh quần chúng làm nên lịch sử

Các tham luận tại hội thảo “90 năm Xô viết Nghệ-Tĩnh, sức mạnh quần chúng làm nên lịch sử" khẳng định tầm vóc, ý nghĩa lịch sử của Xô viết Nghệ-Tĩnh đối với tiến trình cách mạng Việt Nam.
Xô viết Nghệ-Tĩnh: Sức mạnh quần chúng làm nên lịch sử ảnh 1Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện CTQG Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng và các đồng chí, chủ trí hội thảo. (Ảnh: Công Tường/TTXVN)

Ngày 6/9, tại thành phố Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh), Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Hà Tĩnh, Nghệ An tổ chức Hội thảo khoa học “90 năm Xô viết Nghệ-Tĩnh, sức mạnh quần chúng làm nên lịch sử (12/9/1930-12/9/2020).”

Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng cùng đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An và các nhà nghiên cứu, nhà khoa học tham dự hội thảo.

Các tham luận tại hội thảo đã phân tích sâu sắc, làm sáng tỏ sự lãnh đạo của Đảng và các Đảng bộ địa phương đối với phong trào cách mạng 1930-1931 và Xô viết Nghệ-Tĩnh; khẳng định tầm vóc, ý nghĩa lịch sử của Xô viết Nghệ-Tĩnh đối với tiến trình cách mạng Việt Nam; ghi nhận những đóng góp và hy sinh to lớn của các thế hệ cán bộ, đảng viên, chiến sỹ và nhân dân; vận dụng những bài học quý báu của Xô viết Nghệ-Tĩnh vào công cuộc xây dựng đất nước; nâng cao niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ đối với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

[Sự ra đời của Đảng đáp ứng nhu cầu bức thiết của lịch sử]

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Đình Sơn, Bí Thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, khẳng định lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam xuất hiện mô hình chính quyền cách mạng của nhân dân lao động. Đó là những “làng đỏ” hình thành ở một số vùng nông thôn của tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Tại đây, luật lệ của chính quyền thuộc địa bị xóa bỏ, quần chúng nhân dân đã làm chủ vận mệnh của mình. Từ đó ở nhiều địa phương thuộc hai tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An, chính quyền Xô Viết đã hình thành và hoạt động công khai, bán công khai.

Phát huy truyền thống cách mạng và khí phách Xô viết, sau 30 năm kể từ ngày tái lập tỉnh, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, từ một tỉnh có thu ngân sách, GRDP bình quân đầu người đạt rất thấp đã vươn lên trở thành tỉnh có thu ngân sách đạt trung bình khá, đứng thứ 21 của cả nước; quy mô kinh tế thuộc nhóm các tỉnh đứng đầu khu vực Bắc Trung bộ.

Thời gian tới, Đảng bộ, nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đưa Hà Tĩnh phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu đạt chuẩn tỉnh nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước.

Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng, nhấn mạnh hội thảo là dịp để khẳng định ý nghĩa to lớn, làm sáng tỏ và đúc kết những bài học quý báu của phong trào Xô viết Nghệ-Tĩnh đối với cách mạng Việt Nam; tôn vinh những đóng góp và sự hy sinh của các thế hệ cán bộ, đảng viên, chiến sỹ và nhân dân góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, nâng cao niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, phát huy tinh thần và ý chí cách mạng của Xô viết Nghệ-Tĩnh trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Hội thảo với 59 tham luận của các nhà khoa học, đại diện các cơ quan Đảng, Nhà nước, đại diện lãnh đạo một số tỉnh, thành phố trên cả nước đã đánh giá những giá trị sâu sắc của phong trào Xô viết Nghệ-Tĩnh; khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với phong trào cách mạng 1930-1931 và Xô viết Nghệ-Tĩnh và làm rõ vai trò của quần chúng nhân dân, người làm nên lịch sử, đặc biệt là sự hình thành khối liên minh công-nông, nòng cốt để thu hút các tầng lớp nhân dân trong mặt trận đấu tranh chống đế quốc, phong kiến.

Các tham luận cũng khẳng định những thành quả, ý nghĩa lịch sử to lớn và những bài học kinh nghiệm của phong trào cách mạng 1930-1931 và Xô viết Nghệ-Tĩnh đối với tiến trình cách mạng Việt Nam. Từ đó phát huy tinh thần và giá trị của Xô viết Nghệ-Tĩnh trong xây dựng quê hương Nghệ An, Hà Tĩnh và đất nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục