Các tỉnh cần có nghị quyết riêng về phát triển vùng dân tộc miền núi

Phó Thủ tướng đề nghị ngoài chủ trương của Trung ương, các Tỉnh ủy phải có nghị quyết riêng về các vùng khó khăn để thúc đẩy các vùng này phát triển.
Các tỉnh cần có nghị quyết riêng về phát triển vùng dân tộc miền núi ảnh 1Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu ý kiến. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Sáng 14/1, tại Trụ sở Chính phủ, Ủy ban Dân tộc đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác dân tộc và chính sách dân tộc năm 2014, triển khai nhiệm vụ năm 2015.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và chủ trì Hội nghị.

Một trong những thành tựu nổi bật của các tỉnh vùng dân tộc miền núi trong năm 2014 là tốc độ tăng trưởng bình quân đạt từ 8% đến 10%, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc và miền núi giảm từ 2-4%, riêng các huyện nghèo giảm trên 4%.

Một số tỉnh như Hà Giang, Sơn La, Yên Bái, Kon Tum, Sóc Trăng có tỷ lệ giảm nghèo nhanh. Tỷ lệ hộ nghèo vùng Đông Bắc ước giảm 3%, vùng Tây Bắc giảm 3,5%, vùng Bắc Trung bộ giảm 2,7%, vùng duyên hải miền Trung giảm 2%, vùng Tây Nguyên giảm 2,7%, vùng Đông Nam Bộ giảm 2,1% và vùng Tây Nam Bộ giảm 2,4%. Sản xuất công-nông-lâm-ngư nghiệp vùng dân tộc và miền núi có sự phục hồi, phát triển khá toàn diện cả về năng suất, chất lượng, sản lượng; chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa.

Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành và sự nỗ lực cố gắng của đồng bào các dân tộc trong việc triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách dân tộc, chính sách an sinh xã hội, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số nhìn chung ổn định và ngày càng được cải thiện.

Các địa phương đã chủ động nắm bắt tình hình địa bàn trọng điểm về an ninh chính trị, chủ động phòng ngừa, đấu tranh và giải quyết các vụ việc nổi cộm phát sinh ngay từ cơ sơ, không để kẻ xấu lợi dụng lôi kéo, dụ dỗ gây ảnh hưởng tới trật tự an toàn xã hội.

Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được củng cố và phát triển. Tình hình an ninh chính trị vùng dân tộc và miền núi tiếp tục được giữ vững và ổn định, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Năm 2014, các bộ, ngành đã tích cực, chủ động phối hợp với Ủy ban Dân tộc trong việc thực hiện công tác dân tộc. Nhiều đề án chính sách nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc và miền núi đã được ban hành như chính sách phát triển đội ngũ cán bộ công chức, viên chức dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới; chính sách thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ người có tài năng trong hoạt động công vụ vùng dân tộc thiểu số; đề án xây dựng cầu dân sinh đảm bảo an toàn giao thông vùng dân tộc thiểu số, chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo…

Nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ vùng dân tộc và miền núi do các Bộ, ngành chủ trì quản lý, chỉ đạo ban hành những năm trước hoặc mới ban hành trong năm 2014 đã và đang thực hiện có hiệu quả như Chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2; chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung; xây dựng 186 cầu treo dân sinh cho 28 tỉnh miền núi…

Ủy ban Dân tộc phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành trong việc định hướng rà soát, góp ý xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách thực hiện tại vùng dân tộc và miền núi; phối hợp xây dựng văn bản, thông tư hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc quá trình thực hiện chính sách dân tộc.

Ủy ban Dân tộc đã tập trung chỉ đạo công tác xây dựng các đề án, chính sách do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; chỉ đạo tổ chức thành công đại hội đại biểu dân tộc thiểu số cấp tỉnh, cấp huyện lần thứ 2, tăng cường công tác pháp chế, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về công tác dân tộc.

Năm qua đã có trên 3.900 tỷ đồng từ Chương trình 135 được phân bổ cho 2.331 xã và 3.509 thôn đặc biệt khó khăn để đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, góp phần quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Thực hiện Quyết định số 33/2013/QĐ-TTg về tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số đến năm 2014, ngân sách Trung ương đã cấp 325 tỷ đồng cho các tỉnh triển khai gần 70 dự án định canh định cư tập trung và xen ghép, hoàn thành định canh định cư cho khoảng 6.750 hộ với 33.875 nhân khẩu.

Bên cạnh đó, ngân sách Trung ương cũng bố trí 380 tỷ đồng cho 29 tỉnh thực hiện hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 755/QĐ-TTg.

Tuy nhiên, đánh giá của Ủy ban Dân tộc cho thấy năm 2014, nguồn lực bố trí thực hiện các chính sách, chương trình, dự án thấp so với kế hoạch và nhu cầu vốn, cấp vốn chậm dẫn đến khó khăn cho các địa phương trong quá trình thực hiện và ảnh hưởng đến hiệu quả chính sách. Một số địa phương chưa quan tâm đúng mức công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện chính sách dân tộc, đời sống đồng bào vùng dân tộc miền núi còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao.

Ghi nhận sự nỗ lực của hệ thống cán bộ làm công tác dân tộc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác dân tộc thời gian qua, đã góp phần quan trọng vào mục tiêu quốc gia xóa đói, giảm nghèo và các mục tiêu kinh tế xã hội của Đảng, Nhà nước, góp phần đoàn kết dân tộc, tạo thế chủ động, không để xảy ra bất ngờ.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh các Bộ, ngành, đặc biệt là Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân các địa phương cần quan tâm đặc biệt đến công tác dân tộc, tiếp tục bố trí nguồn lực cho vùng sâu, vùng xa, xây dựng các trường học, nhà ở cho giáo viên, xúc tiến đầu tư kêu gọi các nguồn vốn ODA, NGO hỗ trợ phát triển vùng khó khăn.

Phó Thủ tướng nêu rõ vùng miền núi dân tộc còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí còn thấp, việc thu hút nguồn lực phát triển từ các chính sách là rất quan trọng. Các địa phương phải thường xuyên đôn đốc công tác dân tộc, giải quyết vấn đề đất sản xuất cho đồng bào dân tộc, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số, chủ động bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình thực tiễn và phản ánh tâm tư, nguyện vọng của đồng bào. Phó Thủ tướng đề nghị ngoài chủ trương của Trung ương, các Tỉnh ủy phải có nghị quyết riêng về các vùng khó khăn để thúc đẩy các vùng này phát triển.

Phó Thủ tướng chỉ đạo các địa phương bố trí cán bộ đủ năng lực để đảm nhận nhiệm vụ, bởi cán bộ tốt mới khơi dậy và thúc đẩy được phong trào, đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Ủy ban Dân tộc, các địa phương cần làm tốt chính sách thu hút cán bộ là người dân tộc thiểu số, chú trọng sử dụng người dân tộc tại chỗ bố trí giữ cương vị lãnh đạo trong hệ thống chính trị.

Bên cạnh đó, các địa phương cần phát huy tinh thần tự lực, tự cường trong mỗi dân tộc, từng làng bản, từng người dân, trong xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần quy hoạch lại dân cư, núi cao, rừng rậm, vài ba hộ dân sống trên một ngọn núi sẽ không thể thúc đẩy thương mại phát triển.

Phó Thủ tướng đồng ý để Ủy ban Dân tộc phối hợp với các Bộ, ngành rà soát lồng ghép các chính sách giảm nghèo, các nguồn vốn để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả thực hiện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục