Các tổ chức NGO cam kết hỗ trợ khu vực miền núi 200 triệu USD

Các tổ chức phi chính phủ nước ngoài cam kết hỗ trợ trên 200 triệu USD cho 261 chương trình, dự án phát triển trong 3 năm tới ở miền núi.
Các tổ chức NGO cam kết hỗ trợ khu vực miền núi 200 triệu USD ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Sáng 8/12, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Ủy ban Dân tộc và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư và viện trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc, miền núi.

Tham dự Hội nghị có hơn 200 đại biểu đến từ các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp, đại sứ quán các nước, các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.

Hội nghị đã nghe phần trình bày về tình hình kinh tế-xã hội ở Việt Nam và chính sách thu hút đầu tư và viện trợ nước ngoài cho vùng dân tộc thiểu số của đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư; những định hướng, công tác vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài cho vùng dân tộc thiểu số từ lãnh đạo Ban Điều phối viện trợ nhân dân và một tham luận của các địa phương vùng dân tộc, miền núi.

Hội nghị đã thảo luận, lấy ý kiến của các nhà tài trợ, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài về phương hướng và biện pháp thực hiện đề án "Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số" và “Chương trình quốc gia xúc tiến vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài giai đoạn 2013-2017.”

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các nước, các tổ chức và bạn bè quốc tế, các đối tác trong nước đã ủng hộ tinh thần, vật chất và kỹ thuật trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam; đồng thời bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ hiệu quả hơn nữa, nhất là đối với chương trình giảm nghèo bền vững trong vùng đồng bào dân tộc và miền núi.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam đã đạt những thành tựu quan trọng trong công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, đặc biệt đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh hàng năm từ 2% -4%, những vùng đặc biệt khó khăn giảm 4%.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Việt Nam hiện vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức: cơ sở hạ tầng còn lạc hậu, chất lượng lao động còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo tuy có giảm nhưng còn cao, khoảng cách chênh lệch phát triển với các vùng khác còn lớn...

Phó Thủ tướng đề nghị các đại biểu thảo luận, làm rõ việc khai thác tiềm năng, thế mạnh trong sản xuất, chế biến nông lâm nghiệp ở các tiểu vùng; phát triển du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử; khai thác, chế biến khoáng sản, vật liệu xây dựng phát triển thủy lợi vừa và nhỏ gắn với thủy điện theo quy hoạch; công tác quy hoạch, đặc biệt là qui hoạch phát triển sản xuất và ổn định dân cư.

Công tác quy hoạch phải gắn chung vào qui hoạch tổng thể của cả nước, của vùng và tình hình thực tế của từng địa phương, đặc điểm của từng dân tộc. Hội nghị cần chỉ ra những hạn chế, bất cập của cơ chế chính sách; của công tác phối hợp tổ chức thực hiện để sớm bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính sách và nguồn lực phát triển vùng dân tộc, miền núi.

Vấn đề thu hút nguồn lực nâng cấp hạ tầng giao thông, huy động rộng rãi các nguồn tài trợ, gắn với đổi mới phương thức triển khai, nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo, công tác an sinh xã hội; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo cán bộ dân tộc tại chỗ, đào tạo lao động kỹ năng; công tác khuyến nông, khuyến lâm, ứng dụng công nghệ và chuyển giao khoa học công nghệ... cũng là những nội dung Phó Thủ tướng đề nghị Hội nghị tập trung thảo luận.

Tại Hội nghị, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã cam kết trong 3 năm tới sẽ triển khai 261 chương trình, dự án nhận đạo và hỗ trợ phát triển với tổng ngân sách trên 200 triệu USD tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Bên cạnh cam kết tài trợ từ các tổ chức này, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thuơng Việt Nam (Vietinbank) cam kết sẽ viện trợ 10.231 tỷ đồng, tương đương khoảng 480 triệu đô la Mỹ để hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội cho khu vực này trong năm 2015.

Các cơ quan của Việt Nam cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi, phối hợp chặt chẽ với các nhà tài trợ trong việc triển khai dự án tại khu vực miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số để những hỗ trợ này đến được với người hưởng lợi và đảm bảo tính hiệu quả và bền vững vững của các dự án./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục