Trong khuôn khổ Hội nghị quốc tế lần thứ ba về Hợp tác giữa Việt Nam và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, chiều 28/11, tám hội thảo chuyên đề đã diễn ra tại Hà Nội.
Hội thảo Giáo dục đã đánh giá kết quả quan hệ hợp tác trong lĩnh vực giáo dục giữa Việt Nam và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài trong giai đoạn 2003-2013.
Các đại biểu xác định các lĩnh vực ưu tiên hợp tác trong thời gian tới bao gồm: hỗ trợ đào tạo giáo viên các cấp; xây dựng cơ sở hạ tầng giáo dục; trao đổi giáo dục, hỗ trợ dạy và học ngoại ngữ, cung cấp giáo viên tình nguyện các chuyên ngành cho các trường đào tạo chuyên sâu, các trường phổ thông.
Ngoài ra, các lĩnh vực khác trong giáo dục cần được ưu tiên hợp tác như: cung cấp học bổng đào tạo trong và ngoài nước; hỗ trợ đào tạo công nghệ thông tin cho các trường phổ thông, nhất là ở vùng nông thôn, vùng núi, vùng sâu; giáo dục phòng chống các tệ nạn xã hội (ma túy, mại dâm) có nguy cơ xâm nhập học đường; hỗ trợ nước sạch và vệ sinh môi trường học đường.
Tại hội thảo về giải quyết các vấn đề xã hội, các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm qua các dự án thành công với Misereor, Plan và nhiều tổ chức khác.
Trong giai đoạn tới, việc hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài sẽ vẫn được xem như nhu cầu tất yếu, tập trung vào giảm nghèo, thực hiện chính sách an sinh xã hội, hướng vào nhóm trẻ em, nhóm nghèo nhất, nhóm yếu thế và đồng bào dân tộc thiểu số.
Các dự án này được triển khai nhằm tăng cường tính bền vững, hiệu quả và sự chủ động của người dân cũng như các đối tác Việt Nam.
Tại hội thảo chuyên đề bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã đưa ra dự kiến về phương pháp hợp tác với Việt Nam trong 10 năm tới. Một số tổ chức sẽ cân nhắc lại các chiến lược và kế hoạch hoạt động ở Việt Nam.
Vai trò của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài dường như đang suy giảm trong việc triển khai trực tiếp nhưng lại tăng lên trong việc vận động và xây dựng các tổ chức địa phương.
Trong thời gian tới các tổ chức sẽ liên kết nhiều hơn với khối tư nhân trong viện trợ khẩn cấp, một số tổ chức sẽ được nội địa hóa, trong khi vẫn duy trì bản sắc và các mối liên kết quốc tế của mình.
Đồng thời, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã đưa ra một số khuyến nghị đối với Việt Nam như: đơn giản hóa thủ tục hành chính; điều chỉnh từ cơ chế quản lý sang quan hệ đối tác; tạo điều kiện để thể chế hóa việc tăng số lượng tổ chức địa phương, các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường...
Hội thảo giải quyết vấn đề chất độc da cam và hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam được chủ trì bởi đại diện Hội nạn nhân chất độc da cam, tổ chức Veteran for Peace-Mỹ và tổ chức International Center-Mỹ.
Các đại biểu đã trình bày về các khó khăn còn tồn tại và kinh nghiệm giữa các bên trong hoạt động khắc phục chất độc da cam và trợ giúp các nạn nhân chất độc da cam hòa nhập cộng đồng cũng như hỗ trợ điều kiện vật chất, tinh thần cho đời sống các nạn nhân.
Bên cạnh đó, hội nghị cũng đã đúc kết những giải pháp nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác khắc phục các hậu quả để lại do chất độc da cam và cải thiện đời sống của các nạn nhân.
Hội thảo khắc phục hậu quả bom mìn và vật liệu chưa nổ hướng đến những phương thức mạnh mẽ hơn giữa các tổ chức phi chính phủ nước ngoài và Việt Nam trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn và vật liệu chưa nổ tại Việt Nam.
Các đại biểu đã trao đổi về những kinh nghiệm, bài học rút ra từ các hoạt động trong lĩnh vực rà phá bom mìn trong thời gian qua, đồng thời đưa ra những đóng góp tích cực về các giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn công tác này, xóa bỏ hoàn toàn mối lo về tính mạng do bom mìn và vật liệu chưa nổ gây ra.
Các đại biểu tham gia hội thảo Dạy nghề và cơ hội việc làm đã xác định các lĩnh vực ưu tiên hợp tác như: Hợp tác đào tạo đội ngũ giáo viên dạy nghề; hợp tác với xây dựng chương trình, giáo án; tiếp nhận và áp dụng tiêu chuẩn cơ sở vật chất, danh mục thiết bị dạy nghề của các nước tiên tiến; tiếp nhận các mô hình, phương pháp dạy nghề tiên tiến của thế giới thông qua các tổ chức quốc tế, quốc gia và phi chính phủ nước ngoài…
Tại hội thảo chuyên đề y tế, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đưa ra một số khuyến nghị cho phía Việt Nam như: đơn giản hóa các thủ tục hành chính; hoàn thiện cơ chế và hệ thống nhằm quản lý và sử dụng các nguồn lực của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài; thành lập Nhóm kỹ thuật cho riêng lĩnh vực y tế để phối hợp ý kiến góp ý hay tư vấn của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài./.