Đổi mới thi 2015: Thí sinh lặn lội cả trăm cây số lấy bằng tốt nghiệp

Với các cụm thi tại tỉnh và liên tỉnh, năm 2015 nhiều thí sinh sẽ phải đi cả trăm cây số chỉ để thi xét tốt nghiệp trung học phổ thông. Các thị xã, thành phố cấp tỉnh cũng khó đủ chỗ cho sỹ tử.
Đổi mới thi 2015: Thí sinh lặn lội cả trăm cây số lấy bằng tốt nghiệp ảnh 1Thí sinh lặn lội lai kinh ứng thí trong kỳ thi đại học năm 2014. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Theo dự kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm 2015 sẽ chỉ có một loại hình cụm thi do các trường đại học chủ trì. Các cụm thi sẽ được tổ chức liên tỉnh với ít nhất là hai tỉnh trong một cụm. 

Thông tin này đã khiến không ít học sinh, phụ huynh và nhà trường lo lắng, nhất là với những thí sinh ở vùng xa và chỉ có mục đích lấy bằng tốt nghiệp mà không đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng.

Đi cả trăm cây số chỉ để thi tốt nghiệp

Với cách tổ chức cụm thi như dự kiến của Bộ, các thí sinh sẽ phải đi cả trăm cây số để đến điểm thi tốt nghiệp. Tuy Bộ dự kiến có tổ chức các cụm thi riêng cho từng tỉnh dành cho thí sinh chỉ thi tốt nghiệp ở những địa phương có địa hình phức tạp, đi lại khó khăn, nhưng ngay cả khi không phải sang tỉnh bạn, nhiều thí sinh vẫn phải lặn lội hơn trăm kilômét.

Nguyễn Văn Khôi, học sinh trường Trung học phổ thông Tủa Chùa (huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên) cho biết, nhà em ở xã Sín Chải, từ nhà đến trung tâm xã khoảng 7 km, từ xã đến trung tâm huyện là hơn 50 km, lên đến thành phố Điện Biên phải gần 100 km.

"Em chỉ muốn lấy bằng tốt nghiệp thôi mà vất vả như thi đại học! Đi xa như thế, lại thi ở một nơi hoàn toàn lạ, em sợ áp lực tâm lý và khó hoàn thành tốt bài thi vì em chỉ có học lực ở mức trung bình. Sín Chải là một trong những xã khó khăn nhất của vùng cao nguyên đá huyện Tủa Chùa, các gia đình đều rất nghèo, đi thi như thế em e rằng quá tốn kém," Khôi lo lắng nói.

Giống như Tủa Chùa, trường Trung học phổ thông Sơn Động (huyện Sơn Động) cũng là một trong những trường thuộc khu vực miền núi của tỉnh Bắc Giang. Theo tính toán của Hiệu trưởng Vy Hồng Quân, khoảng cách từ trường đến thành phố Bắc Giang là 90 km. Nếu tính từ nhà, có em sẽ phải đi tới 120km để dự thi tốt nghiệp. Theo đó, dù Bắc Giang có tổ chức cụm thi tại tỉnh thì học sinh của trường đã phải đi hơn hai giờ đồng hồ bằng ô tô mới đến trường thi.

"Đi xa như vậy sẽ rất khó khăn vất vả cho học sinh,” ông Quân chia sẻ.

Tương tự, các học sinh của trường Trung học phổ thông Thường Xuân 2 (huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa) cũng sẽ phải vượt khoảng 80 km đến thành phố Thanh Hóa để dự thi. Nếu Thanh Hóa thi liên tỉnh thì khoảng cách này còn lớn hơn rất nhiều.

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận, các học sinh chỉ thi để xét công nhận tốt nghiệp đúng là sẽ vất vả hơn khi phải lên tỉnh để thi thay vì thi cụm huyện như mọi năm. Để hỗ trợ các em, Bộ chủ trương các em không phải nộp lệ phí thi. Chi phí phát sinh về di chuyển thì ngân sách địa phương sẽ hỗ trợ. Các địa phương sẽ tổ chức đưa học sinh đến điểm thi an toàn, thuận lợi. Có tổ chức thanh niên tình nguyện, các hình thức xã hội hóa giúp các em vượt qua bỡ ngỡ.

Đổi mới thi 2015: Thí sinh lặn lội cả trăm cây số lấy bằng tốt nghiệp ảnh 2Bộ Giáo dục và Đạo tạo cho biết thí sinh sẽ được bố trí xe đưa đón. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Sẽ quá tải ?

Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định sẽ có xe đưa đón học sinh đi thi nhưng theo hiệu trưởng các trường trung học phổ thông, tất cả các học sinh đi thi cùng ngày nhưng do mỗi em thi số lượng môn khác nhau ở những ngày khác nhau nên thời điểm thi xong và ra về khác nhau. Nếu đi cùng ô tô, các em thi xong trước sẽ phải ở lại để chờ các bạn thi sau mới được về.

“Quan trọng hơn, điều chúng tôi lo ngại nhất là chỗ ăn, nghỉ cho các em trong 4 ngày thi,” Hiệu trưởng Vy Hồng Quân chia sẻ.

“Chúng tôi đưa đoàn học sinh đi thi hội khỏe phù đổng, chỉ có ít học sinh, nhưng đã phải đặt thuê phòng trước khi đi nửa tháng mới có chỗ ở. Tôi nghĩ thành phố Bắc Giang không giống như Hà Nội, chắc chắn không thể đủ chỗ khi học sinh của cả tỉnh kéo về, chưa kể đi kèm các em còn có phụ huynh, giáo viên,” ông Quân lo lắng nói.

Đây cũng là lo lắng của Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Thường Xuân 2 (huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa) Lê Khả Long. Ông Long cho biết, mọi năm, học sinh của trường thi cụm huyện cũng phải thuê ô tô đi 30 km, trường phải liên hệ bố trí ăn, nghỉ cho các em. Tuy nhiên, cụm huyện thì số lượng học sinh mỗi cụm không quá nhiều, chỗ ăn nghỉ vì thế không quá khó tìm.

“Thanh Hóa có 106 trường trung học phổ thông với khoảng 40.000 học sinh thi tốt nghiệp mỗi năm, chưa kể năm nay sẽ có thêm thí sinh tự do thi để xét tuyển đại học. Với số lượng lớn như vậy tập trung về thành phố Thanh Hóa là điều tôi rất băn khoăn,” ông Long chia sẻ.

Đổi mới thi 2015: Thí sinh lặn lội cả trăm cây số lấy bằng tốt nghiệp ảnh 3Chỗ ăn, nghỉ của thí sinh trong những ngày thi là điều lãnh đạo các trường trung học phổ thông lo lắng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Đề xuất bố trí cụm thi cấp huyện

Với những khó khăn trên, lãnh đạo nhiều trường phổ thông đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo bố trí cụm thi cấp huyện cho các học sinh muốn dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông.

Theo Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Sơn Động 3 Vy Hồng Quân, năm học 2014-2015, trường có 115 học sinh lớp 12. Hàng năm, tỷ lệ học sinh đăng ký dự thi đại học, cao đẳng của trường chỉ khoảng 30%. Vì thế, theo ông Quân, việc học sinh đi cả trăm cây số với nhiều vất vả chỉ để được công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông là điều phải cân nhắc hơn nữa. 

"Yêu cầu để đạt tốt nghiệp chỉ ở mức trung bình, không cao như tuyển sinh đại học. Chỉ cần tổ chức thi thật nghiêm túc thì có thể bố trí cụm thi gọn hơn để thuận lợi cho các em," ông Quân chia sẻ.

Hiệu trưởng Lê Khả Long cũng kiến nghị Bộ chia cụm khoảng 3, 4 trường cho những thí sinh chỉ thi tốt nghiệp. Tỷ lệ học sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp của trường chiếm 50% tổng số học sinh.

Mặc dù không phải là trường thuộc khu vực vùng xa do chỉ cách thành phố Bắc Giang khoảng 30 nhưng ông Trần Văn Thi, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Lục Ngạn 3 cũng cho rằng, Bộ nên duy trì cụm thi cấp huyện để thi sinh thi tốt nghiệp đi lại dễ dàng hơn, nhất là với những em vùng sâu, vùng xa. Theo ông Thi, trường có 500 học sinh lớp 12, tỷ lệ thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp của trường chiếm tới gần 70%. Hàng năm chỉ có từ 25 đến 30% học sinh tham gia thi tuyển đại học, cao đẳng, nếu năm cao kịch trần tỷ lệ cũng chỉ lên đến 40%.

“Chúng tôi mong Bộ sớm có quyết định để học sinh, phụ huynh, giáo viên và nhà trường có phương án chuẩn bị tốt nhất về tâm lý, cách thức tổ chức trong kỳ thi quan trọng này của các em,” ông Thi nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục