Bài 5: Hồ Hà Nội đang được quản lý theo kiểu "cha chung không ai khóc"

Hồ Tây và hàng trăm ao, hồ lớn nhỏ của Hà Nội là cảm hứng cho nhiều vần thơ điệu nhạc về mảnh đất Thủ đô, vậy nhưng hiện nay, hồ Hà Nội đang bị ô nhiễm ở mức báo động đỏ, xuống cấp về cảnh quan.
Bài 5: Hồ Hà Nội đang được quản lý theo kiểu "cha chung không ai khóc" ảnh 1Quang cảnh Hồ Tây. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Sáng sớm đi qua Hồ Tây, lảng bảng sương phủ tím mờ, mới thấy Hà Nội được trời phú cho phong cảnh hữu tình không phải thủ đô nước nào cũng có được. Hồ Tây và hàng trăm ao, hồ lớn nhỏ của Hà Nội đã góp phần không nhỏ cho phong cảnh hữu tình, gợi sự độc đáo của thơ ca nhạc họa và văn hóa Thủ đô.

Vậy nhưng, hiện nay, Hồ Tây và các hồ của Hà Nội đang gặp phải những thách thức chưa từng có: Ô nhiễm nguồn nước đến mức “báo động đỏ,” diện tích bị thu hẹp, xuống cấp về cảnh quan, và một hệ sinh thái tổn thương nghiêm trọng.

97% hồ Hà Nội bị ô nhiễm

Tối 26/10, cả nghìn cá thể cá chết với kích cỡ lớn đã bất ngờ nổi trắng và dạt vào ven hồ Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) kéo dài cả cây số, bốc mùi hôi thối. Tình trạng này xảy ra tại đoạn ven khu biệt thự số 5 Bán đảo Linh Đàm.

Trước đó, sự kiện cá Hồ Tây chết hàng loạt trong những ngày đầu tháng Mười đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng. Ngay sau khi phát hiện cá chết hàng loạt, các nhà khoa học đã vào cuộc tìm nguyên nhân.

Sau hơn 2 tuần xảy ra hiện tượng cá chết “bất thường” tại Hồ Tây, những ngày cuối tháng Mười, người dân Thủ đô lại tiếp tục phải hứng chịu mùi hôi thối nồng nặc từ Hồ Văn Quán, quận Hà Đông. Không chịu được cảnh ô nhiễm, có gia đình đã phải “sơ tán” đến nhà người thân ở khu vực khác để tránh mùi.

Tình trạng hồ ở Hà Nội bị ô nhiễm nặng đã tồn tại trong nhiều năm qua, nhưng các cơ quan hữu trách vẫn chưa đưa ra được một giải pháp xử lý triệt để. Vào tháng Sáu vừaqua, tại ven hồ Hoàng Cầu (quận Đống Đa), hàng tấn cá đủ loại cũng đã chết nổi trắng mặt hồ.

Nhìn nhận thực tế trên, phó giáo sư tiến sỹ Trương Mạnh Tiến - Chủ tịch Câu lạc bộ Hồ Hà Nội cho biết, những vụ việc ô nhiễm hồ liên tiếp xảy ra trong 1-2 tháng qua cho thấy hồ đã bị ô nhiễm đến mức “báo động đỏ.” Xét về tổng thể, hiện có tới 95-97% hồ Hà Nội bị ô nhiễm.

“Thậm chí, có một số hồ đã bị chết hoàn toàn. Ví dụ như hồ Linh Quang có diện tích 22.108m2, nằm trên địa bàn quận Đống Đa, giờ không thể coi là hồ được nữa. Đây được coi là một trong những hồ ô nhiễm nhất của thành phố Hà Nội hiện nay,” ông Tiến nói.

Vẫn theo ông Tiến, nhiều ao, hồ của Hà Nội hay gọi chung là các thủy vực hiện đã bị san lấp, lấn chiếm nghiêm trọng. Một số nơi đã bị lấn chiếm mất một nửa diện tích mặt nước, khiến nhiều hồ trở thành ao tù, ô nhiễm nặng nề.

“Ngay cả như Hồ Tây, diện tích mặt nước bị mất thực tế đã lên tới hàng chục hécta. Theo con số mới nhất, diện tích Hồ Tây hiện nay chỉ còn hơn 470 ha, chứ không phải khoảng 500 ha như đã ghi nhận từ trước. Đây là một sự suy giảm diện tích đáng lo ngại,” ông Tiến nhấn mạnh.

Có chung nhận định, bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu môi trường và cộng đồng nhận định, hiện nay, phần lớn các hồ Hà Nội bị cô lập bởi các khu đô thị, nhiều hồ đã bị ô nhiễm, tổn thương. Theo số liệu khảo sát, tính đến năm 2015, Hà Nội đã mất 17 hồ (gần đây có xây thêm 7 hồ điều hòa), với khoảng 70.000m2 nước mặt bị mất.

“Một cái bức xúc lớn nhất hiện nay là ô nhiễm nguồn nước hồ Hà Nội. Ví dụ như vụ cá chết ở Hồ Tây. Mặc dù, cá chết lẻ tẻ ở hồ này năm nào cũng có, nhưng hiện tượng cá chết hàng loạt lên tới cả trăm tấn chỉ xảy ra trong vòng một tuần, thì đây là sự cố đáng lo ngại, nhất là với Hồ Tây có hẳn Ban quản lý hồ,” bà Lý trăn trở.

Bài 5: Hồ Hà Nội đang được quản lý theo kiểu "cha chung không ai khóc" ảnh 2Cá chết tại hồ Hoàng Cầu xảy ra vào tháng 6/2016. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Cần bảo vệ hồ như “cơ thể con người”

Sau những sự cố ô nhiễm nguồn nước dẫn đến cá chết hàng loạt tại các hồ Hà Nội, bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu môi trường và cộng đồng cho rằng, đã đến lúc Hà Nội cần hướng tới việc “cứu” hồ bằng các giải pháp dài hạn. Trước hết, Hà Nội cần đánh giá lại công tác quản lý hồ hiện nay có gì bất cập và làm thế nào để công tác bảo vệ hồ có sự thống nhất như “cơ thể con người.”

“Tôi nghĩ, để hồ trở lại với chức năng điều hòa không khí, chức năng môi trường-xã hội và điều tiết nguồn nước mưa, Hà Nội cần phải có chiến lược quản lý, bảo tồn hồ dài hơi và phải có cơ quan riêng biệt làm nhiệm vụ này, đồng thời phải có người đứng ra chịu trách nhiệm và chịu trách nhiệm giải trình khi để xảy ra sự cố ô nhiễm,” bà Lý nói.

Theo bà Lý, sở dĩ, việc bảo vệ hồ Hà Nội cần được giao cho một đơn vị cụ thể quản lý là bởi hiện nay việc quản lý hồ đang theo kiểu “cha chung không ai khóc.” Tất cả các quy định đưa ra đều lỏng lẻo, trong khi tình trạng ô nhiễm môi trường tại hầu hết các hồ đều chưa được kiểm soát. Lý do là, hồ Hà Nội hiện đang phải mang thân phận của hệ thống thoát nước và chức năng nuôi cá thâm canh quá mức.

“Qua thực tế nêu trên, theo tôi, Hà Nội cần có những giải pháp tổng thể để bảo vệ cũng như khôi phục hồ trở lại chức năng cảnh quan, điều hòa không khí. Riêng với Hồ Tây, tôi cho rằng đã đến lúc nên cân nhắc đưa Hồ Tây trở thành một di sản thiên nhiên cần bảo vệ và có các quy định bảo vệ nghiêm ngặt như các vườn quốc gia, để từng bước khôi phục lại hệ sinh thái của Hồ và trả lại chức năng thiên nhiên của Hồ.”

“Hồ Tây đẹp, sẽ là một danh lam thắng cảnh thu hút du lịch của Hà Nội và sẽ trở thành ‘con ngỗng đẻ trứng vàng.’ Hồ Tây cũng phải trở thành một phòng thí nghiệm sống để nghiên cứu về hệ sinh thái hồ. Các nghiên cứu và bài học của Hồ Tây sẽ giúp cho việc quản lý không phải chỉ là của Hồ Tây mà là việc quản lý ao hồ của cả nước,” bà Lý nhấn mạnh.

Trên phương diện là Chủ tịch Câu lạc bộ Hồ Hà Nội, phó giáo sư tiến sỹ Trương Mạnh Tiến cũng khẳng định, hồ Hà Nội hiện đang ở đỉnh điểm ô nhiễm. Thời gian qua, mặc dù cơ quan quản lý đã có những nỗ lực đưa chế phẩm vào làm sạch hồ, nhưng dường như mới chỉ ở bước manh nha ban đầu.

“Đơn cử như Hồ Tây - đây có thể coi là di sản tự nhiên, nhưng bao nhiêu là thi ca nhạc họa ca ngợi đều bị bỏ lửng. Mặc dù, Hồ Tây đã có hẳn một Ban quản lý hồ, nhưng chủ yếu là nhằm mục đích đánh bắt thủy hải sản để phục vụ đời sống. Trong khi, việc quản lý môi trường, nguồn nước chưa được kiểm soát,” ông Tiến chia sẻ.

Trước thực tế trên, ông Tiến kiến nghị, để “cứu” hồ, Hà Nội cần xem bảo vệ hồ là nhiệm vụ cấp bách. Bên cạnh việc phân cấp nhiệm vụ đối với các đơn vị được giao quản lý hồ, Hà Nội cần huy động thêm nguồn lực (tài chính, công nghệ, cán bộ có chuyên môn), và có sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, dân cư.

“Ví dụ như Hàn Quốc, con sông Hàn trước đây cực kỳ ô nhiễm, nhưng họ phân cho doanh nghiệp, mỗi đơn vị nhận một khúc và chịu trách nhiệm khôi phục môi trường, nên bây giờ đã trong xanh trở lại. Tôi nghĩ, Hà Nội cũng có thể áp dụng cách huy động này để ‘cứu’ lấy hồ, bảo vệ lá phổi của Thủ đô,” ông Tiến nhấn mạnh./.

Bài 5: Hồ Hà Nội đang được quản lý theo kiểu "cha chung không ai khóc" ảnh 3Ô nhiễm tại hồ Văn Chương được ghi nhận trong năm 2015. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục