Ngăn chặn khai thác hải sản trái phép: Tăng trách nhiệm chủ tàu

Tình trạng khai thác hải sản trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế nước ngoài không những ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng của ngư dân mà còn ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Ngăn chặn khai thác hải sản trái phép: Tăng trách nhiệm chủ tàu ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Đoàn Hữu Trung/TTXVN)

Ngày 30/5, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp đánh giá tình hình thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng đặc quyền kinh tế nước ngoài.

Trong thời gian qua, ngành thủy sản là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn với mức tăng trưởng nhanh, sản lượng khai thác thủy sản không ngừng tăng cao góp phần quan trọng vào chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển này, đã xuất hiện tình trạng ngư dân đưa tàu đi khai thác trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế nước ngoài.

Tình trạng này không những ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng của ngư dân mà còn ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao của Việt Nam với các nước, việc xuất khẩu các sản phẩm thủy sản của Việt Nam sang các nước.

Nguyên nhân của xu hướng gia tăng này được cho là do lợi ích kinh tế, nhận thức của người dân chưa cao, ý thức chấp hành pháp luật của một số chủ tàu chưa nghiêm. Công tác quản lý nhà nước chưa đồng bộ. Các cấp chính quyền cơ sở vào cuộc chưa thật sự kiên quyết, chế tài xử phạt chưa nghiêm.

Bên cạnh đó, việc phát triển đội tàu cá còn tự phát, chưa được kiểm soát phù hợp với ngư trường nguồn lợi. Một số vùng biển nguồn lợi hải sản suy giảm nghiêm trọng. Các quy định quản lý về khai thác và bảo vệ nguồn lợi hải sản chưa sửa đổi kịp thời. Công tác thống kê sản lượng khai thác, năng lực kiểm soát tàu cá trên biển còn hạn chế, chưa được đảm bảo dẫn đến nhiều bất cập.

Để giảm thiểu tình hình tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 689/CT-TTg ngày 18/5/2010, Công điện số 1329/CĐ-TTg ngày 30/8/2012 và gần đây nhất là Công điện số 732/CĐ-TTg ngày 28/5/2017.

Triển khai thực hiện Chỉ thị số 689/CT-TTg ngày 18/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, Ban, ngành và địa phương đã thành lập tổ công tác liên ngành Trung ương và địa phương, tham mưu sửa đổi chính sách, đề ra nhiều biện pháp quản lý. Kết quả năm 2010-2014 tình hình có giảm. Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, tình hình vi phạm có xu hướng gia tăng và diễn biến

phức tạp.

Tăng trách nhiệm chủ tàu

Sau khi nghe ý kiến của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương thực hiện một số giải pháp nhằm kiềm chế, ngăn chặn tình trạng ngư dân vi phạm vùng đặc quyền kinh tế nước ngoài.

Trước mắt, Phó Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển tiếp tục quán triệt, tập trung nguồn lực triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 689/CT-TTg ngày 18/5/2010, Công điện số 1329/CĐ-TTg ngày 30/8/2012, Công điện số 732/CĐ-TTg ngày 28/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng đặc quyền kinh tế nước ngoài.

Cùng với đó, các Bộ, ngành và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố phải tham mưu, sửa đổi ngay các quy định phù hợp với các cam kết quốc tế; rà soát sửa đổi các chính sách hiện hành, các quy định để siết chặt công tác quản

lý, tăng cường thực thi pháp luật trong quản lý thủy sản để ngăn chặn, giảm thiểu tàu cá và ngư dân vi phạm.

Phó Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển chỉ đạo quyết liệt để ngăn chặn, hạn chế tàu cá vi phạm và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ.

Các lực lượng thực thi pháp luật trên biển tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát bảo vệ ngư trường biển trên vùng đặc quyền kinh tế, vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam.

Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng có các biện pháp đàm phán với các nước về phân định các vùng biển chồng lấn, tiến hành bảo hộ công dân Việt Nam theo quy định của luật pháp quốc tế, pháp luật Việt Nam và nước sở tại.

Về lâu dài, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để nâng cao nhận thức của lãnh đạo, người dân, để ngư dân thấy được hành vi vi phạm pháp luật, tác hại của hành vi đó đối với cho đất nước, với chính ngư dân và gia đình.

Phó Thủ tướng đề nghị các cơ quan chức năng tiến hành rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện, triển khai đồng bộ các chương trình, chiến lược, quy hoạch phát triển ngành Thủy sản, trong đó có Đề án tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản; Kế hoạch tổng thể phát triển thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến 2020; Đề án tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; Chính sách phát triển thủy sản, khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa.

Cùng với đó, các cơ quan chức năng hoàn thiện thể chế liên quan đến khai thác hải sản, đặc biệt phải phải tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng tăng cường chế tài với chủ tàu và trách nhiệm của chính quyền địa phương để xảy ra tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm pháp luật khi khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.

Công tác kiểm soát, quản lý nhà nước cần được tăng cường; kiện toàn, tăng cường năng lực của các cơ quan thực thi pháp luật theo hướng thống nhất tổ chức hoạt động, đảm bảo nguồn lực cho triển khai nhiệm vụ được giao.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu tiếp tục đàm phán, ký kết, thiết lập đường dây nóng giải quyết sự cố nghề cá, chống đánh bắt bất hợp lý với các nước; đàm phán, ký kết một số thỏa thuận hợp tác thủy sản với các nước trong và ngoài khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục