Quan hệ Nga-NATO tiếp tục căng thẳng: Niềm tin bị đánh cắp

Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lại một lần nữa bỏ lỡ cơ hội hạ nhiệt căng thẳng khi quan hệ bị đánh giá đang ở mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Quan hệ Nga-NATO tiếp tục căng thẳng: Niềm tin bị đánh cắp ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: sputniknews.com)

Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lại một lần nữa bỏ lỡ cơ hội hạ nhiệt căng thẳng khi quan hệ bị đánh giá đang ở mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Cuộc họp của Hội đồng Nga-NATO ngày 13/7 tại Brussels (Bỉ) vẫn chỉ dừng lại là diễn đàn để hai bên bày tỏ quan điểm của mình chứ không thể đi đến được bất cứ thỏa thuận thu hẹp bất đồng nào.

Tất cả các nội dung chính trong chương trình nghị sự cuộc họp, từ cuộc khủng hoảng tại Ukraine đến minh bạch các hoạt động quân sự, hay tình hình an ninh tại Afghanistan..., hai bên đều không tìm được tiếng nói chung. Tuy nhiên, các quan chức Nga và NATO đều xác nhận cuộc họp diễn ra trong bầu không khí "cởi mở và thẳng thắn," đồng thời nhất trí gặp lại nhau trong thời gian tới.

Thực ra, kết quả kiêm tốn này không phải là điều bất ngờ, bởi giới phân tích cho rằng những bế tắc khó có thể khai thông trong “một sớm, một chiều” do quan hệ Nga-NATO đang rơi vào cuộc khủng hoảng niềm tin trầm trọng. Quan hệ giữa phương Tây-Nga nói chung và quan hệ NATO-Nga nói riêng, đã xuống tới mức thấp nhất sau Chiến tranh Lạnh do tác động của cuộc khủng hoảng tại Ukraine, với đỉnh điểm là Nga sáp nhập bán đảo Crimea.

Việc NATO hủy bỏ các cuộc họp tham vấn của Hội đồng Nga-NATO - một cơ chế để hai bên bày tỏ quan điểm, thảo luận cùng đưa ra quyết định chung về an ninh bắt, được hình thành từ đầu từ năm 2002, đã làm “đóng băng” hợp tác giữa 2 bên từ tháng 6/2014.

Theo đánh giá của giới phân tích, nếu như Nga là phía chịu thiệt hại nhiều hơn về kinh tế khi đình trệ hợp tác với phương Tây, thì NATO lại là bên bị ảnh hưởng nặng nề về mặt an ninh, đặc biệt là cuộc chiến chống khủng bố tại Afghanistan cũng như cả khu vực Trung Đông, và hiện nay là cuộc chiến chống IS ở chính trong lòng châu Âu.

Quan hệ xấu đi giữa Nga với NATO đang làm tổn hại tới nhiều lợi ích của hai bên nên càng kéo dài tình trạng hiện nay càng không có lợi. Việc hai bên đã cùng "xuống thang" để ngồi lại đối thoại được đánh giá là động thái tích cực đầu tiên nhằm mở đường cho việc nối lại những hợp tác cùng quan tâm và cùng có lợi.

Tuy nhiên, giữa Nga và NATO vẫn còn rất nhiều bất đồng sâu sắc, những khác biệt quan điểm căn bản khó giải quyết trong thời gian trước mắt. Cho dù lịch sử đã có nhiều thay đổi kể từ khi NATO được thành lập vào năm 1949, nhưng liên minh này vẫn không từ bỏ mục tiêu lớn nhất là kiềm chế sức mạnh của Liên Xô trước đây và Nga hiện nay.

Việc Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg thừa nhận quan hệ NATO và Nga cần được xây dựng trên cơ sở "phòng thủ và đối thoại" cho thấy giữa hai bên khó có thể tạo dựng mối quan hệ tin cậy lẫn nhau. Việc NATO không thực hiện cam kết ngừng mở rộng về phía Đông và tiếp tục thiết lập các căn cứ quân sự mới tại các nước Đông Âu là căn nguyên sâu xa khiến quan hệ hai bên luôn trong tình trạng hoài nghi, dè chừng nhau.

Việc NATO thông báo phái 4 tiểu đoàn đến Ba Lan và các quốc gia Baltic, kích hoạt "lá chắn tên lửa” ở Ba Lan và Romania, đồng thời tiến hành liên tiếp các cuộc tập trận sát biên giới với Nga đang khiến cho Moskva cảnh giác và càng mất lòng tin vào liên minh quân sự của phương Tây. Trong những ngày gần đây, Nga và NATO liên tiếp đưa ra các tuyên bố về lập trường của mình.

Thông cáo báo chí về kết quả Hội nghị Thượng đỉnh NATO tại Warsaw có đoạn: "Nga đã đi ngược lại với các giá trị, nguyên tắc và cam kết cơ bản trong quan hệ Nga-NATO." Đáp trả, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng "NATO đang tập trung nỗ lực để kìm hãm 'mối đe dọa không có thực từ phía Đông" (ám chỉ đến vai trò của Nga trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine), mà bỏ qua các mối đe dọa khủng bố ngày càng tăng từ phía Nam."

Cho dù NATO khẳng định những biện pháp quân sự mới chỉ nhằm tăng cường khả năng phòng thủ ở sườn phía Đông chứ không đe dọa an ninh nước Nga, song sức nặng lời nói của NATO đối với Moskva giờ đây không còn giá trị. Nga tuyên bố sẽ đáp trả thích đáng, trong đó có phương án lắp đặt hệ thống phòng không hiện đại S-400 tại tỉnh Kaliningrad và bán đảo Crimea, với phạm vị hoạt động bao quát phần rộng lớn mặt nước biển Baltic và Biển Đen, đồng thời thành lập những khu cấm bay đối với máy bay của NATO.

Ngoài ra, Moskva còn lên kế hoạch cung cấp hệ thống phòng không tầm cao S-300 cho Iran để thành lập những khu vực tương tự tại Trung Đông. Những hành động "ăn miếng trả miếng" giữa Nga và NATO đang gợi lại kịch bản của thập niên 70, đầu 80 của thế kỷ trước, khi Mỹ và Liên Xô triển khai tên lửa tại châu Âu, gây ra cuộc khủng hoảng chính trị-quân sự kéo dài nhiều năm.

Mặc dù vẫn còn tồn tại một số ý kiến khác nhau, song giới chuyên gia nhận định rằng trong bối cảnh hiện nay, khi tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó đoán định và đặc biệt xuất hiện ngày càng nhiều mối đe dọa an ninh phi truyền thống, như khủng bố quốc tế, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, di cư bất hợp pháp, không quốc gia nào có thể đơn phương đối phó thành công mà cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các nước với nhau.

Quan hệ Nga-NATO cũng không nằm ngoài xu thế chung của thời đại, và nỗ lực đối thoại nhằm tìm kiếm điểm chung để hợp tác là con đường phù hợp duy nhất hiện nay. Để giảm thiểu căng thẳng và tăng cường hợp tác, hai bên cần tỏ rõ thiện chí, đẩy mạnh đối thoại để thiết lập các cơ chế hữu hiệu nhằm khôi phục lòng tin. Việc hai bên nhất trí tiếp tục các cuộc đối thoại trong khuôn khổ Hội đồng Nga-NATO là dấu hiệu tích cực, cho phép hy vọng mối quan hệ Nga-NATO sẽ được sưởi ấm trong tương lai gần./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục