Quốc hội Brazil duyệt mức thâm hụt ngân sách kỷ lục gần 48 tỷ USD

Quốc hội Brazil đã thông qua mức thâm hụt ngân sách kỷ lục lên tới gần 48 tỷ USD cho năm 2016, tương đương 2,75% Tổng sản phẩm quốc nội, theo đề xuất của chính phủ lâm thời.
Quốc hội Brazil duyệt mức thâm hụt ngân sách kỷ lục gần 48 tỷ USD ảnh 1Bộ trưởng Kinh tế Brazil Henrique Meirelles. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 25/5, sau 17 giờ họp liên tiếp, Quốc hội Brazil đã thông qua mức thâm hụt ngân sách kỷ lục lên tới gần 48 tỷ USD cho năm 2016, tương đương 2,75% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), theo như đề xuất của chính phủ Tổng thống lâm thời Michel Temer.

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, việc Quốc hội Brazil thông qua mức thâm hụt ngân sách dự kiến cho năm nay ở mức cao, tăng đáng kể so với mức 27 tỷ USD đề ra trước đây của chính phủ Tổng thống vừa bị đình chỉ Dilma Rousseff, sẽ cho phép chính phủ lâm thời tăng vốn đầu tư cũng như thực hiện các chương trình xã hội.

Thị trường chứng khoán đã phản ứng tích cực trước thông tin nói trên với chỉ số tăng trung bình 1,38% đạt 50.006 điểm, trong khi giá đồng nội tệ tăng nhẹ so với đồng USD, với giao dịch 3,57 real/1 USD.

Các chuyên gia cho rằng đây là thắng lợi đầu tiên của ông Temer trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chính trị tại nước này vẫn chưa có hồi kết.

Giới doanh nhân hy vọng Quốc hội Brazil cũng sẽ thông qua gói cải cách của tân Bộ trưởng Kinh tế Henrique Meirelles đưa ra bao gồm việc sửa đổi Hiến pháp với mục đích giới hạn chi tiêu công hàng năm ở mức tương đương tỷ lệ phạm phát của năm trước đó.

Theo ông Temer, trong giai đoạn 1997-2015, chi phí dành cho chi tiêu công tăng từ mức 14% lên 19% GDP, tăng nhiều hơn tỷ lệ lạm phát và trở thành gánh nặng cho nền kinh tế. Chính phủ mới cũng cho rằng cần phải cắt giảm chi tiêu trong y tế và giáo dục.

Ông Temer muốn ngăn chặn tình trạng nợ công gia tăng, hiện tương đương 67% GDP.

Tổng thống lâm thời Temer cũng đề xuất sửa đổi luật khai thác dầu khí, theo đó cho phép các công ty tư nhân tham gia khai thác tại lớp "tiền muối" (pre-salt) ở các lớp đá muối ngoài khơi Đại Tây Dương, với trữ lượng 114 tỷ thùng, mà không phải qua Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras.

Nhà lãnh đạo này cũng tuyên bố khả năng sử dụng nguồn tài chính Quỹ chủ quyền được thành lập dưới thời Tổng thống Lula da Silva nhằm hỗ trợ các dự án phát triển của ngành giáo dục từ việc trích lại nguồn tiền thu được do xuất khẩu dầu khí.

Ngay lập tức, bà Rousseff đã chỉ trích dự định tư nhân hóa khai thác dầu khí này của chính phủ lâm thời.

Cùng ngày, Quốc vụ khanh Đầu tư Moreira Franco cho biết chính phủ lâm thời đang xem xét dỡ bỏ việc cấm người nước ngoài mua đất nông nghiệp ở Brazil. Trong trường hợp luật này được bãi bỏ, Brazil có thể thu về tới 19 tỷ USD.

Brazil đang ở trong năm suy thoái thứ hai và các dự báo đều cho thấy nước này sẽ không thể phục hồi trước năm 2018. Cuối tháng Hai vừa qua, Moody's đã trở thành hãng xếp hạng tín nhiệm thứ ba trên thế giới hạ bậc tín nhiệm của Brazil xuống mức thấp gần như "vô giá trị" với lý do nền kinh tế này đang đối mặt núi nợ công cao và tình hình chính trị bất ổn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục