Ông Ban Ki-moon phát biểu chia tay Đại hội đồng Liên hợp quốc

Tổng Thư ký LHQ nhấn mạnh thách thức và nguy cơ của thế giới

Trong bài phát biểu ở Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng Thư ký Ban Ki-moon đã đưa ra những cảnh báo về những nguy cơ và thách thức mà thế giới đang phải đương đầu.
Tổng Thư ký LHQ nhấn mạnh thách thức và nguy cơ của thế giới ảnh 1Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon phát biểu khai mạc phiên họp cấp cao thường niên của Đại hội đồng Liên hợp quốc. (Nguồn: Reuters)

"Đang tồn tại những hố sâu ngờ vực ngăn cách công dân với các nhà lãnh đạo. Những phần tử cực đoan đang chia loài người thành hai phe 'chúng ta' và 'họ.' Trái Đất đang 'tấn công' con người bằng mực nước biển tăng, nhiệt độ nóng kỷ lục và những cơn bão dữ dội."

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã khai mạc phiên họp cấp cao thường niên của Đại hội đồng Liên hợp quốc bằng cảnh báo về những nguy cơ và thách thức mà thế giới đang phải đương đầu.

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, phát biểu ngày 20/9 trước các nguyên thủ quốc gia và các ngoại trưởng đến từ 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, ông Ban Ki-moon nêu rõ các cuộc xung đột có vũ trang đang ngày càng kéo dài và phức tạp trong khi những phần tử cực đoan đang đe dọa sự cấu kết của xã hội. Một loạt quốc gia từ Yemen tới Libya và Iraq, từ Afghanistan tới vùng Sahel và vùng lòng chảo hồ Sát đang chìm trong xung đột và bạo lực.

Tổng Thư ký đặc biệt nhấn mạnh đến cuộc chiến Syria đang gây thương vong nhiều nhất và gây bất ổn lan rộng nhất trong số các cuộc xung đột đang diễn ra trên khắp thế giới.

Ông chỉ trích tất cả những cường quốc đang "đổ thêm dầu vào lửa" cuộc chiến Syria. Ông nói: "Trong khán phòng ngày hôm nay có đại diện của những chính phủ đã phớt lờ, đã tạo điều kiện, đã tài trợ, đã tham gia hoặc thậm chí lên kế hoạch và tiến hành những vụ tấn công sát hại dân thường Syria."

Ông kêu gọi tất cả những bên có liên quan ngừng giao tranh và bắt đầu đàm phán.

Ông Ban Ki-moon cũng lên án vụ tấn công nhằm vào đoàn xe viện trợ Syria hôm 19/9 đồng thời tái xác nhận thông tin Liên hợp quốc đã ngừng các hoạt động vận chuyển hàng nhân đạo tại đây.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng liệt kê một loạt điểm nóng mà Liên hợp quốc chưa thể hóa giải bất luận đã có nhiều nỗ lực trong hàng thập niên qua.

Ông bày tỏ quan ngại đặc biệt trước tiến trình hòa bình Trung Đông đang "dậm chân tại chỗ" khi nhấn mạnh 10 năm ông giữ chức Tổng Thư ký là 10 năm tiến trình này liên tục có những bước thụt lùi với giải pháp hai nhà nước ngày càng khó trở thành hiện thực.

Về bán đảo Triều Tiên, ông Ban Ki-moon cho rằng vụ thử hạt nhân thứ năm của Bình Nhưỡng đang đe dọa hòa bình và ổn định của khu vực thế giới, đồng thời hối thúc Bình Nhưỡng thay đổi cách hành xử và thực thi những nghĩa vụ của mình đối với quốc tế.

Về Ukraine, ông nhấn mạnh đến tình trạng bạo lực không chỉ gây rối loạn an ninh của nước này mà còn làm gia tăng căng thẳng trên toàn châu Âu và tái khuấy động những cuộc cạnh tranh địa-chính trị.

Ông Ban Ki-moon cũng đề cập tới Myanmar và Sri Lanka, cho rằng tại 2 quốc gia này, tiến trình hòa giải thực sự phụ thuộc vào việc đảm bảo rằng tất cả các cộng đồng, các nhóm người thiểu số cũng như đa số cùng được tham gia xây dựng một liên minh mới.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng ca ngợi Tuyên bố New York về người tị nạn và nhập cư vừa được thông qua trước đó một ngày là công cụ để cộng đồng quốc tế cứu mạng sống và bảo vệ quyền của hàng triệu người, đồng thời nhấn mạnh tất cả các quốc gia cần phải thực hiện những lời hứa của mình.

Trong bài phát biểu chia tay Đại hội đồng Liên hợp quốc, vị tổng thư ký sẽ mãn nhiệm vào ngày 31/12 cũng tổng kết lại những điểm nhấn của Liên hợp quốc trong 10 năm ông giữ chức vụ đứng đầu diễn đàn đa phương lớn nhất hành tinh này, trong đó nổi bật nhất là các mục tiêu phát triển bền vững và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Ông tự tin cho biết trong 10 năm qua (2006-2016), Liên hợp quốc đã có quyền lực và công cụ để ngăn ngừa và chấm dứt các cuộc xung đột, có khả năng thu hẹp khoảng cách giữa người giàu và người nghèo.

Từ ngày 20/9 đến hết ngày 26/9, trong khuôn khổ phiên thảo luận cấp cao hàng năm, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ có lần lượt có các bài tham luận theo chủ đề "Những Mục tiêu phát triển bền vững- Cú huých toàn cầu để làm biến đổi thế giới."

Tất cả các bài tham luận đều hướng tới mục tiêu định hình phản ứng chung của "đại gia đình" Liên hợp quốc trước nhiều thách thức đang đặt ra đối với thế giới, như các cuộc xung đột kéo dài, tình trạng nghèo đói cùng cực, cuộc khủng hoảng người tị nạn và tình trạng biến đổi khí hậu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục