60 năm Truyền thống ngành dân số: Vì một Việt Nam phát triển bền vững

Trong 60 năm qua, Việt Nam đã khống chế thành công tốc độ gia tăng dân số quá nhanh, giữ được quy mô dân số hợp lý và duy trì tổng tỉ suất sinh thay thế suốt hơn 10 năm qua.
60 năm Truyền thống ngành dân số: Vì một Việt Nam phát triển bền vững ảnh 1Trẻ sơ sinh được chăm sóc tại Khoa Sơ sinh - Bệnh viện Hùng Vương Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Cùng với quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong 60 năm qua, công tác dân số đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần không nhỏ vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống ngành dân số (26/12/1961-26/12/2021), Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) Nguyễn Doãn Tú đã có những chia sẻ về công tác dân số trong chặng đường đầy cam go, thử thách và nỗ lực để đạt được những thành tựu đáng tự hào.

- Xin ông cho biết, 60 năm qua, công tác dân số ở nước ta đã đạt được những thành tựu nổi bật nào?

Ông Nguyễn Doãn Tú: Có thể nói trong 60 năm qua, thành tựu công tác dân số thể hiện ở nhiều mặt.

Trước hết, chúng ta khống chế thành công tốc độ gia tăng dân số quá nhanh, giữ được quy mô dân số hợp lý và duy trì tổng tỉ suất sinh thay thế suốt hơn 10 năm qua. Dân số Việt Nam đã và đang ở thời kỳ dân số vàng. Sức khỏe bà mẹ trẻ em được cải thiện rõ rệt.

Cụ thể, tỷ lệ chết ở trẻ em dưới 1 tuổi, dưới 5 tuổi và tỷ lệ chết ở người mẹ giảm mạnh, mức độ giảm đã vượt các chỉ tiêu của Quốc hội và Chính phủ giao, được quốc tế công nhận, đánh giá cao.

[Báo động mức sinh đã xuống thấp ở nhiều vùng đô thị]

Việt Nam được thế giới ngưỡng mộ ở công tác xóa đói, giảm nghèo, trong đó có phần đóng góp không nhỏ của công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình.

Do làm tốt công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình nên tỷ lệ trẻ em đến trường ngày càng tăng. Các bà mẹ, đặc biệt là các bà mẹ trẻ có điều kiện tham gia học tập, tham luận, nghiên cứu khoa học và công tác xã hội… nên tỷ lệ phụ nữ tham gia làm công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, tham gia vào cấp ủy, Quốc hội, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân các cấp ngày càng tăng.

GDP bình quân đầu người tăng lên cũng có đóng góp không nhỏ của công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình.

- Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác dân số của nước ta đang đứng trước những khó khăn, thách thức nào cần giải quyết?

Ông Nguyễn Doãn Tú: Mặc dù công tác dân số đã có những thành tựu góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước nhưng công tác dân số nước ta đang đứng trước những khó khăn, thách thức rất lớn.

60 năm Truyền thống ngành dân số: Vì một Việt Nam phát triển bền vững ảnh 2 Diễu hành hưởng ứng lễ Phát động truyền thông cung cấp các thông tin dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình tại Nghệ An. (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN)

Thứ nhất, mặc dù nước ta đã đạt mức sinh thay thế (số con bình quân của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 2,1 con) từ năm 2006 và duy trì đến nay, nhưng chúng ta đang đối mặt với tình trạng mức sinh chêch lệch đáng kể giữa các vùng, đối tượng.

Thứ hai, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh không được khắc phục, luôn ở mức cao và ngày càng lan rộng. Tình trạng này kéo dài sẽ xảy ra tình trạng thừa nam, thiếu nữ và rất nhiều hệ lụy cho xã hội.

Thứ ba, Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng (cứ 2 người tuổi lao động có ≤ 1 phụ thuộc dưới 15 tuổi và trên 65 tuổi), chỉ diễn ra duy nhất trong lịch sử dân tộc và chỉ kéo dài 30-40 năm. Nếu không tận dụng tốt cơ hội, nền kinh tế và xã hội Việt Nam sẽ gặp khó khăn, thách thức khi "dân số vàng" trở thành "dân số già," dự báo sau năm 2035.

Thứ tư, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới, nếu chúng ta không có những giải pháp đồng bộ để thích ứng với dân số già thì sẽ tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế và an sinh xã hội.

Thứ năm, phân bổ dân cư chưa phù hợp ở mỗi địa phương, vùng miền (nơi thừa, nơi thiếu lao động) dẫn đến phân bố nguồn lực không hợp lý cho phát triển kinh tế, an sinh xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng và phát triển bền vững đất nước.

Thứ sáu, chất lượng dân số của nước ta còn thấp và chậm cải thiện, ví dụ như tỷ lệ phá thai cao; tình trạng vô sinh, vô sinh thứ phát, có chiều hướng tăng; chỉ số HDI (Chỉ số phát triển con người) thấp, chậm được cải thiện (1993: 121/174, 2018: 116/189); Tầm soát trước sinh, sơ sinh thấp…

Tuy tuổi thọ trung bình cao (73,5 tuổi) nhưng số năm sống khỏe mạnh thấp so với nhiều nước. Gánh nặng bệnh tật kép, thường mắc các bệnh mạn tính, bình quân mỗi người cao tuổi có 3 bệnh, chủ yếu là các bệnh không lây nhiễm, đòi hỏi điều trị và chăm sóc lâu dài.

- Đâu là thách thức lớn nhất, khó giải quyết nhất?  

Ông Nguyễn Doãn Tú: Trong thời gian gần đây công tác dân số đồng thời vừa thực hiện nhiệm vụ của Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong thời kỳ mới vừa thực hiện sắp xếp lại bộ máy theo Nghị quyết 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng nên gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là về tổ chức bộ máy và nguồn lực đầu tư cho công tác dân số.

Về tổ chức bộ máy, chưa có một cơ quan chỉ đạo, phối hợp liên ngành công tác dân số ở trung ương; bộ máy làm công tác dân số bị xáo trộn, đặc biệt tại tuyến huyện khi sáp nhập trung tâm dân số kế hoạch hóa gia đình vào trung tâm y tế thành trung tâm y tế đa chức năng.

Về ngân sách, đầu tư cho công tác dân số giảm mạnh từ ngân sách trung ương; ngân sách từ viện trợ nước ngoài hầu như không còn. Hầu hết ngân sách chi cho công tác dân số do các địa phương tự bố trí nên đã gặp không ít khó khăn, đặc biệt là đối với các tỉnh nghèo chưa cân đối đủ thu-chi ngân sách hàng năm.

- Thời gian qua, nhiều Chương trình, Đề án quan trọng phục vụ công tác dân số và phát triển đã được Chính phủ phê duyệt để triển khai trên phạm vi cả nước. Ông có thể cho biết các Chương trình, Đề án đó đã đem lại hiệu quả như thế nào với công tác dân số?

Ông Nguyễn Doãn Tú: Các chương trình, đề án phục vụ công tác dân số và phát triển được Chính phủ phê duyệt đã mang lại những hiệu quả tích cực đối với công tác dân số và phát triển như:

Đã cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu, giải pháp của Nghị quyết số 21-NQ/TW thành các văn bản luật pháp và chính sách của Nhà nước. Qua 4 năm triển khai Nghị quyết số 21-NQ/TW, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 và ban hành các Chương trình và Dự án.

Tại các địa phương, các cấp ủy Đảng và chính quyền đều ban hành đề án, nghị quyết, quyết định cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW một cách phù hợp với tình hình, đặc điểm địa phương.

Hiện nay, có 298 văn bản (quyết định, kế hoạch) được ban hành để triển khai thực hiện các chương trình, đề án đã được ban hành theo Nghị quyết. Đây là chương trình cụ thể hóa Nghị quyết 21-NQ/TW và đưa nghị quyết này vào cuộc sống.

Các đề án, dự án, chương trình được phê duyệt chính là các căn cứ để triển khai các hoạt động cụ thể nhằm thực hiện duy trì vững chắc mức sinh thay thế, giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, đối tượng; bảo vệ và phát triển dân số các dân tộc thiểu số có dưới 10 nghìn người, đặc biệt là những dân tộc thiểu số rất ít người có nguy cơ suy giảm giống nòi; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, phấn đấu duy trì cơ cấu tuổi ở mức hợp lý; nâng cao chất lượng dân số; thúc đẩy phân bố dân số hợp lý và bảo đảm quốc phòng, an ninh; hoàn thành xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đẩy mạnh lồng ghép các yếu tố dân số vào xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội; phát huy tối đa lợi thế cơ cấu dân số vàng, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển đất nước nhanh, bền vững; thích ứng với già hóa dân số, đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

- Ông có thể nói rõ hơn về những công việc mà ngành dân số đã thực hiện để cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết 21-NQ/TW-“kim chỉ nam” của công tác dân số và phát triển trong bối cảnh hiện nay?

Ông Nguyễn Doãn Tú: Ngày 25/10/2017, BCH Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới.

Trong 4 năm qua để cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết 21-NQ/TW, ngành dân số cùng các cấp, các ngành đã triển khai đồng bộ các hoạt động trên các lĩnh vực quy mô, cơ cấu và nâng cao chất lượng dân số, phù hợp yêu cầu chuyển hướng công tác dân số trong tình hình mới.

60 năm Truyền thống ngành dân số: Vì một Việt Nam phát triển bền vững ảnh 3Tuyên truyền công tác dân số đến từng hộ gia đình tại xã Yên Thắng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. (Ảnh: Đức Tưởng/TTXVN)

Mặc dù khối lượng công việc cần thực hiện Nghị quyết 21 rất lớn, vẫn còn một số văn bản đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện để trình cấp có thẩm quyền ban hành, nhưng thông qua việc triển khai, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và văn bản đã ban hành, có thể nói Nghị quyết 21 đã từng bước đi vào cuộc sống.

Ngành dân số đã đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dân số hiệu quả nhất, phù hợp từng vùng, từng đối tượng cụ thể, đặc biệt vùng sâu, vùng xa nơi có đông đồng bào dân tộc ít người.

Bên cạnh công tác thông tin truyền thông, ngành chú trọng mở rộng, ứng dụng các kỹ thuật, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân. Nhờ đó, hiệu quả và chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân nói chung và chăm sóc sức khỏe, kế hoạch hóa gia đình ở các địa phương có những bước chuyển biến rõ rệt.

Ngành dân số các cấp đã tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai các chương trình, đề án hướng tới mục tiêu dân số và phát triển; các chương trình kế hoạch hóa gia đình, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, tầm soát dị tật, bệnh tật bẩm sinh và nâng cao chất lượng dân số, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tiếp tục được đẩy mạnh.

Trong đó, chương trình Kế hoạch hóa gia đình tiếp tục thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có hai con, bảo đảm quyền và trách nhiệm trong việc sinh con và nuôi dạy con tốt; cung cấp đầy đủ, kịp thời các phương tiện tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình an toàn, hiệu quả, thuận lợi với chất lượng ngày càng tốt hơn.

Các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số được tiếp tục duy trì và phát triển hiệu quả. Đề án mở rộng sàng lọc trước sinh và sau sinh đang triển khai tại các cơ sở y tế công lập, qua đó cung cấp kịp thời các thông tin về sàng lọc trước và sau sinh nhằm hạn chế tỷ lệ trẻ em sinh ra bị mắc các bệnh, dị tật bẩm sinh…

- Được biết, Chính phủ đã phê duyệt Đề án Nghiên cứu, xây dựng mô hình tổ chức bộ máy, mạng lưới và cơ chế phối hợp liên ngành làm công tác dân số và phát triển các cấp. Điều kỳ vọng nhất của ngành dân số khi xây dựng và đưa vào triển khai Đề án này là gì thưa ông?

Ông Nguyễn Doãn Tú: Như chúng ta đã biết, trong thời gian vừa qua, tổ chức bộ máy làm công tác dân số nước ta có nhiều biến động, đặc biệt là tại tuyến cơ sở. Việc chia tách, sáp nhập hoặc xây dựng đề án sáp nhập đã gây nên những dao động về mặt tâm lý và ảnh hưởng đến tâm huyết của những cán bộ làm công tác dân số trong cả nước.

Ngày 30/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 496/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Nghiên cứu, xây dựng mô hình tổ chức bộ máy, mạng lưới và cơ chế phối hợp liên ngành làm công tác dân số và phát triển các cấp.

Chúng tôi trông đợi rằng các địa phương sẽ triển khai theo đúng Quyết định 496, đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về giữ ổn định tổ chức bộ máy làm công tác dân số như hiện nay để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ chuyên môn về dân số và phát triển trên địa bàn, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu mà Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương đã đề ra.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục