Ai dẫn dắt RCEP: Sự khác biệt giữa thực tế và truyền thông

Triển vọng của RCEP chỉ có thể được đáng giá đúng nhất thông qua việc tập trung vào ASEAN như một “tân binh,” một mục tiêu để các cường quốc từ Tây sang Đông tìm cách cạnh tranh giành ảnh hưởng.
Ai dẫn dắt RCEP: Sự khác biệt giữa thực tế và truyền thông ảnh 1Lễ ký kết Hiệp định RCEP. (Nguồn: AFP)

Theo trang mạng moderndiplomacy.eu, sau khi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được ký vào ngày 15/11/2020, truyền thông thế giới bắt đầu liên tục có những bài viết ca ngợi và hoan nghênh thỏa thuận này.

Cụ thể, nhiều hãng truyền thông phương Tây và Trung Quốc đã đưa tin về siêu thỏa thuận này ở ngay những vị trí tiêu đề nổi bật, song nội dung lại chỉ xoay quanh những vấn đề được nhìn nhận qua lăng kính hạn hẹp của cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung và cố tình phớt lờ vai trò quốc tế của ASEAN trong việc hình thành khối thương mại này.

Lấy ví dụ, hãng tin CNN và Reuters nêu bật RCEP như một khối thương mại tự do được Trung Quốc hậu thuẫn và không bao gồm Mỹ, đồng thời ám chỉ Bắc Kinh tự khẳng định mình như một đối tác kinh tế sống còn của Đông Nam Á, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.

Tương tự, hãng truyền thông lớn khác như New York Times cho rằng thỏa thuận thương mại tự do khu vực mà Trung Quốc tham gia với tư cách đối tác quan trọng chính là đối trọng ảnh hưởng kinh tế của Washington tại khu vực Đông Á.

Về phần mình, tờ Thời báo Hoàn Cầu, một ấn phẩm của Nhân dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận của nhà nước Trung Quốc, cũng tham gia cuộc chiến truyền thông này.

[RCEP cho thấy nỗ lực tăng cường hội nhập của các nước thành viên]

Mang đậm quan điểm của các nhà kinh tế Trung Quốc, luôn nhấn mạnh vai trò chủ động của Bắc Kinh trong việc hoàn thành thỏa thuận thương mại tự do khu vực, Thời báo Hoàn Cầu mô tả RCEP như một thành công của Trung Quốc trên con đường tiến tới tự do hóa thương mại và chủ nghĩa đa phương, đối lập với chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương của Mỹ.

Rõ ràng, việc đóng khung RCEP trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung sẽ dẫn tới một “quan niệm” phổ biến rằng RCEP là khối thương mại tự do do Trung Quốc hậu thuẫn và Bắc Kinh đang gây ảnh hưởng kinh tế đối với khu vực Đông Á thông qoa thỏa thuận thương mại này.

Điều này dẫn tới 2 câu hỏi: Liệu đây có phải là thực tế đang diễn ra? Và liệu có sự khác biệt nào giữa “quan niệm” và thực tế?

Trước hết, RCEP là một thỏa thuận thương mại tự do (FTA) do ASEAN dẫn dắt, và thành hình được là nhờ vai trò trung tâm của khối này. Điều đó có nghĩa ASEAN không chỉ nắm vai trò dẫn dắt thông qua việc đưa 2 nền kinh tế lớn là Trung Quốc và Nhật Bản vào trong một nền tảng FTA, mà ASEAN còn phối hợp các FTA song phương mà khối này ký với từng đối tác bên ngoài vào trong một FTA chuẩn hóa khu vực mang tên RCEP.

Dù RCEP tương đương hoặc tốt hơn các thỏa thuận song phương mà ASEAN từng ký với 5 đối tác bên ngoài là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand, song RCEP về cơ bản nhận được đồng thuận trên cơ sở cho rằng những FTA kiểu này thường khởi đầu với các tiêu chuẩn thấp về tự do hóa thương mại và dịch vụ, nhưng sẽ phát triển dần theo thời gian (có thể 10 năm hoặc hơn) để trở thành một phiên bản FTA mới với tiêu chuẩn cao hơn về tự do hóa.

Chính quá trình tự do hóa tiến bộ này đã hình thành nên những thành phần cốt lõi giúp định hình tính trung tâm của ASEAN để thúc đẩy các mục tiêu tự do thương mại toàn cầu.

Thực tế là Trung Quốc rất ủng hộ vai trò của ASEAN trong RCEP, vì vậy cũng không sai khi người ta cho rằng đây là thỏa thuận được Bắc Kinh hậu thuẫn. Tuy nhiên, nếu nhấn mạnh quá mức vai trò của Bắc Kinh và lờ đi vai trò to lớn của ASEAN, người ta sẽ rất dễ đi tới những nhận thức sai lầm rằng thỏa thuận thương mại khu vực này là do Bắc Kinh dẫn dắt, và do đó, 14 quốc gia còn lại chỉ là những kẻ “theo sau” bị động và vâng lời.

Viện Brookings đã có những nhận định rất đúng đắn khi cho rằng nếu ASEAN không gánh vác trọng trách thúc đẩy RCEP vào năm 2012, RCEP có lẽ đã không thể đạt được những tiến triển như thế này bởi trên phương diện chính trị, cả Trung Quốc và Nhật Bản đều không được chấp nhận với tư cách “chủ tọa” tiến trình đàm phán.

Bởi vậy, việc nhấn mạnh RCEP là một thỏa thuận thương mại “được Trung Quốc hậu thuẫn” sẽ gây ra nhiều tổn hại cho ASEAN bởi khối này đã dành 10 năm nỗ lực để cân nhắc, thương lượng và xúc tiến việc hoàn tất thỏa thuận này với vai trò trung tâm đàm phán cùng 6 đối tác bên ngoài (trong đó gồm cả Ấn Độ, nhưng nước này đã rút ra khỏi thỏa thuận vào năm ngoái).

Ý kiến cho rằng Trung Quốc đang gây ảnh hưởng kinh tế trong khu vực thông qua RCEP cũng có một phần đúng, song vẫn khác xa thực tế tại Đông Á.

RCEP là một FTA với tiêu chuẩn tự do hóa thấp, và cũng bởi tiêu chuẩn thấp như vậy, các ngành thương mại và dịch vụ nhạy cảm về cơ bản đều không được đưa vào những cam kết tự do thương mại.

Ví dụ, thuế đánh vào các sản phẩm thương mại như thịt lợn và đá lát vẫn khá cao tại Nhật Bản và Việt Nam, khiến các đối tác RCEP khác (bao gồm Trung Quốc) gặp nhiều khó khăn trong việc xuất khẩu mặt hàng này.

Về thương mại dịch vụ, danh mục các mặt hàng và lĩnh vực không được đưa ra thỏa thuận thậm chí còn nhiều hơn. Không chỉ có Trung Quốc loại ôtô, đất hiếm và các thiết bị viễn thông khỏi các cam kết tự do hóa của RCEP, 14 quốc gia khác cũng có những danh mục của riêng mình.

Trước những thực tế này, rất dễ hiểu tại sao Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE) và Đại học Queensland (UQ) lại dự báo Trung Quốc thu lợi không đáng kể từ siêu thỏa thuận thương mại này. PIIE ước tính thu nhập thực của Trung Quốc sẽ tăng thêm 0,4% vào năm 2030 nhờ RCEP, trong khi UQ cho rằng con số này chỉ là 0,08%.

Ngược lại, Nhật Bản sẽ được lợi rất lớn từ RCEP, đặc biệt là hàng hóa công nghiệp do tiếp cận được thị trường Trung Quốc. Với cam kết của Trung Quốc về việc miễn thuế với 86% hàng hóa công nghiệp từ Nhật Bản, các nhà sản xuất phụ tùng ôtô của đất nước Mặt Trời mọc sẽ là những người hưởng lợi lớn nhất từ RCEP.

Các doanh nghiệp nội địa Trung Quốc có thể sẽ phải đối diện với cạnh tranh khốc liệt từ quốc gia láng giềng này một khi các biện pháp tự do hóa thương mại được thực hiện trong năm tới.

Rõ ràng, cáo buộc cho rằng Trung Quốc gây ảnh hưởng tại Đông Á thông qua RCEP là không thỏa đáng. Hơn thế nữa, Trung Quốc là đối tác thương lại lớn nhất của hầu hết các quốc gia RCEP (nếu không nói là tất cả) trước cả khi thỏa thuận được ký, và hầu hết các quốc gia thành viên đều đã có biện pháp bảo hộ các ngành công nghiệp nhạy cảm của mình.

Thực tế đang thách thức những gì mà truyền thông phương Tây và thậm chí là Trung Quốc đăng tải. Nói đúng hơn, RCEP nên được coi là một thành công có được nhờ nhiều yếu tố đối với Bắc Kinh, và Trung Quốc hậu thuẫn chứ không đảm nhận vai trò dẫn dắt và cũng khó có thể thu được những lợi ích đáng kể trong 10 năm tới.

Triển vọng của RCEP chỉ có thể được đáng giá đúng nhất thông qua việc tập trung vào ASEAN như một “tân binh,” một mục tiêu để các cường quốc từ Tây sang Đông tìm cách cạnh tranh giành ảnh hưởng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục