Ấn Độ: Chất lượng không khí tại New Delhi sạch nhất trong 4 năm qua

Mùa mưa kết thúc muộn và gió thổi mạnh là những yếu tố khiến nồng độ trung bình bụi mịn PM2.5 trong không khí tại New Delhi tháng 10 vừa qua ở mức 72, giảm mạnh so với mức 126 tháng 10 năm ngoái.
Ấn Độ: Chất lượng không khí tại New Delhi sạch nhất trong 4 năm qua ảnh 1Quang cảnh thủ đô New Delhi. (Nguồn: PTI)

Nhờ các đợt mưa liên tiếp và gió thổi mạnh, người dân thủ đô New Delhi của Ấn Độ hiếm hoi được hít thở không khí trong lành nhất trong ít nhất bốn năm qua.

Theo Cơ quan kiểm soát ô nhiễm trung ương của Ấn Độ, mùa mưa kết thúc muộn và gió thổi mạnh là những yếu tố khiến nồng độ trung bình bụi mịn PM2.5 trong không khí tại New Delhi tháng 10 vừa qua ở mức 72, giảm mạnh so với mức 126 tháng 10 năm ngoái.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo chất lượng không khí có nguy cơ xấu đi trong thời gian tới khi nhiệt độ giảm, gió ít hơn và tình trạng nông dân đốt rơm rạ.

Theo Giám đốc điều hành Trung tâm khoa học và môi trường tại Ấn Độ Anumita Roychowdhury, mưa kéo dài khiến nông dân chưa thể đốt rơm rạ, do vậy thời gian tới là thời điểm họ bắt đầu công việc này. Số liệu chính thức cho thấy trong tháng 10 vừa qua, tình trạng đốt rơm rạ giảm 52% so với cùng kỳ năm ngoái.

[Ấn Độ lên kế hoạch giảm nồng độ bụi mịn nhằm giảm ô nhiễm không khí]

Giới chức Chính phủ Ấn Độ lo ngại chất lượng không khí ở nước này trong tháng 11 sẽ xấu đi sau khi có sự cải thiện trong tháng 10.

Ngoài hoạt động đốt rơm rạ, việc người dân đốt pháo hoa trong lễ hội ánh sáng Diwali cũng sẽ khiến nhiều khu vực, trong đó có thủ đô New Delhi, chìm trong khói bụi ô nhiễm.

Chính quyền New Delhi đã ban hành quy định cấm đốt pháo từ trước thềm lễ hội ánh sáng Diwali, song người dân vẫn vi phạm lệnh cấm.

Tình trạng ô nhiễm môi trường là một thách thức lớn mà Ấn Độ đang phải đối mặt, đặc biệt trong bối cảnh các nhà lãnh đạo thế giới tham dự Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu tại Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh) đang nỗ lực tiến tới một chiến lược chung chống lại sự ấm lên toàn cầu.

Tại hội nghị này, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khẳng định nước này sẽ đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2070.

Theo ông Avinash Kumar Chanchal, nhà hoạt động môi trường thuộc tổ chức môi trường Greenpeace tại Ấn Độ, 10 năm tới rất quan trọng để quốc gia Nam Á này đạt được mục tiêu trung hòa carbon nêu trên và Ấn Độ cần khởi động kế hoạch giảm khí phát thải nhanh nhất có thể./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục