Trong 2 ngày 3-4/5, tại thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang đã tổ chức trang trọng lễ giỗ tập thể cho 3.157 người dân vô tội của thị trấn Ba Chúc bị Pol Pot-Ieng Sary thảm sát trong chiến tranh biên giới Tây Nam vào năm 1978.
Lễ giỗ năm nay được chùa tổ chức cầu nguyện, sau đó các gia đình nạn nhân tổ chức giỗ tại nhà đồng loạt trong ngày Lễ tiên 3/5 và ngày chính lễ 4/5.
Thể hiện trách nhiệm và tình cảm của Đảng, Nhà nước và nhân dân An Giang đối với những người dân vô tội đã khuất, tỉnh đã xây dựng Nhà mồ Ba Chúc ngay sau khi chiến tranh biên giới Tây Nam kết thúc.
Nơi đây lưu giữ chứng tích tội ác diệt chủng khi Pol Pot-Ieng Sary tràn vào thị trấn Ba Chúc, và chỉ trong 12 ngày đêm từ 18/4-29/4/1978 đã giết hại dã man 3.157 thường dân vô tội của thị trấn.
Khi chiến tranh kết thúc, một số hài cốt đã được thân nhân mang về gia đình an táng, hiện còn 1.159 sọ được lưu giữ bảo quản tại nhà mồ, trong đó có 1.017 sọ đã xác định tuổi và giới tính.
Hàng năm vào 2 ngày 15 và 16/3 Âm lịch, tỉnh An Giang đều tổ chức lễ giỗ tập thể ấm áp cho các nạn nhân. Ngày 10/7/1980 Bộ Văn hóa Thông tin (cũ) có quyết định số 92/VH.QĐ xếp hạng Nhà mồ Ba Chúc là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Năm 2011, tỉnh An Giang đã di dời tạm 1.159 sọ người dân bị thảm sát về chùa Phi Lai để chính thức khởi công xây dựng lại Khu di tích lịch sử nhà mồ Ba Chúc trên diện tích 5ha, nằm giữa 2 chùa Phi Lai và Tam Bửu, nơi nhân dân Ba Chúc bị thảm sát.
Công trình có tổng vốn đầu tư 30 tỷ đồng từ kinh phí Trung ương và địa phương, được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn I từ năm 2011-2015; giai đoạn II kéo dài đến năm 2018, hoàn thành nhân dịp 40 năm diệt chủng Pol Pot-Ieng Sary thảm sát nhân dân Ba Chúc.
Khu di tích bao gồm nhiều hạng mục như khu nhà mồ trung tâm rộng 500m2, nhà trưng bày chứng tích h ình ảnh, hiện vật...
Hiện khu nhà mồ đã hoàn thành giai đoạn I. Nhân dịp lễ giỗ năm nay, tỉnh An Giang đã di dời 1.159 sọ từ chùa Phi Lai về nhà mồ để nhân dân đến cúng viếng./.