Việc Việt Nam và Australia có thể nâng cấp quan hệ song phương lên thành đối tác chiến lược toàn diện sẽ là minh chứng cho sự tin cậy chính trị cao mà hai nước đã dày công vun đắp, không chỉ làm sâu sắc hơn nữa các trụ cột hợp tác hiện có mà còn mở rộng sang các lĩnh vực hợp tác mới như chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, kinh tế xanh và năng lượng xanh.
Trên đây là nhận định của Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hải, nghiên cứu viên Trung tâm Tương lai Chính sách, Đại học Queensland (Australia), khi trao đổi với phóng viên TTXVN tại Sydney nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Australia Anthony Albanese trong các ngày 3-4/6 tới.
Kể từ khi trở thành đối tác chiến lược của nhau cách đây 5 năm, kết quả hợp tác giữa hai nước trên 3 trụ cột chính - gồm kinh tế, thương mại và đầu tư; giáo dục và đào tạo; quốc phòng và an ninh - là hết sức ấn tượng.
[Xung lực từ chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Australia]
Hiện Australia là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Australia.
Đến cuối năm 2022, tổng giá trị kim ngạch thương mại hai chiều đạt xấp xỉ 16 tỷ USD, riêng trong quý 1/2023 là 3,4 tỷ USD.
Australia cũng có hơn 550 dự án với tổng vốn đầu tư gần 2 tỷ USD đang hoạt động ở Việt Nam và Việt Nam cũng có hơn 80 dự án với tổng vốn đầu tư là gần 600 triệu USD tại Australia.
Tháng Tư vừa qua, Bộ trưởng Kinh tế và Thương mại hai nước đã tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Đối tác Kinh tế Việt Nam-Australia lần thứ 3 kể từ khi hai nước thông qua Chiến lược Tăng cường Hợp tác Kinh tế năm 2021 nhằm đưa ra các biện pháp thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ kinh tế song phương, đồng thời nhất trí thành lập cơ chế đối thoại cấp Bộ trưởng về Thương mại.
Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hải đánh giá trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Australia trở thành một trong những thị trường giáo dục nước ngoài thu hút nhiều sinh viên Việt Nam nhất.
Tính đến tháng 12/2022, có hơn 22.000 sinh viên Việt Nam đang theo học tại các cơ sở giáo dục khác nhau của Australia, chiếm 4% số lượng sinh viên quốc tế, đưa Việt Nam trở thành một trong 5 nước hàng đầu có số sinh viên nhiều nhất đang theo học ở Australia.
Cho đến nay, ước tính có khoảng 80.000 sinh viên Việt Nam đã từng học ở Australia và xấp xỉ 15.000 sinh viên Australia sang Việt Nam theo các chương trình khác nhau, bao gồm cả Chương trình Colombo Mới.
Trụ cột hợp tác phát triển thứ ba là lĩnh vực an ninh và quốc phòng.
Kể từ khi Việt Nam và Australia tổ chức Đối thoại song phương về các vấn đề an ninh khu vực vào tháng 4/1998, tiếp theo là việc Australia cử tùy viên quốc phòng sang Hà Nội năm 1999 và Việt Nam cử tùy viên quốc phòng sang Canberra năm 2000, hai bên đã ký nhiều văn kiện, thiết lập các cơ chế và tiến hành nhiều cuộc họp ở các cấp khác nhau, chú trọng lĩnh vực viện trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa.
Năm 2012, hai nước đã nâng cấp Đối thoại An ninh Khu vực lên thành Đối thoại Chiến lược cấp Thứ trưởng Ngoại giao-Quốc phòng Việt Nam-Australia (Đối thoại 2+2).
Từ năm 2013, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước đã tổ chức đối thoại thường niên và năm 2018 hai bên đã ký Tuyên bố Tầm nhìn Chung về Thúc đẩy Hợp tác Quốc phòng, trong đó nhấn mạnh việc mở rộng hợp tác trong lĩnh vực hàng hải và gìn giữ hòa bình.
Hai nước đã tổ chức Đối thoại An ninh cấp thứ trưởng lần thứ nhất vào năm 2018 và mới đây đã tổ chức Đối thoại An ninh lần thứ ba sau 3 năm gián đoạn do đại dịch COVID-19.
Mặc dù kết quả hợp tác song phương hết sức ấn tượng ở ba trụ cột chủ chốt trong các lĩnh vực khác như nông nghiệp, đổi mới và sáng tạo, du lịch, song vẫn còn thiếu một “chất keo" dính để làm cho quan hệ Việt Nam-Australia gắn kết và bền chặt hơn.
“Chất keo” đó chính là giao lưu văn hóa trong tổng thể mối quan hệ giao lưu nhân dân đã được Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ coi là một trụ cột trong quan hệ Việt Nam-Australia.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hải, khái niệm giao lưu văn hóa rất rộng. Đó có thể là giới thiệu các bộ phim, văn hóa ẩm thực, các loại hình nghệ thuật của mỗi nước cho công chúng của nhau.
Nhiều thế hệ người Việt Nam vẫn còn nhớ và ấn tượng sâu sắc với những bộ phim kinh điển của Australia được chiếu trên truyền hình Việt Nam từ thập kỷ 1980 và 1990 như "Cô gái robot” (2001), "Cô gái đại dương" (1999), "Trở về Eden" (1983), "Nhiệm vụ tối mật" (1995), "Tất cả các dòng sông đều chảy" (1983)... Những bộ phim này thể hiện các giá trị văn hóa của Australia đã thẩm thấu trong suy nghĩ của nhiều thế hệ người Việt Nam.
Tuy nhiên, Australia không chỉ có những bộ phim này là đặc sắc văn hóa và người Việt Nam cũng không chỉ biết đến văn hóa Australia qua những phim này.
Từ lâu, hình ảnh Australia trong suy nghĩ của người Việt Nam, đặc biệt là trong thế hệ trẻ hiện nay, là những chú chuột túi đáng yêu - biểu tượng quốc gia của Australia.
Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hải gợi ý Australia có thể tặng Việt Nam những chú chuột túi như là một biểu tượng của sự gắn kết về văn hóa, sự gần gũi về địa lý và sự chung tay chăm sóc những gì mà hai nước cùng trân quý./.