Anh xin gia nhập CPTPP, thúc đẩy hội nhập kinh tế với châu Á-TBD

Nhật Bản và các thành viên khác đã hoan nghênh đề nghị của Anh, coi đây là động lực để mở rộng thương mại tự do dựa trên các quy tắc thương mại và đầu tư tiêu chuẩn cao.
Anh xin gia nhập CPTPP, thúc đẩy hội nhập kinh tế với châu Á-TBD ảnh 1Các nước thành viên CPTPP. (Ảnh: AFP)

Ngày 1/2, Anh đã chính thức xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), trở thành trở quốc gia đầu tiên ngoài các nước thành viên sáng lập nộp đơn đăng ký tham gia thỏa thuận thương mại tự do này. 

Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh Liz Truss đã đưa ra đề nghị trên trong cuộc họp trực tuyến với người đồng cấp New Zealand Damien O'Connor và Bộ trưởng phụ trách đàm phán CPTPP của Nhật Bản Yasutoshi Nishimura.

Nhật Bản và các thành viên khác đã hoan nghênh đề nghị của Anh, coi đây là động lực để mở rộng thương mại tự do dựa trên các quy tắc thương mại và đầu tư tiêu chuẩn cao. Anh dự kiến sẽ bắt đầu đàm phán với các thành viên CPTPP vào mùa Xuân.

Nhật Bản đảm nhận vị trí Chủ tịch cơ quan ra quyết định của CPTPP trong năm nay, trong khi New Zealand chịu trách nhiệm tiếp nhận các yêu cầu gia nhập với tư cách là cơ quan lưu chiểu cho hiệp định thương mại này. Sau khi các cơ quan liên quan ra quyết định chấp thuận việc bắt đầu quá trình gia nhập CPTPP của Anh, một nhóm cấp công tác sẽ được thành lập để tiến hành công tác đàm phán.

Trong các cuộc đàm phán, Anh sẽ cần chứng tỏ rằng nước này có thể tuân thủ các quy tắc của CPTPP, đồng thời tham gia đàm phán thuế quan trên cơ sở song phương với 11 thành viên. Việc gia nhập của Anh cuối cùng sẽ cần được sự đồng thuận của cơ quan ra quyết định.

[Anh chuyển hướng thương mại sang châu Á thời hậu Brexit]

Nhật Bản cũng đang hy vọng vào sự quay trở lại của Mỹ, sau những nỗ lực thúc đẩy từ cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, nhằm giảm sự ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, người kế nhiệm của ông Obama là cựu Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận này ngay sau khi nhậm chức vào năm 2017, với khẩu hiệu "Nước Mỹ trước tiên."

Theo giới chuyên gia, việc Washington quay trở lại thỏa thuận này khó có thể sớm xảy ra, bởi tân Tổng thống Mỹ Joe Biden, đã đánh đi tín hiệu rằng chính quyền hiện nay sẽ ưu tiên tập trung vào phục hồi nền kinh tế và ứng phó với dịch COVID-19 thay vì tham gia các thỏa thuận quốc tế.

Trong khi đó, tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương được tổ chức hồi tháng 11/2020, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã bày tỏ mong muốn sớm gia nhập CPTPP. Tuy nhiên, mong muốn của Trung Quốc khó có thể được sự thỏa mãn dễ dàng bởi các quy tắc thương mại tự do tiêu chuẩn cao của CPTPP, chẳng hạn như lệnh cấm đối xử ưu đãi đối với doanh nghiệp nhà nước và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ mạnh mẽ hơn.

Ngoài Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Thái Lan cũng bày tỏ sự quan tâm đến việc tham gia CPTPP. CPTPP hiện có 11 nước thành viên gồm Việt Nam, Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru và Singapore./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục